(Cinet)- Ngày 22/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”.
Sẽ không xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tràn lan. Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
(Cinet)- Ngày 22/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”.
Thứ trưởng Vương Duy Biên dự và chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, dự kiến, tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 được đưa ra gồm: Những địa phương gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, ghi đậm dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với mốc lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước; Địa phương là quê hương, nơi Bác đã học tập, đến thăm và làm việc; Một số địa phương có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các tiêu chí này có tính chất tổng quát, gắn kết quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với quy hoạch kiến trúc – xây dựng của các địa phương trên toàn quốc. Qua đó xác định hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Trung ương đến địa phương và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, các ngành, các địa phương. Đặc biệt ở tiêu chí thứ 3 đã tạo điều kiện cho nhiều tỉnh, thành phía Nam - những nơi chưa được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc, được dựng tượng Bác. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Tiêu chí thứ 3 là tiêu chí mở, quy hoạch theo vùng lãnh thổ. Mặc dù tỉnh đó không rơi vào tiêu chí thứ nhất hoặc thứ hai, tức là không phải nơi gắn với các sự kiện lịch sử và cuộc đời, sự nghiệp của Bác, không phải quê hương, không phải nơi Bác đến thăm nhưng nó lại là vị trí đặc biệt quan trọng về vùng hay hải đảo, biên giới… thì mới đồng ý cho làm. Nếu không nó sẽ dẫn đến tình trạng tràn lan. Nếu 64 tỉnh, có 64 công trình thì sẽ dẫn đến tràn lan”.
Theo số liệu khảo sát cho thấy, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị trên cả nước là 103 tượng. Trong đó có 45 tượng “Bác Hồ với Bộ đội Biên phòng” đặt ở khuôn viên 45 đơn vị bộ đội biên phòng trong cả nước. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng tại quảng trường, trung tâm hành chính, chính trị là 31 tượng. Các tỉnh, thành đề xuất đưa vào Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 là 58 tượng đài.
Tuy nhiên trên thực tế có một số vấn đề tồn tại như: Từ năm 2004 trở về trước, việc xây dựng tượng Bác không có quy hoạch; Từ năm 2004 đến năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch số 185/2004/QĐ-TTg ngày 28/10/2004, quy hoạch này thực hiện trong thời gian 06 năm, sau thời gian 06 năm có Quy hoạch 185 ở nhiều địa phương đã và vẫn có nhu cầu xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Các công trình đặt ở trung tâm hành chính, chính trị quá trình triển khai xây dựng thực hiện đúng theo Quy chế 05 về xây dựng tượng đài và Nghị định 113 về hoạt động mỹ thuật thì có chất lượng nghệ thuật khá tốt, phát huy được hiệu quả, nhưng vẫn có một số công trình do vị trí, không gian kiến trúc chưa phù hợp nên bị hạn chế về hiệu quả cũng như thẩm mỹ; Một số công trình được xây dựng đã lâu bằng chất liệu bê tông đã đến thời gian cần phải thay đổi chất liệu đá hoặc đồng.
Hiện nay, việc xây dựng Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẩn trương thực hiện; với việc khảo sát, đánh giá thực trạng các công trình đã xây dựng từ trước đến năm 2014; xây dựng tiêu chí nội dung và địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030; quy mô, hình thức nghệ thuật để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015.
CN