(Tổ Quốc) - Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm quan trọng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Theo đó Người “nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.
Tại các Hội nghị Văn hóa toàn quốc những năm 1946, 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" để quảng bá cho toàn thể dân tộc ta, trong đó có đội ngũ trí thức khoa học, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ và quảng đại quần chúng nhân dân hưởng ứng quá trình xây dựng "văn hóa kháng chiến", "con người kháng chiến", tạo ra nguồn sức mạnh văn hóa, con người để đẩy mạnh "kháng chiến, kiến quốc", bảo vệ núi sông bờ cõi. Luận điểm này đã trở thành nguyên tắc chi phối, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
1. Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) - khởi nguồn đường lối cách mạng văn hóa của Đảng
Trong những năm 1940, dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Đảng, phong trào đấu tranh chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai ngày càng sôi sục, tràn đầy khí thế, chuẩn bị đón thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân. Cũng trong những năm tháng lịch sử này, Đảng ta đã khởi thảo nên Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), trình bày những quan điểm lý luận đầu tiên về một số vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng nước ta.
Bản Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) đã xác định phạm vi của văn hóa bao gồm tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, đồng thời đề cập đến mối quan hệ biện chứng chặt chẽ giữa văn hóa, kinh tế và chính trị, theo đó khẳng định quan điểm lý luận cực kỳ quan trọng mà cho đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự nóng hổi:
“a) Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động.
b) Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa.
c) Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả” (1).
Ngay trong thời gian này, Đảng ta đã sớm nhận thức về vai trò to lớn của cách mạng văn hóa trong mối quan hệ biện chứng với cách mạng kinh tế và cách mạng chính trị. Bản Đề cương đã nêu rõ và khẳng định vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng trong cách mạng văn hóa là một tất yếu chính trị, một điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng nước ta đi tới thắng lợi hoàn toàn:
“a) Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội.
b) Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
c) Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bây giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau” (2).
Những thắng lợi của cách mạng chính trị là khởi đầu. Cách mạng văn hóa được xác định là cuộc cách mạng triệt để nhất để xây dựng xã hội mới mai sau. Theo đó, bản Đề cương nêu lên tính chất của nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa và tiếp tục đưa ra “ba nguyên tắc vận động” của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam là: “Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ) (3).
Quan điểm lý luận trong Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) đã thực sự trở thành ngọn đuốc trí tuệ cách mạng sáng ngời, soi đường dẫn lối cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mới, cho sự nghiệp cách mạng nước ta vượt qua khó khăn gian khổ, tiến tới một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Ngay sau khi Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) ra đời, Đảng ta đã nhanh chóng thành lập Hội văn hóa cứu quốc - một tổ chức văn hóa, văn nghệ rộng rãi thu hút, tập hợp, động viên những trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước và cách mạng, bắt đầu xây dựng lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ - chiến sĩ hăng hái đi theo ngọn cờ vinh quang của Đảng, chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
2. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (1946): bước ngoặt quan trọng của sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, kiến tạo sức mạnh nội sinh mới của dân tộc, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng đặc biệt của sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã hai lần tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào các năm 1946 và 1948. Có thể nói đây là hai sự kiện có ý nghĩa to lớn nhằm xây dựng lực lượng tổng hợp về văn hóa, con người Việt Nam, nguồn sức mạnh nội sinh bên trong của dân tộc ta để chống giặc ngoại xâm. Hơn bao giờ hết, Đảng ta đã thấy rõ ý nghĩa to lớn của sức mạnh văn hóa, con người nước ta - nhân tố quyết định trực tiếp thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước ta ứng phó, xử lý với những tình thế muôn vàn khó khăn, “thù trong, giặc ngoài”, đời sống nhân dân thiếu đói, ngân sách nhà nước trống rỗng, chính quyền cách mạng chưa quản lý được ngân hàng Đông Dương… Trong khi đó, phía Bắc, quân Tàu Tưởng nhân danh đồng minh kéo vào miền Bắc nước ta, gây rối, chống phá chính quyền Việt Minh, đưa ra thị trường các loại tiền của Trung Quốc đã mất giá, càng làm cho nền tài chính thêm rối loạn. Phía Nam, thực dân Pháp núp sau lưng quân đội Anh liên tục gây hấn, quấy phá. Tình trạng hạn hán và lũ lụt lớn ở nhiều nơi đã làm cho rất nhiều diện tích ruộng đất không thể canh tác; nạn đói vẫn lan tràn ở một số tỉnh Bắc Bộ. Tàn dư văn hóa lạc hậu do chế độ thực dân phong kiến để lại rất nặng nề, hơn 90% dân số bị mù chữ. Các tệ nạn xã hội cũ như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút… mọc ra như nấm và lan tràn khiến cho đời sống nhân dân các địa phương xơ xác tiêu điều, khó khăn chồng chất khó khăn… Trước tình hình của đất nước cấp bách như “nước sôi, lửa bỏng”, ngày 16-11-1946, đồng chí Trường Chinh đệ trình Chủ tịch Hồ Chí Minh bản thuyết trình về “Nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước” (4).
Về văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc, trong Mục I của bản thuyết trình khẳng định:
“Trước cuộc cách mạng, văn hóa cách mạng đóng một vai trò khá quan trọng là tuyên truyền giác ngộ, cổ động nhân dân khởi nghĩa giành độc lập.
Trong cuộc cách mạng, văn hóa cách mạng phải kích thích tinh thần khởi nghĩa, làm sôi nổi nhiệt huyết cách mạng của nhân dân, thôi thúc nhân dân nổi dậy tất cả giành lấy chủ quyền; kháng chiến giữ vững chủ quyền ấy.
Sau cuộc cách mạng, văn hóa cách mạng phải động viên mọi lực lượng văn hóa của dân tộc, hăng hái tham gia kiến quốc; gây đời sống mới, gột rửa những tư tưởng, tập quán hủ bại, giáo dục nhân dân, làm cho dân tộc có một nền văn hóa tiến bộ” (5).
Đồng chí Trường Chinh còn nêu ra bốn nhiệm vụ của văn hóa Việt Nam ở giai đoạn này như sau:
“1. Phát triển tinh thần đoàn kết và yêu nước của dân tộc, củng cố đức tin của dân tộc ở sự nghiệp dân tộc giải phóng.
2. Phát triển những cái hay, cái đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc; đồng thời bài trừ những cái xấu xa hủ bại.
3. Ngăn ngừa sức thâm nhập và tấn công của văn hóa phản động, văn hóa thực dân; đồng thời học những cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Tàu và Pháp.
4. Kiến thiết một nền văn hóa mới cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao gồm: giáo dục nhân dân, gây đời sống mới, phát triển tư tưởng khoa học và học thuật tiến bộ, phát triển văn nghệ đại chúng” (6).
Nhằm mục đích triển khai quan điểm lý luận về văn hóa cách mạng của Đảng, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất đã diễn ra tại Hà Nội. Hơn 200 trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa trên toàn quốc và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã tham dự Hội nghị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị văn hóa đặc biệt này và chỉ rõ nhiệm vụ của nền văn hóa mới là phục vụ sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Người nhấn mạnh: nền văn hóa mới phải kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống và mang những tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng đã được xác định từ Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943).
Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm quan trọng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Theo đó Người “nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng. Tiếp theo, đại diện của Ủy ban vận động văn hóa toàn quốc đọc báo cáo nêu bật những thành tích, hoạt động của các nhà văn hóa Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời nêu lên sự cần thiết phải đoàn kết cộng tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nhà hoạt động văn hóa của cả nước trong tình hình mới” (7).
Trong các cuộc thảo luận sôi nổi, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (1946) đã đánh giá, nhìn nhận lại hoạt động của các nhà hoạt động văn hóa trong cả nước đặt cơ sở cho việc xây dựng nền văn hóa mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo đó, tích cực chuẩn bị lực lượng văn hóa phục vụ cho sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” của toàn dân tộc. Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, lập tức trên phạm vi cả nước đã nhanh chóng xuất hiện phong trào “Văn hóa hóa kháng chiến” và “Kháng chiến hóa văn hóa”. Nội dung của Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) trong hoàn cảnh mới của cách mạng nước ta đã được triển khai sâu rộng.
Bước sang năm thứ hai của kháng chiến chống thực dân Pháp, trong ba ngày (từ ngày 3 đến 6-4-1947), Hội nghị cán bộ Trung ương của Đảng đã ra nghị quyết, bổ sung và phát triển đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa ra chủ trương về văn hóa như sau: “Động viên tất cả giới trí thức, văn nghệ tham gia kháng chiến dùng các nhà trí thức văn hóa, chuyên môn vào các ngành công tác như quân giới, quân y, giáo học, tuyên truyền kháng chiến… năng dùng những hình thức tuyên truyền, thông tin dân dễ cảm và dễ hiểu… Vừa kháng chiến, dân tộc ta vừa dựng nên một nền văn hóa mới, có tính chất hợp với tinh thần dân tộc độc lập, hợp với khoa học, tiến bộ, hợp với tính tình và trình độ của đông đảo quần chúng nhân dân” (8).
3. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai (1948): phát huy tiềm năng sức mạnh nội sinh của văn hóa, văn nghệ và con người Việt Nam, thực hiện “Văn hóa hóa kháng chiến”, “Kháng chiến hóa văn hóa”, “Kháng chiến kiến quốc” để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Ngày 16-7-1948, trong thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai diễn ra tại Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, kêu gọi tri thức, các nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong phong trào thi đua ái quốc của toàn dân tộc và khẳng định: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó… các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng” (9).
Người nêu rõ: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ. Mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế” (10).
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai này đã đánh dấu một bước chuyển biến mạnh mẽ của phong trào văn hóa kháng chiến. Đảng ta đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa trong nước, ngoài nước, tạo ra tinh thần phấn khởi, hăng hái phụng sự sự nghiệp “kháng chiến kiến quốc”. Chủ trương đường lối văn hóa của Đảng được trình bày rõ ràng, thuyết phục đối với các nhà văn hóa văn nghệ sĩ đi theo Đảng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai (1948), các đại biểu tham dự đã được lắng nghe và nâng cao nhận thức lý luận văn hóa theo lập trường mác xít của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày một báo cáo khoa học rất quan trọng có nhan đề: Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam. Bản báo cáo đã phát triển, mở rộng Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng trên cơ sở các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Ngoài lời mở đầu và kết luận, Báo cáo được chia làm 7 phần: I: Văn hóa và xã hội; II: Lập trường văn hóa mác xít; III: Văn hóa Việt Nam xưa và nay; IV: Tính chất và nhiệm vụ của văn hóa dân chủ mới Việt Nam; V: Mặt trận văn hóa thống nhất trong mặt trận thống nhất; VI: Văn hóa Việt Nam trong mặt trận văn hóa dân chủ thế giới, VII: Mấy vấn đề cụ thể trong văn học nghệ thuật ở nước ta hiện nay.
Báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam thể hiện những giá trị nền tảng lý luận của Đảng, vận dụng quan điểm mác xít về văn hóa vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Bản báo cáo đã chỉ rõ tính chất, nhiệm vụ của nền văn hóa dân chủ mới ở nước ta như sau: “Mục đích của những người làm công tác văn hóa chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui; là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới”. Theo đó, nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải tổng hợp đủ ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Tương ứng với ba tính chất này, các văn nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa phải thấm nhuần và vận dụng ba phương châm của công tác vận động văn hóa mới là: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa.
Báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam còn xác định rõ trách nhiệm của các chiến sĩ văn hóa là phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến, không thỏa hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; ra sức nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chiến đấu và đời sống con người, lấy học thuyết của Chủ nghĩa Mác làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận phải kết hợp với thực tiễn; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, gần gũi quần chúng, cảm thông và học hỏi quần chúng.
Vượt qua những năm tháng kháng chiến gian khổ mà anh dũng, lực lượng chiến sĩ văn hóa kháng chiến đã phát triển và trưởng thành với một đội ngũ đông đảo trí thức khoa học với những tên tuổi lớn như: giáo sư y khoa Tôn Thất Tùng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà khoa học Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Vũ Ðình Huỳnh và kỹ sư Phạm Quang Lễ; các văn nghệ sĩ tiêu biểu như: Tố Hữu, Chính Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Trần Đăng, Tô Ngọc Vân, Hữu Mai, Hồ Phương, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Xuân Miễn... Nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, với sự quan tâm sâu sắc và gần gũi với trí thức văn nghệ sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư, trong đó khẳng định sứ mệnh thiêng liêng của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ nước ta, nhấn mạnh mối quan hệ giữa văn hóa và kháng chiến: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (11).
Quả thực, trong những năm kháng chiến trường kỳ anh dũng, hệ thống vô vàn các tác phẩm văn nghệ của văn nghệ sĩ kháng chiến đã đảm nhận vai trò như một binh chủng đặc biệt có sức mạnh tuyên truyền cổ vũ, động viên lực lượng kháng chiến công - nông - binh và thực sự trở thành một bộ phận của đời sống kháng chiến. Khẩu hiệu “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” thời kỳ này đã đưa văn hóa, văn nghệ hòa nhập vào dòng chảy mạnh mẽ của đời sống toàn dân thi đua “kháng chiến, kiến quốc” tiến tới thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
4. Ý nghĩa lịch sử to lớn của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946, 1948
Trước tình hình thực dân Pháp ngày càng bộc lộ dã tâm xâm lược Việt Nam, Đảng ta đã nhanh chóng tập hợp lực lượng dân tộc, xây dựng sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam bằng việc tổ chức hai Hội nghị Văn hóa toàn quốc liên tiếp trong hai năm 1946, 1948. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn xa trông rộng của Đảng ta về vai trò quan trọng của sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, nhân tố quyết định to lớn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc ta đã từng được minh chứng hùng hồn trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua: Việt Nam là một nước đất không rộng, người không đông, không nhiều tiềm năng về kinh tế, nhưng lại chiến thắng rất nhiều kẻ xâm lăng hung hãn, là bởi chúng ta có sức mạnh của văn hóa, con người.
Sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam được thể hiện ở tư thế chính nghĩa của dân tộc luôn luôn “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”; tinh thần yêu chuộng hòa bình, tư tưởng nhân đạo cao cả, lòng nhân ái bao la, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; trí thông minh sáng tạo, cần cù trong lao động và đấu tranh; tinh thần đại đoàn kết dân tộc triệu người như một, tinh thần dũng cảm kiên cường anh dũng trong chiến đấu, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… Cội nguồn sức mạnh vĩ đại này là nhân tố quyết định chiến thắng của ông cha ta trong các cuộc kháng chiến giặc ngoại xâm, bảo vệ núi sông bờ cõi.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc (1946, 1948) đã nêu cao ngọn cờ cách mạng chính nghĩa sáng ngời của Đảng, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân và đặc biệt là đã tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học kháng chiến hùng hậu, vững vàng; xây dựng sức mạnh nội sinh từ bên trong của dân tộc để ngăn chặn và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lúc bấy giờ, bảo vệ vững chắc sự sinh tồn và phát triển của dân tộc.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc (1946, 1948) được coi là những bước ngoặt lịch sử kế tiếp liên tục, khẳng định vị thế, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, các Hội nghị này đã cụ thể hóa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan điểm lý luận về cách mạng văn hóa được xác định ngay từ Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), đưa đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn cuộc sống,
Qua hai Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trên cơ sở tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đông đảo trí thức, các nhà khoa học, các nhà văn hóa và văn nghệ sĩ yêu nước về thực hiện quan điểm lý luận đúng đắn của Đảng, về xây dựng, phát triển văn hóa cách mạng, văn hóa kháng chiến, dân tộc ta đã có được nguồn sức mạnh tổng hợp về văn hóa, con người Việt Nam tại thời điểm bấy giờ trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao cũng như trên tiền tuyến và hậu phương. Từ đó, lực lượng kháng chiến của dân tộc ngày càng lớn mạnh để đánh đuổi quân xâm lược.
Với tầm cao của văn hóa thời đại Hồ Chí Minh, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta đã từng bước xóa bỏ tàn dư, hủ bại của văn hóa thực dân phong kiến, loại bỏ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội, xóa bỏ tình trạng mù chữ, phát huy tinh thần của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động sản xuất, chiến đấu, từng bước đẩy lùi thực dân Pháp, dồn chúng vào thế cùng lực kiệt và cuối cùng phải chấp nhận thất bại thảm hại.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày thành lập nước và hai lần tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc (1946, 1948) đến nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua bao khó khăn gian khổ để hướng đến xây dựng nên một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, công bằng, dân chủ, văn minh, đem hạnh phúc đến cho con người, nhằm mục đích tới năm 2045, nước ta sẽ trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc những năm 1946, 1948 với tư tưởng và khát vọng cao cả của dân tộc ngày ấy về sức mạnh kỳ diệu của văn hóa, con người Việt Nam vẫn còn tỏa sáng đến mai sau, giúp dân tộc ta đi đến những bến bờ vinh quang hạnh phúc như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
PGS, TS NGUYỄN TOÀN THẮNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021
__________________________
1, 2, 3. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, 50 năm đề cương về văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.11, 14-15, 15-16.
4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.143-146.
7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.460.
8, 9, 10. Lịch sử biên niên công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.341, 357, 357.
11. Hồ Chí Minh, Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr.349.