• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi: Mỹ đưa ra nhiều cam kết nhưng khó cạnh tranh với Trung Quốc và Nga?

Thế giới 21/12/2022 20:08

(Tổ Quốc) - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng thống Joe Biden tại Washington từ ngày 13 - 15/12/2022.

Đây là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi lần thứ hai sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tháng 8/2014. Đây cũng là cuộc tập hợp quốc tế lớn nhất tại Washington kể từ khi bùng nổ đại dịch Covid-19. Tham gia Hội nghị có nguyên thủ và các nhà lãnh đạo cấp cao của 49 quốc gia châu Phi, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Macky Sall.

Đây là cơ hội đầu tiên để chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện cách họ nhìn nhận tương lai của mối quan hệ Mỹ-Phi trên lãnh thổ của mình, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng với Nga và Trung Quốc và những nỗ lực khôi phục quan hệ Mỹ-Phi, sau những căng thẳng mà họ đã chứng kiến trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đúng hơn, đây là phép thử thực sự đối với chiến lược mới của Mỹ ở châu Phi sau tuyên bố được đưa tin hồi tháng 8 vừa qua.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi: Mỹ đưa ra nhiều cam kết nhưng khó cạnh tranh với Trung Quốc và Nga? - Ảnh 1.

Bối cảnh chuyến thăm

Châu Phi gồm 55 quốc gia, diện tích khoảng 30,2 triệu km2, chiếm 20,4% tổng diện tích trái đất, đứng thứ ba thế giới sau châu Á và châu Mỹ, dân số 1,5 tỷ người chiếm 18% dân số thế giới, đứng thứ hai sau châu Á.

Châu Phi có vị trí địa chiến lược quan trọng và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong lịch sử, lục địa này luôn luôn là địa bàn cạnh tranh, xung đột gay gắt giữa các cường quốc. Trong con mắt của các nước lớn, châu Phi là một kho dự trữ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Người ta cho rằng, châu Phi là lục địa của thiên niên kỷ thứ ba, là một trong những nơi giàu nhất thế giới về tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, là nguồn cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho các ngành công nghiệp chiến lược của các nước.

Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Ukraine đã làm thay đổi cục diện quan hệ quốc tế. Châu Phi là một trong những nơi chịu hậu quả lớn nhất đang tìm cách đa dạng hoá các quan hệ đối tác chiến lược. Trên bản đồ địa - chính trị thế giới, châu Phi ngày càng được các cường quốc quan tâm, chú ý.

Trung Quốc và Nga là hai nước bạn bè truyền thống từng ủng hộ và giúp đỡ các nước Châu Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đang tích cực hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Châu Phi. Về phần mình, các nước Châu Phi vẫn coi Trung Quốc và Nga là đối tác chiến lược quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Thời gian gần đây, Trung Quốc và Nga trở thành những cường quốc đóng vai trò nổi bật ở châu Phi.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi: Mỹ đưa ra nhiều cam kết nhưng khó cạnh tranh với Trung Quốc và Nga? - Ảnh 2.

Ngay sau khi tái cử, tháng 7/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thăm 3 nước châu Phi gồm Cameroon, Bénin và Guinée-Bissau nhằm khôi phục lại ảnh hưởng của Paris tại lục địa đen, tái khẳng định châu Phi giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp.

Các nước khác cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ với châu Phi, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iran....

Trong khi đó, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi năm 2014 do cựu Tổng thống Barack Obama tổ chức, Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Trump, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" hầu như không quan tâm đến châu Phi. Quan hệ giữa Mỹ và Châu Phi suy giảm trong nhiều lĩnh vực.

Mục đích và kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi

Trong bối cảnh như vậy, Chính quyền Mỹ của ông Biden đang tìm cách điều chỉnh chính sách châu Phi so với nhiệm kỳ trước. Các quan chức Mỹ không giấu một trong những mục đích chính của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi lần này là lấy lại tinh thần cho quan hệ Mỹ-Châu Phi, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga. Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin kêu gọi theo dõi sự lan rộng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở Châu Phi.

Tháng 8/2022, trong chuyến thăm Châu Phi của Ngoại trưởng A. Blinken, Nhà Trắng đã công bố "Chiến lược của Mỹ đối với châu Phi cận Sahara" (U.S. Strategy toward Sub-Saharan Africa). Các nhà phân tích chính trị cho rằng, Washington chuyển hướng sang châu Phi là do Mỹ cảm nhận được ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga ở lục địa này.

Kết quả lớn nhất là Hội nghị đã ra tuyên bố chung, theo đó Mỹ cam kết dành 55 tỷ USD cho châu Phi trong ba năm tới để giải quyết các vấn đề phát triển, tăng trưởng kinh tế, y tế, an ninh và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu của châu lục. Ngoài ra, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp một khoản viện trợ mới trị giá 2,5 tỷ USD nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho các nước Châu Phi.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi: Mỹ đưa ra nhiều cam kết nhưng khó cạnh tranh với Trung Quốc và Nga? - Ảnh 3.

Tổng thống J. Biden tuyên bố sẽ đầu tư 500 triệu USD để giảm chi phí vận chuyển tại một cảng lớn của Benin ở Tây Phi. Ông cũng cho biết sẽ chi 350 triệu USD để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và nói rằng các thoả thuận thương mại, đầu tư trị giá 15 tỷ USD đã được ký kết nhằm thúc đẩy các ưu tiên chính gồm năng lượng bền vững, hệ thống y tế, kinh doanh nông nghiệp, kết nối số, cơ sở hạ tầng và tài chính.

Một trong những kết quả nổi bật nhất là việc ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thành lập một khu vực thương mại tự do liên lục địa giữa Mỹ và châu Phi (AfCFTA). Đây sẽ là một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, mở ra nhiều cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Châu Phi, tạo điều kiện cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường châu Phi 1,5 tỷ người với tổng thu nhập GDP hơn 3,4 nghìn tỷ USD, mở ra nhiều cơ hội mới trong thương mại và đầu tư, đưa Mỹ và châu Phi xích lại gần nhau hơn.

Ông J. Biden cũng cam kết làm việc với Quốc hội để chấp thuận 165 triệu USD vào năm tới để hỗ trợ các cuộc bầu cử ở CHDC Congo, Gabon, Liberia, Madagascar, Nigeria và Sierra Leone.

Về chính trị, Tổng thống J. Biden ủng hộ Châu Phi có đại diện thường trực trong tất cả các tổ chức quốc tế bao gồm G-20 và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Các quan chức Mỹ cho biết họ đang liên lạc với Ấn Độ, nước đăng cai hội nghị thượng đỉnh G-20 năm 2023, về việc kết nạp AU vào nhóm này. Ông cho biết sắp tới sẽ đi thăm các quốc gia châu Phi cận Sahara. Đây sẽ là chuyến thăm Châu Phi đầu tiên của một Tổng thống Mỹ kể từ năm 2015.

Để theo dõi việc thực hiện các cam kết này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử Đại sứ Johnny Carson, một nhà ngoại giao có 37 năm kinh nghiệm trong quan hệ với Châu Phi làm đặc phái viên về hợp tác giữa Mỹ và Châu Phi.

Vai trò của Nga và Trung Quốc tại Châu Phi

Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Châu Phi: các nước Châu Phi có mối quan hệ lâu đời khăng khít với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Hai bên đã thoả thuận tổ chức  hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Phi thường xuyên ba năm một lần. Thương mại Trung Quốc-Châu Phi chiếm khoảng 15% tổng khối lượng thương mại của các quốc gia thuộc lục địa này và 5% thương mại của Trung Quốc.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng tài chính lớn có thể mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi thông qua việc cho vay, viện trợ không hoàn lại và đầu tư vào các dự án phát triển lớn thuộc cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, Con đường".

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi: Mỹ đưa ra nhiều cam kết nhưng khó cạnh tranh với Trung Quốc và Nga? - Ảnh 4.

Bất chấp dịch bệnh Covid-19 lây lan, Trung Quốc vẫn duy trì hợp tác kinh tế và thương mại với châu Phi ở mức cao. Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Qian Keming cho biết, từ tháng 1 đến tháng 9/2021, kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đạt mức kỷ lục, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 185,2 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi lên tới 2,55 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 9,9%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận trị giá hơn 53 tỷ USD với các nước châu Phi.

Theo dữ liệu thống kê của Trung Quốc, chỉ riêng trong năm 2020, Bắc Kinh đã ký kết các thỏa thuận trị giá 735 tỷ USD với 623 công ty, trong khi giá trị của 800 thỏa thuận thương mại và đầu tư với 45 quốc gia châu Phi lên tới hơn 50 tỷ USD. Trung Quốc trở thành đối tác lớn nhất của châu Phi trong 12 năm liên tiếp.

Nga cũng đang khôi phục vai trò và vị trí của mình tại Châu Phi: dựa trên các mối quan hệ lịch sử tuyền thống, đặc biệt là sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô trước đây dành cho các nước châu Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, Liên bang Nga đang tìm cách khôi phục và tăng cường ảnh hưởng của mình với các nước bạn bè truyền thống của mình ở châu Phi để đối phó với các biện pháp bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây áp đặt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Chính sách của Nga đối với châu Phi được thúc đẩy bởi các yếu tố quyết định kinh tế và quân sự, thể hiện rõ qua việc tăng cường trao đổi thương mại và gia tăng các thỏa thuận vũ khí và hợp tác an ninh trong cuộc chiến chống khủng bố. Nga hiện diện mạnh mẽ ở châu Phi, thông qua các công ty lớn của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác và khai thác khoáng sản.

Về quân sự, Nga bắt đầu khôi phục lại vai trò của Liên Xô trước đây trong việc cung cấp vũ khí cho châu Phi. Tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport hiện đang hợp tác với 15 quốc gia châu Phi. Theo dữ liệu của Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong thập kỷ qua, Nga là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi.

Tháng 10/2019, hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi  đầu tiên dưới khẩu hiệu "Vì Hòa bình, An ninh và Phát triển" đã được tổ chức tại Sochi, với sự tham gia của đại diện của tất cả 54 nước Châu Phi, trong đó có 43 nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo cao cấp khác là một bước ngoặt trong chính sách châu Phi của Nga. Tại hội nghị này, các thỏa thuận trị giá 12,5 tỷ USD đã được ký kết.

Tháng 7/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thăm Ai Cập, Uganda, Ethiopia và Congo nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Phi. Cũng vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh số 485 về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai tại Liên bang Nga vào giữa năm 2023.


Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi: Mỹ đưa ra nhiều cam kết nhưng khó cạnh tranh với Trung Quốc và Nga? - Ảnh 5.

Hội nghị thượng đỉnh Washington giữa Mỹ và Châu Phi cho thấy sự thay đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ trước đây. Tuy nhiên, châu lục này không phải là lĩnh vực quan tâm ưu tiên của Washington. Châu Phi chỉ chiếm hơn 1% ngoại thương của Mỹ, chủ yếu là dầu nhập khẩu từ Nigeria và Angola.

Phóng viên Felim Kain của báo Politico nói, Mỹ khó có thể cạnh tranh được với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các quốc gia châu Phi cận Sahara, cung cấp cho các quốc gia này hầu hết mọi thứ, từ hàng dệt may đến điện thoại thông minh. Bắc Kinh nhập khẩu một lượng lớn nông sản từ các nước châu Phi, cũng như đồng và dầu mỏ.

Bản thân các nhà lãnh đạo châu Phi cũng cho rằng không thể rời bỏ mối quan hệ lâu đời gắn bó với Trung Quốc và Nga. Số tiền đầu tư 55 tỷ USD không phải là lớn cho toàn châu lục 55 quốc gia so với quy mô quan hệ hợp tác với Trung Quốc và Nga. Mặt khác, đây mới chỉ là các cam kết, cần phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng những cam kết này không dễ gì thực hiện khi không có một kế hoạch hành động nào giữa hai bên.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

NỔI BẬT TRANG CHỦ