(Cinet)- Chiều ngày 8/12, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Đại hội lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
NSND Lê Tiến Thọ phát biểu tại buổi họp báo. |
(Cinet)- Chiều ngày 8/12, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Đại hội lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Theo đó, Đại hội lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhiệm kì 2014-2019 sẽ diễn ra từ ngày 16 - 17/12 tại Hà Nội, với sự có mặt của 482 đại biểu. Ngoài các đại biểu chính thức, Đại hội còn đón tiếp 60 khách mời là các nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân và hơn 100 đại diện lãnh đạo các cấp.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ cho biết: Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã chỉ rõ: “Trong những năm tới văn học nghệ thuật Việt Nam đứng trước thời cơ lớn và những thách thức mới. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh gian khó và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn… Hiện thực đó là mảnh đất màu mỡ cho những tìm tòi, sáng tạo của văn nghệ sĩ để tiếp tục xây đắp một nền văn học nghệ thuật càng lớn mạnh với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc”. Đây là kim chỉ nam, là định hướng cốt lõi cho nhiệm vụ của Văn học nghệ thuật, trong đó có Sân khấu Việt Nam; cũng là để quán triệt sâu sắc Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, phát huy truyền thống của sân khấu cách mạng Việt Nam và những thành tựu của các nhiệm kỳ trước.
Để phát triển sự nghiệp sân khấu, trong nhiệm kỳ tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tập trung xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ sân khấu có năng lực, đầu tư sáng tạo các tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Bên cạnh đó, Hội cũng tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình nghệ thuật về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử, dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Hội tập trung xây dựng hệ thống lý luận nghệ thuật sân khấu Việt Nam, đồng thời đổi mới hoạt động nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động hiệu quả; quan tâm nhiều hơn đến các đơn vị, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực sân khấu không chuyên, đang gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống ở các vùng, miền có yếu tố đặc trưng.
Ngoài ra, Hội cũng sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá nghệ thuật sân khấu...
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hiện có gần 2.400 hội viên. Trong nhiệm kỳ VII, Hội đã tổ chức được 14 trại sáng tác cho 260 lượt tác giả, sáng tác được 225 kịch bản, trong số đó có 30% kịch bản được dàn dựng. Khâu sáng tác kịch bản qua việc tổ chức các trại viết ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam được thực hiện nghiêm túc, có tính tập thể, tính cộng đồng và tinh thần trách nhiệm cao…
Bên cạnh đó, Hội cũng có nhiều hoạt động hiệu quả trong công tác đối ngoại giao lưu quốc tế, xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển sân khấu, tổ chức các sự kiện sân khấu, hoạt động công tác xã hội…
T.H