• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội Nhạc sĩ Việt Nam công bố tuyển tập ca khúc chống COVID-19

Văn hoá 11/04/2020 19:55

(Tổ Quốc) - Hội Nhạc sĩ Việt Nam công bố tuyển tập ca khúc chống COVID-19; Cung cấp đầy đủ, thường xuyên các thông tin du lịch để hỗ trợ du khách; Chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức Lễ hội… là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam công bố tuyển tập ca khúc chống COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh: Hà Nội mới

Hà Nội: Tuyển tập các ca khúc về phòng chống COVID-19, tựa đề "Niềm tin" vừa được Hội Nhạc sĩ Việt Nam hoàn thiện và công bố rộng rãi đến công chúng.

Đây là tuyển tập do Hội Nhạc sĩ Việt Nam biên soạn nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19.

Được biết, để xuất bản tập sách, từ đầu tháng 4, Hội đã kêu gọi các nhạc sĩ, nghệ sĩ đồng hành cùng mọi người dân phòng chống dịch bệnh bằng lời của bài hát. Chỉ sau 5 ngày, đã có hơn 100 ca khúc của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn 60 ca khúc của 52 tác giả, xuất bản thành tuyển tập ca khúc "Niềm tin". Các tác phẩm này ngợi ca các chiến sĩ biên phòng, nhân viên an ninh hàng không, cảnh sát giao thông, những người lính trẻ và đặc biệt là các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Giai điệu, lời ca của các ca khúc thể hiện sự đồng cảm, tinh thần đoàn kết, ý chí và ý thức, trách nhiệm với xã hội, đồng lòng cùng toàn dân, Chính phủ chống đại dịch. Có những bản hành khúc sôi nổi với thông điệp rõ ràng dứt khoát "Hãy ở nhà! Hãy đứng yên là yêu nước!". Nhiều ca khúc âm hưởng dân ca, chuyển tải tinh thần sẻ chia trong cộng đồng, tâm tư tình cảm của những người phải tạm xa gia đình đi làm nhiệm vụ.

Đặc biệt, tuyển tập giới thiệu 6 ca khúc được 6 nhạc sĩ phổ nhạc từ các bài thơ đang được lan truyền mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội. Trong đó, có bài thơ "Nếu anh không về" của tác giả Vũ Tuấn, một giáo viên dạy Toán ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Hai ca khúc phổ thơ "Ngủ một chút đi anh" và "Những bông hoa nở giữa mùa dịch" của nhạc sĩ Tô Văn (Lai Châu), do ca sĩ Việt Tú thể hiện với những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng và đầy xúc động, đang được khán giả đón nhận, yêu thích và chia sẻ rộng rãi.

Hà Nam: Theo Báo cáo về số liệu thống kê tổng lượng khách và doanh thu du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2019 mới đây của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL): Tổng lượng khách: 2.880.300 lượt khách (trong đó khách du lịch về Khu du lịch Tam Chúc ước đạt 1.670.000 lượt), đạt 185,8% kế hoạch năm và vượt 123,4% so cùng kỳ năm 2018). Trong đó: Khách quốc tế: 103.800 lượt khách. Khách nội địa: 2.776.500 lượt khách Tổng thu từ du lịch: 685 tỷ đồng (đạt 146,9% kế hoạch năm và vượt 131,4% so cùng kỳ năm 2018).

Trong năm 2019, Sở VHTTDL thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai, bán đúng giá, đảm bảo chất lượng, số lượng tại các cơ sở kinh doanh góp phần ngăn chặn các hành vi, vi phạm và gây mất an toàn cho du khách. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tại các khu, điểm du lịch, điểm di tích nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm như lừa đảo, gian lận, chặt chém, ép khách du lịch; công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại các khu, điểm du lịch được quan tâm thường xuyên và thực hiện theo đúng quy định.

Do lượng khách du lịch đến Hà Nam tăng đột biến, để đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách và cung cấp thông tin đầy đủ, hỗ trợ khách khi du lịch, tham quan trên địa bàn tỉnh, năm 2019, Sở VHTTDL Hà Nam đã thiết lập 2 cổng thông tin du lịch Hà Nam "dulichhanam.vn", ứng dụng Du lịch thông minh "Ha Nam Tourism" trong đó cung cấp đầy đủ, thường xuyên và liên tục các thông tin du lịch tại địa phương để hỗ trợ khách du lịch khi đến Hà Nam.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam tính đến tháng 12 năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 105 nhà nghỉ; 27 khách sạn, trong đó 24 khách sạn đã xếp hạng (1 khách sạn 5 sao; 4 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 12 khách sạn 1 sao) và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Sở VHTTDL Hà Nam thường xuyên rà soát, hướng dẫn các khu, điểm du lịch xây dựng hồ sơ và bổ sung các tiêu chí, điều kiện để đảm bảo các điều kiện đủ công nhận khu điểm du lịch. Đến nay, Sở đã xây dựng hồ sơ và tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công nhận 04 điểm du lịch là điểm du lịch địa phương,

Vĩnh Phúc: Nhằm tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, ngày từ đầu năm 2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các Sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức Lễ hội, thực hiện nghiêm túc, đúng theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức Lễ hội.

UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, cụ thể: Kiên quyết không để các tình trạng ăn xin, ăn mày, chen lấn, tranh cướp lộn xộn, hoạt động mê tín dị đoan, xóc thẻ, cờ bạc trá hình; đổi tiền hưởng chênh lệch, diễn ra trong lễ hội; trông giữ xe theo đúng giá niêm yết. Bố trí khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không bày bán các đồ chơi có tính bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng.

Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông, có phương án phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội.

Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; hướng dẫn vị trí đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức theo đúng Quyết định số 3118/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh v/v Quy định tạm thời việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, lắp đặt bảng nội quy di tích, bảng lịch sử di tích; tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân và du khách trong việc nghiêm túc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.

Ngoài ra, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Không đưa các hiện vật không có trong hồ sơ xếp hạng vào di tích, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng luật di sản văn hóa.

Đối với một số lễ hội có tính chất nhạy cảm, yêu cầu UBND cấp huyện thực hiện các giải pháp như: Xây dựng, phê duyệt kịch bản, ký cam kết với Ban tổ chức lễ hội về trách nhiệm thực hiện kịch bản tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội...

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ