• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội họa Lê Phổ

18/10/2007 07:20

Gần sáu năm sau ngày Lê Phổ qua đời, tác phẩm của ông hiện được giới sưu tập và kinh doanh tác phẩm nghệ thuật săn tìm, được định giá cao tại các cuộc bán đấu giá gần đây nhất. Cho tới nay, có lẽ chưa có họa sĩ Việt Nam nào vẽ được nhiều tranh và có tranh bán với giá cao như Lê Phổ.

Gần sáu năm sau ngày Lê Phổ qua đời, tác phẩm của ông hiện được giới sưu tập và kinh doanh tác phẩm nghệ thuật săn tìm, được định giá cao tại các cuộc bán đấu giá gần đây nhất. Cho tới nay, có lẽ chưa có họa sĩ Việt Nam nào vẽ được nhiều tranh và có tranh bán với giá cao như Lê Phổ.

Lê Phổ bên giá vẽ.Lê Phổ bên giá vẽ.

Tháng 9-2007, gallery Leslie Hintman đã định giá bức Thiếu phụ trong vườn, tranh sơn dầu trên lụa, khổ 104,1 x 83,8cm của Lê Phổ là 30.000 - 50.000 USD. Ngay các tranh khổ nhỏ của ông (cỡ 46,4 x 27,3cm) đều được bán với giá khoảng 6.000 - 8.000 USD. Chỉ riêng trên ArtNet trong thời gian qua đã có tới 370 bức của Lê Phổ được rao bán trên mạng.

               Cả nhà trong vườn - sơn dầu.

Ngày 21-10 tới đây, trong cuộc đấu giá lần thứ 10 của nhà Larasati’s tổ chức tại khách sạn Mariott ở Singapore, tranh Lê Phổ sẽ được rao bán cùng tác phẩm của những tên tuổi lớn của hội họa châu Á như Affandi, Hendra Gunawan, Sudjana Kerton (Indonesia), Wu Guanzhong (Trung Quốc), cùng các bậc thầy châu Âu từng sống và sáng tác tại Đông Nam Á như Le Mayuer (Bỉ), Rudolf Bonnet (Hà Lan).

Cần biết là trong lần bán đấu giá thứ chín của Larasati’s vào năm ngoái cũng tại Singapore, với tổng doanh thu lên đến 1,9 triệu đôla Singapore; bức tranh Hát và múa đôi của Gong Lilong, một họa sĩ Trung Quốc đương đại đã được bán với giá 152.100 đôla Singapore, một kỷ lục đối với tác giả này.

Còn nhà Christie’s ở Hong Kong đã chuẩn bị cho một cuộc đấu giá tranh Đông Nam Á quan trọng sẽ diễn ra vào mùa xuân năm sau, trong đó có bức tranh lụa của thời kỳ đầu sáng tác của họa sĩ Lê Phổ vào loại rất quý hiếm, hiện thuộc sưu tập tư nhân tại châu Á; bức Mẹ và các con - thể hiện một bà mẹ đang chơi đùa với ba đứa con, theo ước tính sẽ bán với giá từ 102.000 - 128.000 USD; hai bức tranh sơn dầu còn lại cũng có thể được bán với giá trên 50.000 USD mỗi bức. Cách đây gần mười năm, bức Cho chim ăn của Lê Phổ đã được bán với giá kỷ lục là gần 100.000 USD.

   Các cô thợ may - tranh lụa.

Lê Phổ sinh ngày 2-8-1907 tại Hà Đông trong một gia đình thế tộc (cha ông từng là kinh lược sứ Bắc kỳ); nhưng Lê Phổ lại chọn con đường nghệ thuật, thi vào khóa đầu tiên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thuộc về một nhóm sinh viên “tinh hoa” của khóa, Lê Phổ được hiệu trưởng Victor Tardieu và giáo sư Joseph Inguimberty trực tiếp hướng dẫn trong suốt năm năm học.

Chính Victor Tardieu, với phương châm “Bảo tồn tính dân tộc” trong giảng dạy hội họa, đã khuyến khích các học trò Việt Nam của ông vẽ tranh với các chất liệu truyền thống là lụa và sơn mài. Do vậy, trong thời kỳ đầu sáng tác, Lê Phổ chỉ thuần vẽ tranh lụa.

Năm 1928, Lê Phổ đã có triển lãm tranh đầu tiên tại Hà Nội cùng với các bạn học cùng khóa với ông là Vũ Cao Đàm và Mai (Trung) Thứ. Ba năm sau (1931), chàng họa sĩ 24 tuổi Lê Phổ đã được cử làm phụ tá cho giáo sư Tardieu tham dự triển lãm đấu xảo thuộc địa tại Paris. Năm 1932, ông được học bổng vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Từ Pháp, ông đi khắp châu Âu và khám phá khuynh hướng Nabi (1), sau này có ảnh hưởng quan trọng đến hội họa Lê Phổ vốn trước đó chịu ảnh hưởng của trào lưu Ấn tượng.

Năm 1933, Lê Phổ trở về nước, giảng dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng năm sau lại du hành sang Trung Quốc để tìm hiểu, học hỏi thấu đáo về hội họa cổ điển Trung Hoa. Đến năm 1935, ông trở thành họa sĩ vẽ chân dung Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và trang trí nội cung của Hoàng thành Huế.

Mẹ và con trong vườn - sơn dầu trên lụa .

Năm 1937, ông trở lại Paris với tư cách giám đốc nghệ thuật khu vực Đông Dương của Triển lãm quốc tế và định cư luôn ở Pháp cho tới ngày cuối đời. Năm 1938, Lê Phổ lần đầu tiên bày tranh tại Paris, và từ đó tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh ở khắp nơi trên thế giới.

Có người chia hội họa Lê Phổ thành hai thời kỳ, tương ứng với hai loại chất liệu ông yêu thích là lụa và sơn dầu, thời kỳ đầu được gọi là “cổ điển” - tranh lụa; và thời kỳ sau là “lãng mạn” - tranh sơn dầu; mỗi thời kỳ đều có sự kết hợp các ảnh hưởng Đông và Tây mà ông tiếp thu từ nhà trường cũng như từ các chuyến đi tìm hiểu các chân trời nghệ thuật từ Tây sang Đông.

Nhưng dù có sử dụng chất liệu gì, chịu ảnh hưởng trào lưu hội họa phương Tây hay quốc họa Trung Hoa, vẫn có thể thấy khá xuyên suốt trong gia tài nghệ thuật khổng lồ của Lê Phổ cái hồn vía Việt Nam, cho dù ông gần như suốt đời sáng tác ở xa quê.

Trong tranh Lê Phổ, dù vẽ lụa hay sơn dầu, đều có hình bóng những phụ nữ Việt - cho dù ông chung sống với bà Paulette Vaux, một nhà báo làm việc cho tờ Time và tờ Life. Đó là người thiếu nữ đọc thư tình trong vườn, những cô gái giặt giũ và phơi áo, những mỹ nhân tươi thắm bên hoa, những người đẹp say sưa bên trang sách, những tiểu thư khuê các đang điểm trang dung nhan… và rất nhiều những mẹ và con - tình mẫu tử đặc trưng Á Đông, đặc trưng Việt Nam. Và dù xem mãi những tranh ấy, người ta vẫn không cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt bởi cái đẹp cứ lung linh, ảo diệu, mơ hồ mà lại quấn quýt, gắn bó, gần gũi lạ lùng…

Từ năm 1963, gallery Wally Findlay ở Mỹ trở thành người đại diện cho Lê Phổ để giới thiệu và quảng bá tác phẩm của ông trên thị trường Mỹ và cả châu Âu. Từ đó, tranh Lê Phổ được đưa vào nhiều cuộc đấu giá của các nhà đấu giá quan trọng nhất, càng thúc đẩy ông sáng tác nhiều hơn. Một số nhà sưu tập, chủ gallery tại TP.HCM đã từng mua được tranh khổ nhỏ của Lê Phổ tại các phiên đấu giá.

Tranh Lê Phổ còn được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Paris, một thánh đường của những người yêu mến nghệ thuật khắp nơi trên thế giới.

Theo DNSG

NỔI BẬT TRANG CHỦ