(Tổ Quốc) - Ngày 20/2/2020 tại Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (HNBTNG) Hợp tác Mê Công – Lan Thương (MLC) lần thứ năm với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Đoàn Việt Nam do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn có đại diện các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã đánh giá tình hình hợp tác trong trong năm 2019 và trao đổi về phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Các Bộ trưởng ghi nhận những kết quả đạt được trong các lĩnh vực ưu tiên, nổi bật là: tổ chức thành công HNBT Tài nguyên nước MLC lần thứ nhất; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm hợp tác nguồn nước MLC với Ban Thư ký Uỷ hội sông Mê Công (MRC); Thành lập Trung tâm hợp tác nông nghiệp MLC; và Triển khai các hoạt động hợp tác chuyên ngành, giao lưu nhân dân như tuần lễ MLC lần thứ hai, các diễn đàn hợp tác về kết nối, năng lực sản xuất, nông nghiệp, môi trường.
Về hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng thống nhất đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 – 2022. Theo đó, các nước thành viên đẩy nhanh xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về kết nối khu vực, năng lực sản xuất, nguồn nước, thương mại, nông nghiệp; tăng cường hợp tác ứng phó thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên biên giới; Thúc đẩy giao lưu, đối thoại giữa các chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cửa khẩu biên giới; và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ đặc biệt MLC.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường sự gắn kết, bổ trợ của MLC với với các cơ chế hợp tác khu vực liên quan như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Uỷ hội sông Mê Công (MRC), và Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS).
Đối với hợp tác nguồn nước, các Bộ trưởng nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin số liệu thuỷ văn, đẩy mạnh hợp tác trong xử lý các tình huống khẩn cấp như lũ lụt, hạn hán và các thảm hoả khác, nâng cao năng lực quản lý nguồn nước nhằm bảo đảm việc sử dụng bền vững và hợp lý các nguồn nước.
Các Bộ trưởng bày tỏ quan tâm trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực do COVID-19 gây ra, đồng thời nhấn mạnh các nước cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, phòng chống và ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời duy trì giao lưu thương mại và phát triển kinh tế.
Các Bộ trưởng đã thông qua Thông cáo Báo chí chung của Hội nghị và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao MLC lần thứ ba tại Lào trong năm 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định sự đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong hợp tác MLC, đồng thời nhấn mạnh cơ chế này cần góp phần củng cố sự phối hợp giữa các quốc gia trong giải quyết các thách thức chung của khu vực và đem lại lợi ích dài lâu cho người dân.
Về định hướng hoạt động, Phó Thủ tướng cho rằng, hợp tác MLC cần hướng đến việc nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động và bất ổn khó lường, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế các nước thành viên. Cụ thể, hợp tác nông nghiệp tập trung nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp và cải thiện tính ổn định và độ tin cậy của thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng tại lưu vực sông Mekong đòi hỏi các nước ven sông phải có hành động quyết liệt để bảo đảm sự phát triển bền vững của dòng sông.
Trước mắt, cần tăng cường chia sẻ thông tin, số liệu thuỷ văn trong cả mùa mưa và mùa khô, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và cơ chế phối hợp trong quản lý khẩn cấp lũ lụt, hạn hán và các thảm hoạ khác, thực hiện các dự án chung để hỗ trợ người dân bảo đảm sinh kế trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các hoạt động kinh tế trên sông; và tăng cường hợp tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời phối hợp giảm thiểu gián đoạn các chuỗi cung ứng khu vực.