(Tổ Quốc) - Ngày 11-12/01/2022 đã diễn ra Hội nghị Tham vấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương về văn hóa do Bộ Giáo dục, Văn hoá, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia chủ trì phối hợp với UNESCO tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp thông tin phục vụ Hội nghị Thế giới về Chính sách Văn hóa của UNESCO (Mondiacult 2022) sẽ diễn ra tại Mexico vào ngày 30 tháng 9 năm 2022.
- 16.12.2021 UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại
- 15.12.2021 Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- 13.12.2021 Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dự khai mạc Kỳ họp thứ 16 Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quốc gia về văn hóa khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ trong khu vực, đại diện các học viện và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp tiểu vùng và khu vực. Hội nghị được tổ chức nhằm nắm bắt các xu hướng quốc gia và khu vực, khoảng cách và thách thức trong các chính sách văn hóa, đồng thời xác định các ưu tiên quan trọng liên quan đến chính sách văn hóa trong những năm tới.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế đã tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO Ernesto Ottone nhấn mạnh, trong chiến lược phục hồi hậu đại dịch Covid-19, để thực hiện lộ trình hành động trong thập kỷ cuối cùng nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, UNESCO đang nỗ lực vận động sự tham gia của các quốc gia thành viên, cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng và phát triển các chính sách giải quyết các thách thức toàn cầu. Đồng thời xác định các ưu tiên trước mắt và trong tương lai để định hình ngành văn hóa mạnh mẽ hơn, có khả năng phục hồi cao hơn, tương thích với các chính sách công và triển vọng phát triển bền vững.
Với tư cách là quốc gia chủ trì tham vấn khu vực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hoá, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Nadiem Makarim phát biểu cho biết trước thách thức và ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ Indonesia đã kịp thời có gói hỗ trợ các chương trình thích ứng dành cho các nghệ sỹ và những người hoạt động nghệ thuật, đánh giá cao nỗ lực của họ trong việc không ngừng sáng tạo trong biểu đạt nghệ thuật, đối phó với những thách thức do đại dịch gây ra. Bộ trưởng khẳng định để tiếp tục phát triển, các quốc gia cần phải có những chính sách văn hóa ưu đãi quyết liệt nhằm bảo vệ các nghệ sỹ và những người hoạt động nghệ thuật, đảm bảo sự bền vững của di sản, bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá. Theo đó, ông đánh giá cao tầm quan trọng của những đóng góp của các quốc gia và các tổ chức liên quan tại diễn đàn này nhằm đề xuất những chính sách, biện pháp kịp thời và hiệu quả đóng góp cho thành công của Hội nghị Văn hóa thế giới - Mondiacult 2022 tới đây.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chia sẻ, năm 2021, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc do các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam chủ trì, đưa ra những định hướng mang tầm chiến lược để "chấn hưng, phát triển văn hóa của đất nước", khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển.
Thứ trưởng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam, phát huy tính đa dạng, sáng tạo trong văn hóa là chìa khóa, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững không chỉ trong tăng trưởng kinh tế, mà còn nhằm hướng đến cuộc sống hoàn thiện hơn về trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần đoàn kết.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề xuất các nước cùng nỗ lực, hợp tác triển khai một số nhiệm vụ, bao gồm: xác lập và định hướng phát triển văn hóa số nhằm tạo cơ hội và đòn bẩy để khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng bứt phá; hợp tác hình thành và kết nối mạng lưới các không gian sáng tạo tại các đô thị đáng sống, trong đó văn hoá, nghệ thuật, sáng tạo là trung tâm của sự phát triển; và tăng cường giao lưu, hợp tác văn hóa sau đại dịch COVID-19, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - nguồn lực phát triển cho thế hệ tương lai, đảm bảo sự đa dạng văn hóa trong khu vực và thế giới.
Tại diễn đàn, các quốc gia trong khu vực đã chia sẻ những xu hướng và ưu tiên trong chính sách văn hóa của quốc gia mình, cùng thảo luận, đề xuất với UNESCO về những chính sách, biện pháp nhằm giải quyết những thách thức cũng như tận dụng những cơ hội mới về văn hóa trong tương lai, cùng hướng tới mục tiêu của Hội nghị Thế giới về Chính sách Văn hóa của UNESCO - Mondiacult 2022.
Hội nghị Mondiacult 2022 sẽ do Tổng Giám đốc UNESCO điều hành và được Chính phủ Mexico tổ chức từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 9 năm 2022. 40 năm sau Hội nghị Thế giới Mondiacult đầu tiên về Chính sách Văn hóa được tổ chức tại Mexico Thành phố (Mexico) vào năm 1982, và 24 năm sau Hội nghị Thế giới về Chính sách Văn hóa của UNESCO vì sự Phát triển được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) vào năm 1998, Mondiacult 2022 được tổ chức với mục đích tạo động lực cho đối thoại chính sách toàn cầu về văn hóa vì sự phát triển bền vững, được UNESCO đặc biệt chú trọng nhằm thúc đẩy trao đổi ý tưởng và kiến thức, khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất được xác định tại Hiến chương của tổ chức./.