(Tổ Quốc) - Chiều ngày 10/1, tại TP. Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Nhóm làm việc Quan chức Quốc phòng Cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+ WG).
Hội nghị với sự tham dự của hơn 120 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại (Ô-xtrây-lia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Mỹ và Nga), là các quan chức quốc phòng của các cơ quan hoạch định chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng các nước ASEAN cùng 8 nước đối tác, đối thoại và Ban Thư ký ASEAN.
ADSOM+ WG có nhiệm vụ chuẩn bị và hoàn tất các văn kiện và nội dung của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 7 để báo cáo lên Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8/2020.
Chương trình nghị sự hội nghị gồm một số nội dung chính: Đánh giá tiến trình của các nhóm chuyên gia ADMM+ trong chu kỳ 2017 - 2019 và Kế hoạch hoạt động trong chu kỳ 2020 - 2022; đóng góp ý kiến cho cho văn kiện của Hội nghị ADMM+ lần thứ 7; công tác chuẩn bị cho ADSOM+ và thảo luận các vấn đề quan tâm…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết: Hội nghị ADSOM WG và ADSOM+ WG là hoạt động đầu tiên mở đầu cho chuỗi các hội nghị thuộc kênh quốc phòng – quân sự của ASEAN trong năm 2020.
Những nội dung đưa ra thảo luận tại đây sẽ đóng vai trò là cơ sở ban đầu vững chắc để Hội nghị ADSOM/ADSOM+, cũng như ADMM, ADMM+ thông qua và qua đó, thúc đẩy hợp đà hợp tác quốc phòng ASEAN vì mục tiêu hoà bình, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Năm 2020 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của ASEAN và Việt Nam, đó là 05 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN; 10 năm thành lập Cơ chế ADMM+; 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn cùng với các nước thành viên ASEAN, các đối tác của ASEAN tổ chức thành công các hội nghị trong kênh quốc phòng- quân sự ASEAN trong năm 2020, trong đó có một số hoạt động nổi bật như: Hội nghị ADMM, ADMM+ và các hội nghị trực thuộc; Hội nghị Tư lệnh Lực lượng quốc phòng các nước ASEAN và các hội nghị trực thuộc về tác chiến và tình báo; hội nghị Tư lệnh Hải Quân ASEAN, hội nghị Tư lệnh Không quân ASEAN; Diễn tập Hàng hải ASEAN lần 2; Lễ duyệt binh tàu quốc tế; Lễ kỷ niệm 10 năm ADMM+…
Kể từ khi thành lập ADMM, ADMM+ đã có những đóng góp đối với an ninh, hoà bình tại khu vực thông qua đối thoại chiến lược và tăng cường hợp tác thực chất giữa lực lượng quân sự, quốc phòng của ADMM+.
Trong 10 năm tới hoặc xa hơn, vấn đề đặt ra là làm sao phát huy được hiệu quả các cơ chế hợp tác trong ASEAN và qua đó giữ được vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Muốn vậy chúng ta cần phải đảm bảo giữ được vai trò trung tâm của ASEAN, trong đó ADMM và ADMM+ giữ vai trò hết sức quan trọng, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các nước đối tác; sự đóng góp tích cực và trách nhiệm của các nước thành viên trong đó các đối tác đối thoại của ASEAN là những nhân tố cực kì quan trọng.
ASEAN tổ chức tại Việt Nam nhưng ASEAN không phải là của Việt Nam là của tất cả các nước ASEAN, các nước đối tác. Thành công cũng là thành công của tất cả chúng ta, khó khăn là khó khăn của tất cả chúng ta. Việt Nam đóng vai trò chủ nhà cố gắng làm tốt phận sự của mình để tất cả các quốc gia đến đây kết thúc sự kiện đều cảm thấy hài lòng, đem lại lợi ích cho quốc gia của mình đồng thời đem lại hòa bình an ninh hợp tác giữa khu vực.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến của các nước Chủ tịch ASEAN trước đây, lắng nghe và trân trọng tất cả các sáng kiến của các nước ASEAN và các nước đối tác trong năm 2020. Chúng tôi sẽ đưa tất cả các vấn đề bàn bạc để các Bộ trưởng Quốc phòng quyết định cuối cùng mà hôm nay các vị là những người đầu tiên trao đổi về khả năng để chúng ta đi đến nội dung để ủng hộ cho nội dung ADMM và ADMM+ tới đây.
Dịp này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị các đại biểu tham gia tích cực, chủ động tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, đưa ra các sáng kiến mới hướng tới hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết chủ động thích ứng đúng chủ đề của năm ASEAN 2020 của Việt Nam.