Vừa qua, Lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có cuộc gặp với đại diện các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu lịch sử để lấy ý kiến về việc chuẩn bị kỷ niệm 140 năm cụ Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, dự định tổ chức vào năm 2009.
Vừa qua, Lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có cuộc gặp với đại diện các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu lịch sử để lấy ý kiến về việc chuẩn bị kỷ niệm 140 năm cụ Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, dự định tổ chức vào năm 2009.
Dự buổi gặp mặt có bà Vũ Giáng Hương, Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; ông Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ văn nghệ - Ban tuyên giáo Trung ương; nhà nghiên cứu lịch sử Đào Hùng; nhà sử học Dương Trung Quốc; ông Nguyễn Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ VH - TT & DL); Về phía Hội NSNAVN có Chủ tịch Chu Chí Thành, Phó chủ tịch Vũ Huyến cùng các đại diện phòng ban chức năng của Hội.
Cụ Đặng Huy Trứ, sinh năm 1825, quê xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, đỗ tiến sĩ khi mới 22 tuổi. Gần 20 năm làm quan trong triều Nguyễn, cụ đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng. Cách đây 140 năm, cụ Đặng Huy Trứ là một trong những người có công đầu đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, bằng việc mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự ra đời, phát triển của ngành nhiếp ảnh Việt
Các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ Hội NSNAVN tổ chức sự kiện này và cho rằng cần quan tâm nhiều hơn tới nội dung của sự kiện. Trong đó cần nêu bật được ý nghĩa của việc nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam đã có tác động lớn đến đời sống mọi mặt của đất nước, qua đó tôn vinh công lao của cụ Đặng Huy Trứ một cách thiết thực, hiệu quả… Theo các nhà sử học, lễ kỷ niệm nên có 2 phần, gồm tổ chức cuộc hội thảo bàn về vấn đề cách tân trong lịch sử, sự tiếp thu tinh hoa của nhân loại, trong đó có sự liên hệ với sự phát triển của nhiếp ảnh ngày nay…Bên cạnh đó, cần tổ chức trưng bày những tác phẩm ảnh cổ, những tác phẩm được trao giải thưởng Hồ chí Minh, giải thưởng Nhà nước, các tác phẩm đoạt giải quốc tế lớn và các phương tiện thiết bị nhiếp ảnh cổ…. Đặc biệt, nên tổ chức gian trưng bày ảnh, hiện vật với chủ đề “Cảm Hiếu Đường”, tái hiện cuộc sống sinh hoạt gia đình trong thời kỳ đầu có sự xuất hiện của nhiếp ảnh… Hội NSNAVN cần huy động tất cả lực lượng nhiếp ảnh cả nước cũng như các đơn vị cá nhân nhằm khai thác, sưu tầm những tài liệu, hiện vật liên quan phục vụ cho tổ chức lễ kỷ niệm…
Chủ tịch Chu Chí Thành ghi nhận những ý kiến của các đại biểu và khẳng định Hội NSNAVN sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết và thành lập ban chỉ đạo thực hiện công tác chuẩn bị, để bảo đảm tổ chức lễ kỷ niệm đúng thời gian đã dự định.
Theo VAPA