• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội thảo “Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật”: Sẽ chấn chỉnh “tranh thật, tranh giả”

05/12/2009 20:13

Những vấn đề bất cập từ công tác giám định tác phẩm mỹ thuật; Đưa ra quy chế tổ chức, hoạt động kiện toàn lại Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật... là những vấn đề mà Bảo tàng Mỹ thuật VN đưa ra tại Hội thảo công tác giám định tác phẩm mỹ thuật vừa tổ chức tại Hà Nội.

Những vấn đề bất cập từ công tác giám định tác phẩm mỹ thuật; Đưa ra quy chế tổ chức, hoạt động kiện toàn lại Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật... là những vấn đề mà Bảo tàng Mỹ thuật VN đưa ra tại Hội thảo công tác giám định tác phẩm mỹ thuật vừa tổ chức tại Hà Nội.





Bảo tàng Mỹ thuật VN cũng cần một cuộc tổng kiểm kê

Những năm qua,  nhiều tác phẩm mỹ thuật với các chất liệu độc đáo như sơn mài, lụa... của VN được bán với giá cao có sức hút với nhiều bảo tàng, nhà sưu tập ở trong và ngoài nước. Cùng với sự khởi sắc đó thì một loạt những vấn đề cũng nảy sinh trong thị trường mỹ thuật, đó là nạn xâm phạm bản quyền tác giả, sao chép tác phẩm không đúng quy định,  nạn tranh giả... Những điều này đã khiến Mỹ thuật VN ít nhiều bị giảm uy tín trên thị trường  thế giới khi  nhiều tác phẩm bị nghi ngờ về tính chân xác.

Tại hội thảo, trong tham luận của mình, nhà lý luận phê bình Lê Quốc Bảo cho rằng, Hội đồng giám định cần theo 2 cấp mô hình “cứng” và “mềm”. Hội đồng giám định “cứng” như trong dự thảo Quy chế gồm các nhà quản lý, các chuyên gia mỹ thuật và các lĩnh vực liên quan có nhiệm vụ tư vấn cho giám đốc bảo tàng, giám đốc Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật - các thành viên tùy theo yêu cầu những thể loại, chất liệu mỹ thuật của từng vụ việc. Trước đây chúng ta chỉ có một hội đồng thẩm định giám định tất cả các thể loại, chất liệu, kỹ thuật. Cho dù một họa sĩ tài năng hay một chuyên gia giỏi thì sự “bao sân” cũng không tránh khỏi những hạn chế đáng tiếc trong việc đưa ra các kết luận giám định. Vì vậy, cần thêm Hội đồng “mềm” là các chuyên gia chuyên sâu về thể loại, chất liệu, kỹ thuật của từng vụ việc. Giám định xong tự giải thể.

Về dư luận hoài nghi  “lai lịch thật, giả”  của một số tác phẩm ở Bảo tàng Mỹ thuật VN, họa sĩ Lê Huy Tiếp- Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật VN và nhà lý luận phê bình Nguyễn Hải Yến cho rằng việc làm đầu tiên để tạo niềm tin cậy cho khách hàng, Trung tâm cần phải làm một cuộc tổng kiểm kê các tác phẩm, các bộ sưu tập ngay tại Bảo tàng Mỹ thuật VN để phân định đâu là bản gốc, bảo sao chép. Vẫn biết bản gốc và bản sao khác nhau về giá trị nhưng cũng phải nhìn nhận rằng trưng bày bản sao cũng là do nhu cầu của người thưởng thức, chỉ khi nó được mạo nhận là bản gốc mới xảy ra tranh chấp mà thôi. Bảo tàng vẫn có quyền trưng bầy tác phẩm nguyên gốc và cả phiên bản nhưng phải ghi rõ tên họa sĩ, tên người sao chép và thời điểm sao chép một cách rõ ràng.

Giám định mỹ thuật: còn nhiều việc phải làm

Trình độ giám định mỹ thuật ở nước ta còn rất thấp so với thế giới, tuy nhiên, trong hoàn cảnh thế giới hội nhập thì chúng ta có thể đi tắt – đón đầu về mặt kỹ thuật, đồng thời phải cố gắng vượt bậc để tự nâng tầm mình lên. Giám định tác phẩm mỹ thuật là việc “sống còn” của một bảo tàng mỹ thuật, phải có chiến lược đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, các chuyên gia hội đủ kiến thức nghệ thuật và tinh thông chất liệu, kỹ thuật. Thẳng thắn mà nói, hiện nay ta chưa có những chuyên gia giám định chuyên nghiệp cũng như các phương tiện kỹ thuật hiện đại để đảm bảo độ chính xác cho công tác giám định. Được Bảo tàng phân công tìm hiểu về công tác giám định, họa sĩ Đức Hòa cho biết có rất nhiều việc cần phải làm ngay như: Phân định thống nhất, dứt khoát về các loại hình, trường phái, phong cách, chất liệu, kỹ thuật, kích thước... tác phẩm; Tìm hiểu, dịch và công bố tất cả những quy định quốc tế về các vấn đề kỹ thuật của mỹ thuật; Lập hồ sơ tác phẩm; Phải có phòng thí nghiệm Hóa – Lý cùng với máy móc giám định hiện đại; Cần có hệ thống tài liệu thống kê về thị trường mỹ thuật luôn cập nhật; Điều quan trọng là cần phải cử người đi học ngắn hạn và dài hạn về giám định, bảo quản và phục chế và lấy được bằng cấp chuẩn ở các nước tiên tiến về công tác giám định. Người đi học phải là họa sĩ và nhà điêu khắc, chỉ có họ mới am hiểu chuyện kỹ thuật của mỹ thuật.

Các nước trên thế giới đầu tư cho một trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật rất lớn, chính vì vậy theo TS Phạm Quốc Quân – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN cho rằng nên tính toán thật kỹ khi xây dựng mô hình khả thi thì vấn đề đặt ra là cơ chế tài chính, đầu tư tiền bạc, cơ chế hoạt động, vận hành, cơ cấu tổ chức, nhân sự... phải được đặt ra trong dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm. TS Lê Thị Minh Lý – Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, tiến hành xây dựng quy chế hoạt động của trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật là một đòi hỏi cấp thiết nhưng trước một “mê trận” của các thể loại thông tin thì cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng và bài bản. Trong khi chờ đào tạo thì trung tâm rất cần có được một mạng lưới cộng tác viên có đủ năng lực và tiêu chuẩn cần thiết để tham gia vào công tác giám định. Trước tiên là thẩm định cho mình rồi mới tính tới việc tạo “thương hiệu” thẩm định ra ngoài thị trường. Ông Hoàng Minh Thái – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL cho biết, hiện nay chúng ta mới chỉ có duy nhất một văn bản tư pháp giám định và chưa hề có văn bản hướng dẫn hay thông tư về công tác giám định hay tiêu chí về giám định viên. Đây là cái khó cho Bảo tàng khi xây dựng trung tâm giám định.

Con đường thực hiện công tác giám định tác phẩm của trung tâm giám định mỹ thuật xem chừng còn quá mới mẻ và còn những khó khăn trước mắt. Trước tình hình và đòi hỏi của xã hội thì việc cho ra những quy chế hoạt động và tổ chức của Trung tâm và hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật là cấp bách. Còn rất nhiều kỳ vọng cao hơn từ vai trò và nhiệm vụ của trung tâm như thực hiện chức năng kinh doanh, tổ chức đấu giá kinh doanh tác phẩm là những lộ trình tất yếu của tương lai. Việc xây dựng Trung tâm Giám định mỹ thuật ví như xây dựng một ngôi nhà mới, trước tiên phải tính đến nền móng. Nền móng cho cho ngôi nhà giám định ở đây chủ yếu là năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách và một cơ chế làm việc linh hoạt, thích hợp, đồng thời còn phụ thuộc vào sự tham mưu và định hướng của các cơ quan chức năng.





Theo VH

NỔI BẬT TRANG CHỦ