• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội nghị nên tập trung, thảo luận 3 giá trị cốt lõi nhất về văn hoá

Văn hoá 23/11/2021 20:20

(Tổ Quốc) - Nhân dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp được khai mạc, phóng viên báo Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với TS Lê Doãn Hợp người đã từng đảm nhận Bộ trưởng của hai Bộ: Văn hóa-Thông tin; Thông tin và Truyền thông.

PV: Là người từng giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, ông có thể đánh giá một cách cô đọng nhất thành tựu văn hóa đạt được trong thời kỳ đổi mới?

TS. Lê Doãn Hợp: Nhìn lại 35 năm qua, tôi cho rằng, lĩnh vực văn hóa có rất nhiều điểm sáng:

Thứ nhất, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, duy trì, phát triển, nâng cao. Đất nước đổi mới, kinh tế hội nhập sâu rộng, nhưng văn hóa không bị hòa tan, mai một. Điều này được thể hiện rất rõ là văn hóa của 54 dân tộc anh em không những không bị nhạt phai mà được gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, không chỉ để bảo tồn mà còn là thế mạnh của các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Hội nghị nên tập trung, thảo luận 3 giá trị cốt lõi nhất về văn hoá - Ảnh 1.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa –Thông tin Lê Doãn Hợp

Thứ hai, lễ hội văn hóa địa phương, vùng miền và quốc gia được bảo tồn, phục dựng sâu sắc hơn, bản sắc hơn, phong phú hơn.

Thứ ba, văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, trong đó có nhiều giá trị đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử Nam bộ…

Thứ tư là văn hóa ẩm thực được đưa lên một tầm cao mới, với nhiều kỷ lục quốc gia và quốc tế.

PV: Thưa ông, bên cạnh những thành tựu trong những năm đổi mới mà ông đã nhắc đến, tuy nhiên mặt trái của cơ chế thị trường cũng đem lại những tác động tiêu cực, TS đánh giá thế nào về vấn đề này?

TS Lê Doãn Hợp: Trong cơ chế thị trường bên cạnh tính tích cực đưa lại hiệu quả về kinh tế, về mặt văn hóa cũng bị tác động bởi những tiêu cực. Điểm rõ nét nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy đó là đạo đức, văn hóa của một bộ phận trong xã hội đang xuống cấp, thậm chí xuống cấp chưa rõ điểm dừng. Tôi rất đau đáu trước hiện tượng này, nên trong bài thơ "Quê tôi từ xã lên phường", tôi đã phải thốt lên rằng: " Giá kinh tế bây giờ có đạo đức ngày xưa". Nếu hiện tượng cá biệt này trở nên phổ biến thì thực sự nguy hiểm, bởi văn hoá, đạo đức xuống cấp thì mọi thành tựu về kinh tế, vật chất đạt được sau 35 năm đổi mới không còn nhiều ý nghĩa. Còn xa hơn, là xương máu của ông cha đã đổ xuống để giải phóng dân tộc sẽ nhạt nhòa khi một bộ phận thanh niên không biết trân quý.

Đã từng là người lính cụ Hồ, tôi đã trải qua 9 năm tham gia giải phóng miền Nam nên tôi rất thấu hiểu cội rễ của văn hóa nhiều vùng miền. Nói một cách dễ hiểu, văn hóa chính là đạo đức, là tình người, tình đồng bào, đồng chí, tình cảm gia đình, anh em, bè bạn, quê hương, là những thứ không thể cân đong, đo đếm được. Có thể nói một người có đạo đức sẽ tỏa ra bên ngoài bằng văn hóa. Một người có văn hóa vì bên trong họ có đạo đức. Vì vậy, văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Mà một khi đạo đức bị xuống cấp thì văn hóa bên bờ của sự thay đổi theo chiều hướng không tốt.

PV: Nếu được tham gia đóng góp ý kiến với Hội nghị TS sẽ đề nghị nên tập trung thảo luận vấn đề gì?

TS Lê Doãn Hợp: Đất nước bây giờ đã khác rất xa so với thời cha anh. Nhưng giá trị văn hóa vẫn không bao giờ thay đổi. Nếu được đóng góp ý kiến tôi sẽ đề cập đến 3 giá trị cốt lõi nhất là văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công sở.

Chúng ta biết:"Gia đình là tế bào của xã hội", là đơn vị kinh tế cơ sở, là đơn vị an ninh cơ sở, là đơn vị văn hóa cơ sở. Mọi sự tốt đẹp của quê hương, đất nước đều khởi nguồn từ gia đình và ngược lại, mọi điều không yên, không vui của quốc gia, dân tộc cũng bắt đầu từ gia đình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: "Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt". Bác Hồ hết sức coi trọng vấn đề giáo dục con người, mà trước hết phải là giáo dục từ trong gia đình. Vì vậy, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này cần bàn sâu về văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở và đạo đức công vụ. Phải hiểu, văn hóa gia đình là nền tảng xã hội. Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng kinh tế. Văn hóa công sở và đạo đức công vụ là nền tảng chính trị. Khi cả 3 trụ cột văn hóa này được quan tâm thì văn hóa của dân tộc mình sẽ thăng hoa.

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…". Như tôi đã nói, đạo đức phản ánh văn hóa của đảng cầm quyền, cụ thể là văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với nhân dân.

Hội nghị nên tập trung, thảo luận 3 giá trị cốt lõi nhất về văn hoá - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

PV: TS có thể nói rõ hơn về Văn hóa ứng xử mà cụ thể là Văn hóa công sở?

TS Lê Doãn Hợp: Văn hóa ứng xử của công chức, viên chức ngày nay cũng như quan chức ngày xưa, chức thấp nhất ngày xưa là lý Trưởng. Trong xã hội phong kiến, ở bất cứ triều đại nào, ông cha ta đều rất quan tâm đến đội ngũ quan chức gần dân nhất, đó là "lý Trưởng". Ở đâu lý Trưởng được lòng dân thì ở đó người dân yêu mến, kính trọng triều đình và ngược lại. Tôi muốn lấy ví dụ về vua Lê Thánh Tông (trị vì đất nước từ năm 1460 đến năm 1497) là một trong số những hoàng đế anh minh, được người dân quý trọng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Vì sao Lê Thánh Tông là vị hoàng đế anh minh nhất, vì ông lựa chọn đội ngũ quan chức cơ sở rất cẩn trọng, ngay từ cấp lý Trưởng, để làm lý Trưởng phải đủ 4 tiêu chuẩn là "Học lực sinh đồ" tức là phải là có kiến thức. "Gia tư hảo túc" tức là biết làm giàu, vì chỉ những người biết làm giàu cho gia đình thì mới biết làm giàu cho bà con, làng xóm và rộng hơn là xã hội. "Đức hạnh ôn hoà", tiếp xúc với dân hàng ngày ở mọi lúc, mọi nơi phải ôn hoà, nhã nhặn. "Ngôn ngữ khả tín", làm người đứng đầu làng xã làm sao nói cái gì dân cũng tin.

Năm 1947, ngay trong thời điểm phải tập trung chuẩn bị Chiến dịch Thu Đông, tại căn cứ Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một cuốn sách nổi tiếng nhan đề: "Sửa đổi lối làm việc" gồm 6 phần: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Đây là cuốn cẩm nang răn dạy đạo đức, văn hóa của công bộc nhân dân, động viên sức mạnh của Đảng, của dân tộc, của quân, dân ta góp phần đưa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện giành thắng lợi vẻ vang. Những điều trong cuốn "Sửa đổi lối làm việc" vẫn còn nguyên giá trị, và ngày nay chúng ta đang cố gắng học tập những điều dạy bảo của Bác thông qua thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Từ cách quản trị quốc gia của ông cha, từ những lời Bác dạy, Đảng đã nhận thấy và đang quyết tâm chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, công chức bằng Quy định 47-QĐ/TW (ngày 1/11/2011) và mới đây là Quy định 37-QĐ/TW (ngày 25/10/2021) về những điều đảng viên không được làm.

PV: TS có kỳ vọng gì ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này?

TS Lê Doãn Hợp: Từ năm 1986 đến nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã có sự đổi mới toàn diện. Trong đó, lĩnh vực kinh tế đã có nhiều tổng kết, đánh giá, riêng về văn hoá, mỗi khi Đảng có chỉ thị, nghị quyết, kết luận đều có đánh giá, nhận định, nhưng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này tập trung đánh giá toàn diện và đưa ra định hướng, chiến lược phát triển Văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị sẽ đưa ra những thành tựu trong văn hóa những gì đã làm được cũng như những việc gì còn hạn chế khuyết điểm để khắc phục. Đây là sự kiện văn hóa lớn (được coi như Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3) để triển khai thực hiện tư tưởng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tôi rất kỳ vọng vào kết quả của Hội nghị này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tuấn Trần (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ