(Tổ Quốc) - Sáng 15/1, tại thị xã Gia Nghĩa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam.
Thổ cẩm là một trong những nét văn hóa tạo nên tính đặc trưng của từng dân tộc. Ảnh minh họa (nguồn: Báo Đắk Nông)
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Văn hóa thổ cẩm - tinh hoa hội tụ" diễn ra tại Đắk Nông từ ngày 14 - 16/1/2019. Thông qua Hội thảo, Đắk Nông mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý, các nghệ nhân dệt thổ cẩm đánh giá, thảo luận về thực trạng, vai trò, giá trị truyền thống của văn hóa thổ cẩm các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và đưa ra các giải pháp, xây dựng đề án để bảo tồn và phát huy. Đây cũng là cơ sở để nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng các dân tộc trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa thổ cẩm gắn với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương và đất nước.
Theo đó, Hội thảo đã thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu là nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Học viện, các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa đến từ các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Xác định giá trị đặc trưng của văn hóa thổ cẩm; Đánh giá thực trạng về hoạt động nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc người; Tìm hiểu vai trò của văn hóa thổ cẩm trong đời sống kinh tế, xã hội của các tộc người ở Việt Nam; Bài học kinh nghiệm từ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm, nghề thổ cẩm tại các địa phương; Giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa thổ cẩm, nghề truyền thống dệt thổ cẩm cho các tộc người ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho mảnh đất phía Nam Tây Nguyên. Đây là nơi lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, trong đó có thổ cẩm.
Thổ cẩm là một trong những nét văn hóa tạo nên tính đặc trưng của từng dân tộc. Thổ cẩm không chỉ là trang phục mà còn là sản phẩm văn hóa dùng làm kỷ vật trong hôn nhân, trong văn hóa truyền thống. Trước nguy cơ bị mai một, Hội thảo lần này là hoạt động vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh.
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đề nghị, chính quyền các địa phương và cả nước nói chung cần nhìn nhận đúng về thực trạng văn hóa thổ cẩm tại địa phương mình và có hướng phát triển phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm; các ngành, các cấp cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm cũng như có nhiều chính sách quan tâm tới các nghệ nhân…