• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội họa Việt Nam: Vị thế tranh Việt trên thị trường thế giới? (Bài 1)

08/10/2012 19:12

(Cinet) – Hội họa Việt Nam đã từng có thời kỳ rất phát triển với những tên tuổi được khẳng định không chỉ trong pham vi quốc gia mà còn trên thế giới. Tuy nhiên thời kỳ vụt sáng đó đã qua đi và hiện nay công chúng yêu nghệ thuật thường hỏi nhau vị thế tranh Việt đang đứng đâu trên thị trường thế giới?

(Cinet) – Hội họa Việt Nam đã từng có thời kỳ rất phát triển với những tên tuổi được khẳng định không chỉ trong pham vi quốc gia mà còn trên thế giới. Tuy nhiên thời kỳ vụt sáng đó đã qua đi và hiện nay công chúng yêu nghệ thuật thường hỏi nhau vị thế tranh Việt đang đứng đâu trên thị trường thế giới?

Phố Phái đã được khẳng định trong thị trường tranh thế giớiPhố Phái đã được khẳng định trong thị trường tranh thế giới

Câu trả lời này rất dễ, bởi chỉ cần nhìn qua các cuộc trưng bày và bán đấu giá của các nhà sưu tập lớn như Sotheby’s , Christie’s tại London hay Paris...Thậm trí không cần đi xa đến vậy chỉ cần nhìn ngay tại các nước láng giềng Hông Kông, Singapore thì sẽ thấy tranh của các họa sĩ Việt Nam rất hiếm khi xuất hiện.

Không phải chưa từng có tranh của Việt Nam được đem ra bán đầu giá tại các nhà đấu giá nổi tiếng trên thế giới như Sotheby’s và Christie. Đã từng có vài bức tranh của họa sĩ Việt Nam được trưng bày tại đây nhưng đều là của các danh họa thuộc lứa đầu tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm.. Kể từ thế hệ họa sĩ đời đầu mà tên tuổi đã được khẳng định không chỉ tại Việt Nam đó, các họa sĩ Việt Nam hiện nay không thể khẳng định được tên tuổi trên bản đồ hội họa thế giới.

Từ trên xuống: tranh của các danh họa Việt Nam Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí



Tạp chí Asian Art – New một tạp chí mỹ thuật hàng đầu trong khu vực đã có bài viết nhận định về Hội họa Việt Nam: “Việt Nam là một quốc gia có trường Mỹ thuật đầu tiên ở Châu Á. Cho đến nay đời sống mỹ thuật ở hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển nhộn nhịp hơn cả trong khu vực. Nhưng thiếu các chế định cụ thể chặt chẽ để có một thị trường tranh phong phú hơn và đáng tin cậy. Ở Singapore với số lượng họa sĩ ít hơn và hoạt động không sôi nổi bằng nhưng đã trở thành trung tâm của khu vực và có bảo tàng Mỹ thuật Quốc tế”. Đây chính là một lời cảnh báo về nguy cơ thả nổi uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Chân dung các danh họa Việt Nam: Nguyễn Phan Chãnh, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí



Nói vậy, hẳn sẽ có nhiều người, nhiều họa sĩ trẻ không đồng tình bởi theo họ thì tranh Việt Nam vẫn được “xuất khẩu” đều đều, ai nói tranh Việt Nam không ra được thế giới? Nhưng cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc việc có chỗ đứng trong thị trường tranh thế giới khác với việc được “xuất khẩu” hàng loạt.

Tranh Việt Nam được xuất ngoại hiện nay đa phần đều nhờ vào các gallery nước ngoài chọn lọc và giới thiệu. Phần nhiều các gallery này ở Hông Kông và Singapore còn các quốc gia ở xa hơn như Châu Âu thì rất hiếm. Khoảng thời gian mà tranh Việt được đem giới thiệu tại các gallery trong khu vực Châu Á bắt đầu từ những năm 1990 và nhiều nhất là những năm 1995 -2000. Còn nhớ thời điểm đó thị trường Hội họa Việt Nam sôi động chưa từng thấy. Trong nước các cuộc triển lãm liên tục được khai mạc, có khi 1 tháng có đến mấy cuộc. Ngoài nước thì nay thấy báo chí đưa tin họa sĩ A tổ chức triển lãm tranh tại Hông Kông, mai lại thấy tin họa sĩ B đem tranh sang Singapore giới thiệu...Giới họa sĩ Việt nói chung và đặc biệt là những họa sĩ có tên tuổi bán được tranh vào thời kỳ đó người nào cũng giàu lên trông thấy. Chính bởi cái sự giàu lên trông thấy đó mà cả giới hội họa Việt Nam như sôi sục. Người đã bán được tranh ( những họa sĩ được ưa chuộng thời điểm đó)  thì tranh thủ “sáng tác” hàng loạt để tận dụng cơ hội, người chưa bán được cũng sáng tác hàng loạt đủ các trường phái để thăm dò thị hiếu của khách...Cứ thế thị trường tranh Việt Nam sôi động như một sân khấu tạp kỹ mà trong đó các họa sĩ chính là các nghệ sĩ trình diễn đủ loai hình nghệ thuật. Chả thế mà có họa sĩ tên tuổi trong một buổi trà dư tửu hậu sau chiến thắng trở về từ một cuộc triển lãm ở Hông Kông còn mạnh bạo tuyên bố: Sẽ sang London mở một gallery cá nhân...Vậy nhưng phàm những cái gì không thật thì khó bền lâu, sau năm 2000 thị trường tranh Việt Nam dần xuống dốc. Có vài họa sĩ và chủ gallery muốn chứng tỏ bản lĩnh, đồng thời cũng là động thái nhằm nhóm lại ngọn lửa đang dần tắt của thị trường tranh Việt, đã đôi lần cố vươn mình tổ chức trưng bày tranh tại Paris, Hông Kông, Singapore..tuy nhiên sức yếu, lực mỏng nên các cuộc triển lãm cũng chỉ như ném đá ao bèo.

Họa sĩ Phạm Luận bên tác phẩm của mình trong một cuộc triển lãm tại New York



Bên cạnh việc nhờ vào các gallery nước ngoài chọn lựa và giới thiệu. Tranh Việt còn có một con đường nữa để xuất ngoại đó là nhờ vào lượng khách du lịch tới Việt Nam. Nhưng khách du lịch đa sô là mua tranh chép, tranh rẻ tiến, tranh nhái...cốt là để có thứ đem về kỷ niệm nhiều hơn là có ý nghĩa nghệ thuật. Vậy nên dù tranh Việt có được chu du khắp thế giới bằng cách thức này cũng chỉ làm xấu thêm danh tiếng của hội họa Việt Nam. Tất nhiên, cũng có những trường hợp khách du lịch tìm mua những bức tranh nghệ thuật thực sự có giá trị của họa sĩ Việt, tuy nhiên con số đó rất hiếm.

Vậy có thể thấy, trong thị trường tranh thế giới hiện nay Việt Nam đứng vào hàng cuối bảng. Chúng ta không cần phải nhìn vào các danh họa với những tác phẩm kinh điển có giá đến hàng trăm triệu USD, bởi  trên thế giới cũng chỉ có được vài người như vậy và các tác phẩm của họ đã trở thành tài sản quốc gia. Hay nếu so sánh với hội họa Châu Âu thì có lẽ cũng sẽ trở nên khập khiễng, bởi nền hội họa Châu Ấu có lịch sử đến hàng chục nghìn năm...Chúng ta chỉ cần nhìn vào các quốc gia láng giềng, những đất nước có lịch sử hội họa thua kém chúng ta về xuất phát điểm như: Singapore, Hông Kông, Thái Lan...thế nhưng bởi hoạt động chuyên nghiệp và lối phát triển có định hướng, bền vững nên đến nay đã vượt xa chúng ta và định vị được tên trên bản đồ hội họa thế giới.

Lý do gì khiến hội họa Việt nam có một khởi đầu khá thuận lợi và cũng đã có khoảng thời gian thị trường hội họa thực sự sôi động lại trở nên đìu hiu như hôm nay? Lý do vì sao Việt Nam có nhiều họa sĩ có tài so với các quốc gia khác nhưng tranh Việt lại không thể khẳng định trên bản đồ hội họa thế giới? ... (còn tiếp)

Nguyễn Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ