• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hồi ký văn học trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại*

Văn hoá 04/12/2017 15:47

(Tổ Quốc) - Hồi ký văn học là một thể tài thuộc thể loại văn học ký. Trên thế giới, tác phẩm Những lời bộc bạch (1782-1789) của J. J. Rut- xô (Pháp) có thể coi là tác phẩm tiêu biểu mở đầu cho thể tài văn học này.

Ở ta, trong bối cảnh xã hội Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, nước ta đi vào con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản, thì trong văn học, song song với sự ra đời của các thể tài thuộc văn học Việt Nam hiện đại: thơ mới, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, lý luận - phê bình, từ đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, đã ra đời hồi ký văn học, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của Những ngày thơ ấu (1941, Nguyên Hồng), và Cai (1944, Vũ Bằng).

Trong lý luận văn học hiện đại, người ta phân biệt đặc trưng tư duy văn học ký (hồi ký văn học), với tư duy văn học sáng tạo (truyện ngắn, tiểu thuyết...) ở tính chất loại biệt trong cấu tạo hình tượng của chúng. Nếu hình tượng của loại thể văn học ký thuộc loại hình tượng ghi chép sự thật (faktographya) thì hình tượng của loại thể văn học sáng tác thuộc loại hình tượng nghệ thuật (tiếng Nga khudojestvennyi obraz).

Thông thường, hình tượng ghi chép sự thật được tạo dựng nhằm ghi lại, tái hiện lại những sự kiện của đời sống xã hội, sinh hoạt gia đình và đời tư có ý nghĩa quan trọng đối với từng con người nhất định. Các tác giả khi xây dựng các hình tượng ghi chép sự thật để ghi nhớ các sự kiện khách quan của đời sống xã hội, gia đình đã in dấu vào đời tư của từng cá thể con người như thế nào. Các hình tượng đó đều xuất phát từ những cái có thật mà người ta đã chứng kiến, trải nghiệm, sống với nó và suy nghĩ về nó - nay được hồi tưởng lại để giúp vào việc tri nhận lại về cái cá biệt đã xảy ra, không lặp lại của thực tại, chứ không nhằm đề xuất một khái quát chung nào cả. Hình tượng ghi chép sự thật có ý nghĩa bởi nó duy nhất chỉ truyền đạt những thông tin có thật về những sự kiện, con người đã xảy ra vào lúc nào đó, tại một địa điểm nhất định, xác thực. Nó là bằng chứng có một không hai về những việc thật, người thật, bảo đảm tính xác thực khi truyền đạt các chi tiết cá biệt thuộc về chúng, về đạo lý; người viết không được phép biến đổi, xuyên tạc hay bịa đặt chúng. Tất nhiên, người viết có thể biểu thị thái độ đối với các sự kiện, nhân vật được miêu tả bằng cách lựa chọn và nhấn mạnh những khía cạnh có ý nghĩa quan trọng đối với họ.

Như vậy, các hình tượng ghi chép sự thật của loại thể văn học ký chỉ tái hiện các hiện tượng đáng kể của đời sống trong chừng mực tính cá biệt đặc sắc của chúng là có ý nghĩa; trình bày chúng đúng như chúng vốn có trong hiện thực. Tuyệt nhiên, trong khi xây dựng loại hình tượng ghi chép sự thật này thì sự tưởng tượng, sáng tạo thêm của tác giả không được phép sử dụng, phát huy để có một vai trò đáng kể nào.

Khác với hình tượng ghi chép sự thật, hình tượng nghệ thuật là sản phẩm của tư duy sáng tạo và hư cấu nghệ thuật của người nghệ sỹ, chúng là những điển hình nghệ thuật được nhào nặn, trong đó kết hợp một cách nổi bật những cái riêng, cá biệt rải rác của đời sống với những cái mang thuộc tính chung, khái quát bản chất, bằng cách cường điệu, tô đậm, hư cấu thêm.

Hình tượng nghệ thuật, qua dụng công của nghệ sỹ, là sự điển hình hóa cuộc sống một cách có chủ đích, sáng tạo , giàu sức biểu hiện cảm xúc và tìm tòi để chứa đựng các khái quát hóa đời sống trong bản thân nó - chúng là phương tiện kiến tạo cơ bản, độc lập, duy nhất để biểu hiện các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Hình tượng nghệ thuật trong các thể loại văn học sáng tạo (như truyện ngắn, tiểu thuyết…) có nguồn gốc từ đời sống hiện thực, nhưng nó không đồng nhất với hiện thực, không phải là sự ghi chép sự thật y xì; nó là kết quả của một quá trình thai nghén, hư cấu và sáng tạo, thăng hoa của nghệ sĩ, giúp vào việc tri nhận từ gốc rễ hiện thực và con người một cách sâu sắc, khám phá những tầng vỉa còn tiềm ẩn không cùng của đời sống và tâm hồn con người.

Tóm lại, giữa tác phẩm của thể loại văn học ký (với hình tượng ghi chép sự thật) với tác phẩm của thể loại văn học sáng tạo (với hình tượng nghệ thuật) có khác biệt cơ bản về phương thức tư duy hình tượng và các biện pháp nghệ thuật được sử dụng, tuy nhiên, sự tồn tại song song của các thể loại văn học này góp phần làm phong phú đa dạng các phương cách nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt, muôn vẻ của con người trong nhận thức đời sống và cảm nhận thẩm mỹ.

Có thể nói, trong khi tôn trọng cái có thật, cái tôi riêng tư khác lạ, độc đáo, cá biệt chứa đựng nhiều ý nghĩa dồi dào thuộc về mỹ học của cái khác lạ, hình tượng ghi chép sự thật của thể loại ký rất cần cho sự nhận chân, đối sánh, đối thoại trong tự nhận thức (bao gồm cả sự phản tỉnh, sám hối) của con người, thì hình tượng nghệ thuật của các thể loại sáng tạo, tuy ít nhiều bắt nguồn từ đời sống, nhưng đã được làm mới, chưng cất, hư cấu, điển hình hóa, chúng là mỹ học sáng tạo, gắn kết làm một thể thống nhất cái chung, khái quát với cái riêng, cá biệt, nhằm phát hiện khám phá những gì thuộc về căn cốt của đời sống và con người.(1)

Ảnh minh họa

Hồi ký văn học là một thể tài ký văn học được các nhà văn sử dụng để ghi chép, tái hiện, trần thuật lại, kể lại từ ngôi thứ nhất - ngôi tác giả với cái tôi của anh ta - một cách trung thực và chọn lọc những việc đã xảy ra cùng những người có liên quan với tác giả, với nghề văn và đời sống văn chương trong quá khứ mà bản thân tác giả đã chứng kiến, cùng sống và tham dự. Việc kể lại như vậy bằng hồi ký là yêu cầu xuất phát tự thân của nhà văn, từ nội tâm của anh ta : nhà văn giờ đây với tư cách là người bạn tri âm, tri kỷ, muốn hé mở cho người đọc tường minh hơn về cái tôi trong con người nhà văn nơi gia đình và ngoài xã hội, từ lúc anh ta ra đời, qua các giai đoạn của đời sống riêng tư và của nghiệp văn, nhân cách và các thiên hướng đã được hình thành, nảy nở và phát triển như thế nào, cũng như bộc bạch về một số vấn đề văn học bức xúc, đeo đẳng anh ta suốt cuộc đời qua những thăng trầm với những điều ngẫu nhiên hoặc tất yếu như là định mệnh.

Trong đáy sâu của tâm thức mình, nhà văn đã bật mí, phơi trải lòng mình cùng những nghĩ suy, xúc cảm gan ruột về xã hội và thời cuộc, về nhân tình thế thái trong đó có những mối quan hệ va chạm không thể không nhắc lại với người đời, với bạn bè đồng nghiệp một thuở, qua đó nhà văn tự khắc họa những nét chính thuộc chân dung, tính nết, sở trường sở đoản của mình cũng như cho thấy cái nhìn của nhà văn về người khác.

Với một nhà văn trung thực, tự trọng và tôn trọng độc giả, khi viết về mình, về người, nhà văn bao giờ cũng cẩn trọng, khách quan, không lạm dụng hồi ký để tô vẽ, đánh bóng tên tuổi và hành trạng của mình, vô tình hoặc hữu ý hạ thấp người khác, suy diễn nói những điều không phải về họ. Những nhà văn có bản lĩnh khi viết hồi ký luôn biết làm chủ mình, tự kiềm chế và thực sự cầu thị, thậm chí dũng cảm sám hối trược những bất cập, những điều không phải, quá giới hạn và thiếu chừng mực mà mình đã gây ra, khiến người khác tổn thương hoặc ít nhất đã làm phiền lòng họ. Tâm huyết, chí tình, thẳng thắn, trọng nghĩa mà lịch lãm, có chừng mực... với một tâm thế bao dung, nhân ái đại lượng... chắc chắn hồi ký của nhà văn sẽ thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, được họ đồng tình, chia sẻ và cảm thông.

*

Tính từ đầu thế kỷ XX đến nay, hồi ký văn học của văn học Việt Nam hiện đại đã phát triển qua 3 chặng đường, theo các giai đoạn:

- Nửa đầu thế kỷ XX, hồi ký văn học bước đầu hình thành;

- 1945 - 1975: hồi ký văn học phát triển, nhưng còn lẻ tẻ;

- 1975 đến nay: hồi ký văn học nở rộ.

Trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, như trên đã nói, ngoài hồi ký Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng) và Cai (Vũ Bằng), cần phải kể đến hồi ký Cỏ dại của Tô Hoài. Đó là những tác phẩm của ba nhà văn trẻ, trong thời kỳ đầu mới cầm bút, đã thể nghiệm viết hồi ký ghi lại quãng đời thơ ấu, thanh thiếu niên đã qua của mình. Loại hồi ký văn học này có thể xếp vào thể tài hồi ký - tự truyện, vì trong đó nhân vật chính trong hồi ký xưng tôi chủ yếu kể lại những sự việc liên quan đến cuộc sống riêng tư của mình là chính. Đó là một tuổi thơ cực nhọc, đơn côi, phải bươn trải vất vả trong mưu sinh vì miếng cơm manh áo, lập nghiệp. Hoặc là người đã trưởng thành nhưng trót lầm lạc mà nghiện ngập, là đệ tử của "Nàng tiên nâu", nay phải gồng mình vật vã, chống chọi để vượt thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo mà mình đã dại dột, lỡ bước lâm vào.

Cái đáng quý trong các hồi ký nói trên là ý chí vượt khó, tự lập, kiên cường của cái tôi chống chọi với hoàn cảnh bi đát để thoát khỏi sự nghiệt ngã của số phận mà tồn tại, bảo trọng được nhân cách đã không tiếp tuc bị phôi pha bời hoàn cảnh cùng cực.

Trong giai đoạn đầu hình thành thể tài hồi ký văn học, đáng chú ý nữa là những bài hồi ký dựng chân dung văn học đăng trên tạp chí Tao Đàn (1939) - đó là những bài viết xúc động của các đồng nghiệp văn chương tưởng niệm hai bậc văn tài vừa qua đời trong năm: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Vũ Trọng Phụng.

Những chi tiết dựng lại sống động nhân thân, gia cảnh và tính khí của hai bậc văn tài cùng với những kỷ niệm sâu sắc đã có với họ đã khiến cho các bài hồi ký nói trên thu hút được sự chú ý của người đọc và tạo tiền đề để tiếp tục phát triển thành thể tài hồi ký - chân dung độc lập ở các giai đoạn sau.

Hồi ký văn học tiếp bước vào con đường phát triển, dù còn lẻ tẻ, trong giai đoạn 30 năm chiến tranh, từ 1945 đến 1975.

Lúc này, văn học hiện đại Việt Nam đã đi qua một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ, trong đội ngũ nhà văn đã có những người trải qua thời kỳ sung sức với nhiều sáng tạo ghi dấu ấn để đời. Họ có đủ điều kiện và tư cách để viết hồi ký về mình và về các đồng nghiệp đã chung vai sát cánh hoạt động bền bỉ, hăng hái một thời. Đáng kể ở miền Bắc là các hồi ký hồi ký văn học Đời viết văn của tôi (1974, Nguyễn Công Hoan), Bước đường viết văn (1970, Nguyên Hồng), Một tuổi thơ văn (1971, Nguyên Hồng). Ở miền Nam là các hồi ký của Vũ Bằng (Bốn mươi năm nói láo, 1969), Quách Tấn (Đời Bích Khê ), Nguyên Vỹ (Văn thi sĩ tiền chiến, 1970)...

Các hồi ký trên chủ yếu ghi lại quá trình đến với nghề văn của các cây bút làm báo, làm văn chuyên nghiệp. Thân phận biết bao khốn khó, tủi nhục, mất tự do, nhếch nhác và nghèo túng của những người cầm bút trong thời kỳ đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp hiện lên thật là sinh động. Có tài, ấp ủ nhiều hoài vọng về sự nghiệp văn chương, báo chí, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ phải nai lưng hành nghề, bán chữ kiếm sống mà tài năng nhiều khi bị thui chột và chiết tỏa đến tội nghiệp!

Hồi ký văn học phát triển đột khởi, mạnh mẽ từ sau 1975, khi đất nước thống nhất liền một giải.

Trong hoàn cảnh mới của lịch sử dân tộc, nhất là khi công cuộc Đổi mới được mở ra, các nhà văn đã có sự chuyển đổi về nhận thức trước thời cuộc trong và ngoài nước, tìm cách khắc phục những rào cản và tự giới hạn không đáng có, để mạnh dạn bắt tay vào viết hồi ký bộc bạch tâm sự đời mình trước đông đảo bạn bè, đồng nghiệp và công chúng mà không sợ bị dị nghị, điều ra tiếng vào xung quanh cái Tôi của nhà văn.

Hàng chục hồi ký văn học lần lượt ra đời. Đông đảo là của những cây bút lão thành đã có thâm niên hoạt động văn học dày dặn, từ các nhà thơ, nhà văn tiền chiến, các cây bút gắn bó bền bỉ với cách mạng đến các cây bút ở các thế hệ nối tiếp đương vào độ chín của bút lực, từ các nhà sáng tác thơ văn đến các nhà nghiên cứu phê bình.

Có thể kể đến các hồi ký văn học được dư luận chú ý trong số hơn 30 tác phẩm được xuất bản từ 1975 dến 2010:

- Của các nhà thơ: Nửa đêm sực tỉnh (Lưu Trọng Lư); Hồi ký song đôi (Huy Cận - Xuân Diệu), Hồi ký Anh Thơ (3 tập), Bóng ngày qua (Quách Tấn), Nhớ lại một thời (Tố Hữu)…

- Của các nhà văn: Chiều chiều, Cát bụi chân ai (Tô Hoài), Thời đã qua (Nguyễn Văn Bổng), Trong mưa núi (Phan Tứ), Nhớ lại (Đào Xuân Quý) Một thời để mất (Bùi Ngọc Tấn), Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (Ma Văn Kháng), Người đàn bà cầm bút (Lê Minh).

- Của các nhà nghiên cứu - phê bình: Hồi ký (Đặng Thai Mai), Những năm tháng ấy (Vũ Ngọc Phan), Hồi ký (Nguyễn Hiến Lê),Tầm xuân (Đặng Anh Đào), Cô bé nhìn mưa (Đặng Thị Hạnh).

*

Trong số gần 50 cuốn hồi ký văn học ra đời từ đầu thế kỷ XX đến nay, đã hình thành 3 tiểu loại hồi ký văn học với nững nét tương đồng và dị biệt ít nhiều, mà chúng tôi tạm định danh là: hồi ký - tự truyện; hồi ký - chân dung; hồi ký hỗn hợp.

Gọi như thế cũng để thấy được sự thâm nhập của các thể tài tự truyện, thể tài chân dung văn học độc lập vào thể tài hồi ký văn học.

Hồi ký- tự truyện như Nửa đêm sực tỉnh (Lưu Trọng Lư), Hồi ký (Đặng Thai Mai), Hồi ký (Anh Thơ) trong đó nhà văn chủ yếu ghi lại những việc liên quan đến đường đời và hành trình sáng tạo văn chương của mình cùng những suy nghĩ, kiến giải về các vấn đề của nghề văn, của lao động người cầm bút.

Bút pháp kể và tả cùng giọng điệu tâm tình là điều nổi bật của tiểu loại hồi ký này. Qua những câu chuyện từ nhỏ đến lớn trong cuộc đời của người viết được kể lại một cách chi tiết và sinh động, hồi ký cho thấy một cái nhìn về mình, sự tự đánh giá về mình, một cách vừa nghiêm túc vừa độ lượng trong đó từng bước có sự lớn lên, trưởng thành để có được một tâm thế an nhiên tự tại và lão thực như ngày nay.

Hồi ký - chân dung như Chiều chiều, Cát bụi chân ai (Tô Hoài), Những năm tháng ấy (Vũ Ngọc Phan) chú ý phác họa chân dung của người viết đồng thời với một tập hợp chân dung của bạn bè, đồng nghiệp, cho thấy những sự khác biệt và tương đồng trong tính cách, tài năng, cung cách ứng xử của từng người và sự không ai giống ai, mỗi người là một cá tính in dấu trên từng khuôn mặt văn nghệ sĩ.

Cái nhìn và giọng điệu khi khắc họa chân dung văn nghệ sĩ được đặc biệt chú ý. Như ở Tô Hoài, cái nhìn tọc mạch và tinh quái của ông khi kể về đồng nghiệp cùng với giọng điệu tưng tửng, làm ra vẻ bình thản nhưng pha chất u- mua của ông khiến người đọc thêm quý mến và cái tình, sự thể tất và liên tài của ông dành cho đồng nghiệp là trên hết.

Hồi ký hỗn hợp là sự kết hợp trong đó giữa hồi ký - tự truyện và hồi ký - chân dung. Như trong Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của Ma Văn Kháng, trong đó vừa có những mẩu chuyện thuộc về tự truyện của người viết, vừa có những chân dung của các văn nhân đồng nghiệp và bạn bè, ai cũng không bị khuất lấp bởi người khác, cũng có điều để nhớ - tất cả tập hợp thành một bức tranh toàn cảnh của lịch sử xã hội , đời sống văn chương- văn hóa của một thời trên đó in bóng hình dáng những văn tài và chân dung tinh thần độc đáo mỗi người một vẻ.

*

Đứng về mặt thể loại, hồi ký văn học là một thể tài văn xuôi lịch sử - nghệ thuật chứa đựng những hình tượng ghi chép sự thật trong đó có những yếu tố thuộc về lịch sử đã hiện diện và tồn tại được tái hiện một cách chọn lọc dưới cái nhìn của cái tôi tác giả, giúp cho người đọc tiếp cận được với cái thật của đời sống xã hội, hoạt động văn chương và đội ngũ nhà văn một thời đã qua, trong đó người viết như là một nhân chứng sống động, đáng tin cậy.

Từ sự trải nghiệm và những bài học rút ra qua những câu chuyện của quá khứ văn chương của một người, của một thời, người đọc hôm nay sẽ có thêm những căn cứ và cơ sở dữ liệu để có được một cái nhìn thỏa đáng, thể tất nhân tình, nhận diện về sự vận hành của một chỉnh thể văn học, bao gồm: Đời sống xã hội - Nhà văn - Tác phẩm - Người đọc.

Mặt khác, hồi ký văn học do các nhà văn viết ra, đòi hỏi tác phẩm phải có tính nghệ thuật cao không thua kém các thể loại văn học sáng tác.

Điều tiên quyết thuộc tính nghệ thuật của hồi ký văn học là nó không cho phép nhà văn tùy tiện hư cấu, tức là không được tự mình thêm bớt vào tác phẩm những điều không có trong thực tế của lịch sử, những suy nghĩ không tương thích với tâm trạng con người trong bối cảnh lịch sử đã mặc định.

Hồi ký văn học hay đòi hỏi sự lão thực trong cái tình, cái tâm và chân tài của nhà văn được thể hiện trọn vẹn trong một cái tôi đặc sắc, nhiều giá trị độc lập, khách quan, có ý nghĩa chung dài lâu. Đó là một cái tôi của bậc tài danh, chứa đựng ít nhiều cái đẹp, cái tinh túy của nguyên khí quốc gia, bởi nhân cách đáng trọng của họ, bởi những đóng góp để đời của họ với sự nghiệp văn chương và nền văn hóa dân tộc.

Ngày nay, bên cạnh việc khuyến khích thúc đẩy các loại hình sáng tác văn học nghệ thuật, chúng ta cần chú ý phát triển thể loại hồi ký nói chung, hồi ký văn học nói riêng. Bởi những hồi ký văn học hay, xuất sắc, sẽ thực sự là những tấm gương soi trong sáng, trong đó hiện lên những chân dung thật, tài và đẹp, khiến người đọc soi vào, thấy như được tiếp thêm sức mạnh, tự tin hướng về cái Thật, cái Tốt và cái Đẹp trong cuộc đời!

Đồng thời chúng ta cũng cần cảnh giác trước những tác phẩm nhân danh hồi ký, hồi ký văn học để bóp méo các sự kiện lịch sử, hạ thấp các nhân vật có thật đã hiện diện đích thực như vốn có, nhằm mục đích thấp kém, xấu độc là xói mòn lòng tin của con người, gây mất ổn định trật tự xã hội./.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ