(Tổ Quốc)- Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng to lớn chưa từng thấy đến nền kinh tế thế giới nói chung và ngành du lịch nói riêng, vào 19h (giờ Việt Nam) ngày 24/4/2020, Ả-rập Xê-út với vai trò là chủ tịch G20 năm 2020 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20 nhằm chia sẻ thông tin và đưa ra kế hoạch phối hợp hành động để bảo vệ doanh nghiệp du lịch, lao động ngành du lịch và hỗ trợ khách du lịch vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có này.
Hội nghị có sự tham gia của các Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Du lịch của 20 nước G20, 7 nước khách mời và đại diện 4 tổ chức quốc tế (UNWTO, OECD, ILO, WTTC), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đại diện Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Du lịch là một trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sơ bộ du lịch quốc tế giảm 45% trong năm 2020 và con số này có thể tăng lên 70% nếu những nỗ lực phục hồi bị trì hoãn cho đến tháng 6. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới ước tính 75 triệu lao động có nguy cơ mất việc. Do đó, các Bộ trưởng Du lịch G20 cam kết phối hợp cùng nhau để giảm thiểu thiệt hại của cuộc khủng hoảng này và đề ra kế hoạch hành động để phục hồi ngành du lịch là một việc làm cần thiết.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Tùng chia sẻ: Với tinh thần chủ động, không chủ quan trước dịch bệnh, Việt Nam đã sớm xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản ứng phó được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với ngành du lịch, Thứ trưởng Lê Quang Tùng chia sẻ Chính phủ Việt Nam đã triển khai những giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và người lao động, như chính sách giãn, giảm thuế, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ từ bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung triển khai các nội dung: (1) Từng bước khôi phục lại các lĩnh vực dịch vụ liên quan trực tiếp đến du lịch như hàng không, vận tải hàng hóa…và tập trung thúc đẩy du lịch nội địa, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; (2) Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách; (3)Tối đa hoá sự đóng góp của du lịch cho Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), (4) Tập trung thực hiện quá trình chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập du lịch, tạo cơ hội mới trong tiếp cận thị trường, tăng hiệu quả hoạt động và thúc đẩy khởi nghiệp, (5) Cam kết đồng hành cùng các đối tác quốc tế, đặc biệt là các nước G20 để cùng nhau hợp tác, phát triển du lịch theo hướng bền vững, phù hợp với Chương trình Nghị sự phát triển bền vững năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Kết thúc Hội nghị, Bản tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch G20 về COVID-19 đã được thông qua. Bộ trưởng Du lịch G20 cam kết sẽ phối hợp với nhau để hỗ trợ ngành du lịch và hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia trong việc giảm thiểu tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19. Để khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng, các nước cam kết đảm bảo môi trường du lịch an toàn để tái xây dựng lại lòng tin của khách hàng trong lĩnh vực du lịch, tăng cường hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế. Các nước cũng cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động ngành du lịch để thích ứng và phát triển trong thời khi hậu khủng hoảng; phát triển du lịch theo hướng bền vững hơn trong các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ trưởng Du lịch các nước G20 cam kết tăng cường trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cũng như đẩy mạnh hợp tác giữa các chính phủ nhằm tăng cường khả năng ứng phó của ngành du lịch đối với những nguy cơ hoặc biến động trong tương lai.