(Tổ Quốc) - PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM) đã nhấn mạnh dấu ấn của các gia đình có yếu tố nước ngoài – là kết quả của các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia - đã và đang trở thành xu hướng của thế kỷ 21.
Chiều ngày 28/12/2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Quốc tế: "Thực trạng đời sống các gia đình đa văn hóa Việt Nam – nước ngoài: Cơ sở lý luận và so sánh xuyên quốc gia" với sự tham gia của hơn 50 chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước.
Hội thảo đã nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên, các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, gửi bài.
Bên cạnh những thông tin, kiến thức về chủ đề gia đình đa văn hóa, lịch sử, văn hóa, giáo dục,…Hội thảo còn là sự kết nối xuyên biên giới giúp mọi người thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt, với các gia đình đa văn hóa còn có thêm trách nhiệm cùng nhau chăm sóc và nuôi dưỡng con cái chăm ngoan, hướng về cội nguồn của hai quốc gia – dân tộc.
Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, gia đình và văn hóa gia đình là những vấn đề phức tạp, cần phải dựa trên cách tiếp cận tổng hợp, tức kết hợp nhiều hướng tiếp cận khác nhau nhưng không loại trừ nhau. Tuy nhiên, một số cách tiếp cận lý thuyết được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu về gia đình và văn hóa gia đình trong xã hội hiện nay, đó là: Cách tiếp cận thuyết cấu trúc chức năng; Cách tiếp cận thuyết xung đột; Cách tiếp cận nữ quyền, Cách tiếp cận phát triển (đường đời); Cách tiếp cận thuyết vùng văn hóa; Cách tiếp cận giao lưu tiếp biến văn hóa.
Trong bài phát biểu của mình về chủ đề "Đời sống các gia đình có yếu tố nước ngoài ở TP.HCM", PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân cũng nhấn mạnh, TP.HCM được mệnh danh là vùng "đất lành chim đậu", nơi hội tụ những nền văn hóa đa dạng, đa sắc màu. Trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, TP.HCM đã và đang ngày càng phát triển, khẳng định được vị thế đầu tàu của đất nước. Cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, môi trường văn hóa nơi đây đã đa dạng nay lại càng đa dạng hơn, trong đó có dấu ấn của các gia đình có yếu tố nước ngoài – là kết quả của các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia - đã và đang trở thành xu hướng của thế kỷ 21. Những đấu ấn của văn hóa Việt Nam – nước ngoài được hiển hiện rõ tại TP.HCM là Việt – Hàn, Việt – Nhật, Việt – Hoa, Việt - Ấn, Việt – Thái, Việt – Pháp, Việt – Cam, Việt – Nga, Việt – Mỹ,...
Trong bài viết "Người Hàn Quốc tại TP.HCM và mối quan hệ với cộng đồng địa phương" của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Xoan và ThS. Hoàng Xuân Quyên đã đúc kết quá trình di cư và định cư tại một vị trí địa lý mới với nhiều sự khác biệt về nơi ở, thời tiết, con người, ngôn ngữ và văn hóa thì yếu tố quan trọng trong cuộc sống của người di cư là sự hòa nhập về mặt cảm xúc của họ, tức là mức độ họ nhận thức mình là thành viên của xã hội và sự đồng nhất của họ với con người và quốc gia họ đang sinh sống. Cùng quá trình sống và làm việc ở quốc gia mới là quá trình học hỏi, trao đổi và giao lưu với xã hội mới, với những giá trị và nền văn hóa khác biệt sẽ không thể tránh khỏi có những xung đột xảy ra. Hậu quả của việc thiếu hòa nhập có thể dẫn đến tranh chấp, phân biệt chủng tộc, tự ti, khó hòa nhập tại nơi làm việc và có thể gây ra nhiều hậu quả ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân và cộng đồng.
"Mối quan hệ với người dân địa phương là một trong những lý do gắn kết làm cho người nhập cư Hàn Quốc có được cảm giác thân thuộc, gần gũi và hòa nhập với nền văn hóa mới. Chính vì thế việc hội nhập cần rất nhiều thời gian và cả sự nỗ lực đến từ người nhập cư, chính cư và quốc gia chủ nhà. Những nghiên cứu trước đây về hội nhập xã hội đã tập trung nghiên cứu những khó khăn của người nhập cư từ quốc gia kém phát triển đến những quốc gia phát triển hơn chủ yếu vì lý do kinh tế và những khó khăn của họ tại quốc gia sở tại.", PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Xoan cho biết.