(Cinet)- Ngày 28-3, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn Xây dựng báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm thực hiện Công ước UNESCO năm 2005 về Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá (giai đoạn 2012-2015).
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu khai mạc Hội thảo |
(Cinet)- Ngày 28-3, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn Xây dựng báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm thực hiện Công ước UNESCO năm 2005 về Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá (giai đoạn 2012-2015).
Tại Hội thảo, Nhóm công tác liên ngành xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam đã trình bày nội dung dự thảo của Báo cáo và tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tổ chức văn hoá, nghệ thuật, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hoá và các lĩnh vực liên quan.
Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, thành tựu lớn nhất trong việc thực thi công ước trong giai đoạn 4 năm qua là nhận thức của toàn xã hội đối với vị trí và vai trò của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sự tham gia tích cực và chủ động của các nghệ sĩ, những người sáng tạo trong việc thúc đẩy hình thành các trung tâm sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp tạo ra bầu không khí sôi nổi trong việc kết nối sáng tạo… Tuy nhiên, việc thực thi công ước ở Việt Nam cũng gặp một số thách thức cần sớm được thay đổi để việc thực hiện Công ước của UNESCO tạo ra hiệu quả rõ ràng hơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất, trong bối cảnh xu hướng tự do hóa thương mại được đẩy mạnh và tốc độ, quy mô của quá trình toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, thế giới đang trở nên “mở” hơn, gắn kết với nhau hơn do sự phát triển của công nghệ viễn thông và thông tin, thì việc bảo vệ tính đa dạng văn hóa là điều cần thiết và là cơ hội to lớn để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định hơn.
Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hoà và Phó Viện trưởng Viện Văn hoá, Nghệ thuật quốc gia Bùi Hoài Sơn trình bày tại Hội thảo
|
Bảo vệ tính đa dạng đem lại sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác, mang lại nguồn sáng tạo, cổ vũ, tạo nên động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Các đại biểu tham dự Hội thảo mong muốn, Hội thảo không chỉ là diễn đàn nhằm vun đắp tinh thần hợp tác giữa các dân tộc của hai châu lục, mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng về văn hóa. Qua đó, xây dựng một nền văn hóa hòa bình, khoan dung, và hòa hợp giữa các xã hội, tạo nền tảng cho mối quan hệ lành mạnh và ổn định giữa hai khu vực mà Công ước UNESCO về bảo tồn và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa năm 2005 đã nêu rõ.
Công ước về Bảo vệ và Phát huy sự Đa dạng các Biểu đạt văn hóa được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 33 của UNESCO vào năm 2005 là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy sự đa dạng văn hóa được nêu trong hiến chương của UNESCO. Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế này có mục đích bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được thể hiện và truyền tải cụ thể trong các hoạt động văn hóa, sản phẩm và dịch vụ văn hóa - các phương tiện của nền văn hóa đương đại. Đồng thời, đặt ra một khung pháp luật thuận lợi cho tất cả các quốc gia thành viên trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, truyền bá, tiếp cận và hưởng thụ các biểu đạt văn hóa từ nhiều nguồn gốc khác nhau.
“Biểu đạt văn hóa” nói đến những cách hình thành và biểu thị sự sáng tạo của các cá nhân và các nhóm xã hội khác nhau. Những biểu thị này bao gồm các biểu đạt chuyển tải qua từ ngữ (trong văn học, chuyện kể...), qua âm thanh (như phim, ảnh..), qua các hoạt động (múa, đóng kịch..), qua các vật thể (như tượng, tranh...), hay có thể được chuyển tải dưới bất kỳ hình thức nào (như in ấn, nghe, nhìn, điện tử...).
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phải bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với nhiều biểu đạt phong phú, ngày 7-8-2007, Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Công ước về Bảo vệ và Phát huy sự Đa dạng các Biểu đạt văn hóa./.
Một số đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo |
T.Dung (tổng hợp) - Ảnh: Cục HTQT