(Tổ Quốc) - Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày mai (21/12), thông qua sự kiện, ngành TDTT sẽ tìm ra những hướng đi, sự điều chỉnh kịp thời góp phần thúc đẩy thể thao thành tích cao ngày càng tiến xa hơn.
Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày mai (21/12). Sự kiện có vai trò quan trọng, được ví như "Hội nghị Diên Hồng" của ngành thể thao với sự tham dự của trên 200 đại biểu khách mời là lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các chuyên gia, cán bộ quản lý về TDTT...
Trong những năm qua, thể thao Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu và đạt được những thành tựu tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á, bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển thể thao thành tích cao của Việt Nam so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao.
Thực tiễn cho thấy, dù thể thao Việt Nam đã đạt được thành tích rất tốt ở các kỳ SEA Games 31, 32 nhưng qua kỳ ASIAD 2018, Olympic 2020 và ASIAD 2023, thể thao Việt Nam chưa tạo được dấu ấn, thành công về thành tích, thậm chí bị đánh giá thấp hơn một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore....Điều này chỉ ra rằng, thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao và nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó hướng tới ASIAD và Olympic trong giai đoạn tới.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng, ở thời điểm hiện tại, ngành TDTT đang có rất nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết như công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao; Hiện đại hóa công tác tập luyện, chăm sóc VĐV; Y học thể thao; Chống sử dụng chất kích thích trong thể thao....
"Đây đều là những vấn đề cấp thiết, quan trọng mà ngành TDTT đã và đang từng bước tháo gỡ. Trong những năm qua, ngành đã tích cực tìm phương án phù hợp để điều chỉnh, thích ứng theo từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các vấn đề nêu trên vẫn còn chưa bài bản, nguồn kinh phí còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới kết quả đạt được chưa được như mong muốn" - Cục trưởng Đặng Hà Việt nói.
Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 sẽ tập trung vào 2 nội dung chính gồm: định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, đặc biệt là các kỳ Olympic, ASIAD và SEA Games từ nay cho đến 2030. Thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm giành huy chương Olympic (các kỳ năm 2024 và 2028); HCV ASIAD năm 2026 và 2030, HCV SEA Games các năm 2025, 2027, 2029.
Thông qua 4 phần gồm: Báo cáo thực trạng thể thao thành tích cao, nguồn nhân lực VĐV, định hướng phát triển TTTTC đến năm 2024 và lựa chọn các môn thể thao trọng điểm; Tham luận của các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia TDTT; Trao đổi, tham gia ý kiến dưới góc nhìn của các Liên đoàn thể thao quốc gia, HLV, nhà quản lý, chuyên gia và các đại biểu dự Hội nghị; Chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL...các nhà quản lý ngành sẽ có cơ hội lắng nghe ý kiến chia sẻ cũng như những kinh nghiệm, sáng kiến quý báu từ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực TDTT cũng như tiếng nói từ những người trực tiếp làm công tác huấn luyện, các cán bộ quản lý, truyền thông về thể thao. Qua đó tìm ra những giải pháp góp phần thúc đẩy thể thao thành tích cao ngày càng tiến xa hơn.
"Đây sẽ là cơ hội quý để những nhà quản lý, làm chuyên môn trong lĩnh vực TDTT tham khảo, lắng nghe, hiến kế, ý tưởng, phương pháp phát triển mới từ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực TDTT. Ngoài ra, từ những nhìn nhận thực tiễn trong công tác huấn luyện, quản lý, truyền thông về thể thao sẽ giúp ngành có được cái nhìn rõ hơn về bức tranh toàn cảnh của Thể thao nước nhà. Qua đó, giúp ngành TDTT tìm ra những hướng đi, sự điều chỉnh kịp thời góp phần thúc đẩy thể thao thành tích cao ngày càng tiến xa hơn" - Cục trưởng Đặng Hà Việt nói./.