• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội Gióng: Di sản thế giới chuẩn bị khai hội

Văn hoá 22/04/2017 20:19

(Tổ Quốc) - Lễ hội Gióng truyền thống tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm sẽ diễn ra từ ngày 1- 4/5 tức ngày 6-9 tháng tư âm lịch.

Hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ở Hà Nội có hai Lễ hội Gióng, một ở Sóc Sơn (diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng) và một ở huyện Gia Lâm nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Thánh Gióng. Lễ hội Gióng ở huyện Gia Lâm tổ chức muộn hơn và có những đặc trưng rất riêng. Hàng năm, lễ hội truyền thống này thu hút sự quan tâm của du khách thập phương.

Hội Gióng Phù Đổng có nhiều nghi thức, diễn xướng độc đáo (ảnh Anh Tuấn)

Năm nay, UBND huyện Gia Lâm đã lên kế hoạch cụ thể để thực hiện lễ hội truyền thống một cách an toàn, hiệu quả. Theo đó, Lễ hội gồm phần lễ và hội. Phần lễ gồm: Lễ tế Thánh tại đền Thượng, Ngoại đàn tại sân đền Thượng, Rước Khám đường, Lễ rước cỗ về đền Mẫu và Lễ hội trận truyền thống với 2 trận đánh cờ tại Đống Đàm và Soi Bia. Phần hội là các hoạt động văn hóa nghệ thuật như hát tuồng, cải lương, quan họ…

Lễ hội có nhiều nghi thức, diễn xướng, nổi bật nhất là hội trận tái hiện hai trận đánh giặc Ân của Thánh Gióng ở bãi Đống Đàm và Soi Bia. Trận đánh ở Đống Đàm được tái hiện một cách công phu, rõ hình ảnh các ông Hiệu, ông Hổ, đội quân chính quy, đội quân trinh sát nhỏ tuổi, đội dân binh... Sau trận Đống Đàm, trận đánh ở Soi Bia là đợt xung trận thứ hai của Thánh Gióng. Trong trận này, roi sắt gãy, ông Gióng nhổ tre đằng ngà - thứ vũ khí tượng trưng cho sức mạnh của dân tộc - để đánh giặc ngoại xâm.

Năm nay, người đóng vai Hiệu Cờ ở thôn Phù Đổng, Hiệu Trung quân ở thôn Phù Dực, Hiệu Chiêng ở thôn Đổng Viên và Hiệu Trống ở thôn Đổng Xuyên. Các đội quân được thể hiện là “làng áo đỏ” và “làng áo đen”. Năm nay, "làng áo đỏ” có 34 người, “làng áo đen” có 42 người, đoàn Ải lao có 27 người và đội nhạc lễ - trống rồng 14 người…/.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ