• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội thảo Văn hóa 2022: Khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh

Thời sự 17/12/2022 14:05

(Tổ Quốc) - Phiên toàn thể Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Đồng thời, các tham luận cũng đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Hội thảo Văn hóa 2022: Khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh - Ảnh 1.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa

Trình bày tham luận: “Chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, con người đối với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới. Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Sau hơn 35 năm Đổi mới, các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước, được ghi rõ trong Hiến pháp. Việc triển khai thực hiện trong thực tiễn cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với những thành tựu đạt được về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu phát triển văn hóa, xây dựng con người thời gian qua còn chưa tương xứng. Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người đã được Đảng chỉ rõ từ lâu, nhưng chậm được khắc phục. Những năm gần đây, đạo đức trong xã hội có chiều hướng xuống cấp đáng lo ngại.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; kết luận chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội thảo Văn hóa 2022: Khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh - Ảnh 2.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Đồng thời, cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ đã ban hành. Xác định rõ, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh nghiên cứu, xác định, tuyên truyền và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá. Cải cách và hoàn thiện thể chế văn hóa cần được phát huy đồng bộ thông qua nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước song hành cùng trao quyền tự chủ nhiều hơn đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa.

Ngoài ra, cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa.

Giữ gìn văn hóa nông thôn

Trình bày tham luận “Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới - thêm một góc nhìn về một nông thôn đáng sống”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hoá, bao gồm vật thể và phi vật thể. Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý những giá trị truyền thống và để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, nông thôn cần được xem là một miền di sản. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức. Những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, làng hài hoà, làng hạnh phúc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Mọi cư dân nông thôn cần được giới thiệu, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa địa phương, cảm nhận, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống...

Để các danh hiệu văn hóa đi vào thực chất, biến thành nguồn lực, nguồn vốn phục vụ phát triển, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”. Qua đó cụ thể hóa Luật Di sản Văn hoá, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 và huy động sức mạnh, nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc. Cùng với đó cần có những giáo trình giảng dạy văn hóa nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội. Cần chú trọng nhóm đối tượng là học sinh từ những bậc học đầu tiên, đây là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy liên tục văn hóa dân tộc. Cần có những tiêu chí về văn hóa nông thôn thực chất có thể đo lường được, tránh bệnh thành tích trong bình xét các danh hiệu văn hoá. Cần trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá.

Cần chính sách, nguồn lực cho công nghiệp điện ảnh

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức trình bày tham luận “Định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp điện ảnh và công nghiệp âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh – Tiềm năng, định hướng phát triển”.

Hội thảo Văn hóa 2022: Khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức trình bày tham luận tại Hội thảo

Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã xác định ngành công nghiệp Điện ảnh và công nghiệp Âm nhạc là một trong 08 ngành tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Điện ảnh TP Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền Điện ảnh Việt Nam; cho nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, trong đổi mới và hội nhập phát triển. Doanh thu ngành Điện ảnh năm 2010 đạt 3.822 tỷ đồng, năm 2015 là 6.016 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 6.732 tỷ đồng. Đến nay, ngành Điện ảnh đóng góp khoảng 0,35% cho GRDP của thành phố.

Trong giai đoạn đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu “Trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh”.

TP Hồ Chí Minh cũng đã định hướng một số giải pháp nhằm phát triển công nghiệp Điện ảnh và công nghiệp Âm nhạc. Đó là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tạo ra nhiều hoạt động sáng tạo, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, chú trọng các hoạt động giao lưu quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng của Thành phố. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư trọng điểm các công trình nhà hát, trung tâm giải trí đạt chuẩn quốc tế.

Đối với công nghiệp Điện ảnh, trên cơ sở triển khai thực hiện Luật Điện ảnh sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2023, Thành phố Hồ Chí Minh tạo đà tiếp tục phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa điện ảnh; những chính sách ưu đãi về thuế, cơ chế để khuyến khích đầu tư về điện ảnh, có chính sách bảo hộ phù hợp cho phim Việt Nam như ưu tiên cho việc chiếu phim Việt Nam; cơ chế ưu đãi về vốn cho những nhà làm phim trong nước…

Hội thảo Văn hóa 2022: Khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh - Ảnh 4.

Quang cảnh Hội thảo

Khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm trình bày tham luận “Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS): thực trạng và giải pháp” cho rằng, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS được thể hiện rõ trong các quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, XI về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là cơ sở quan trọng trong định hướng chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS giai đoạn vừa qua.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Qua đó đã góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng DTTS. Tính hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã tạo nên hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, hình thành tư tưởng, tình cảm, tinh thần trong đời sống tinh thần của các DTTS và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, vùng và Đất nước.

Tuy nhiên, văn hóa các DTTS ở nước ta cũng đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một lai căng mất dần bản sắc đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị: sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người; Quá trình tiếp biến văn hóa đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng/ không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ; Yêu cầu giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế; Việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong quá trình hội nhập thì vấn đề kiến tạo sự gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi cũng cần được đặt ra....

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm đã đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS trong bối cảnh mới: Tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS; Tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS; Nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS, quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS; Đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

Triển khai mạnh mẽ ngoại giao văn hóa

“Đánh giá tình hình triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa (NGVH) từ năm 2016 đến nay” là tham luận của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, tháng 11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược NGVH đến năm 2030, trong đó xác định NGVH là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững mội trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định: Thời gian tới, tất cả các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta tiếp tục phối hợp triển khai mạnh mẽ và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược NGVH đến năm 2030, trên một số trọng tâm chính: Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế; Thúc đẩy hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị; Tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh; Lời giải cho bài toán tìm nguồn lực cho phát triển ngoại giao văn hóa chính ở phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” – họ vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác.

Hội thảo Văn hóa 2022: Khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh - Ảnh 5.

Hội thảo Văn hóa 2022 có sự tham gia của 800 đại biểu

Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình trình bày tham luận: “Chính sách và nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên – Huế” chỉ ra những bất cập, khó khăn trong thực hiện chính sách và huy động nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống như việc khoanh vùng bảo vệ di tích; nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế các di tích cần chống xuống cấp kịp thời; những khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện công tác thu hồi (hồi hương) các di vật, cổ vật, bảo vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động nguồn lực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ông Nguyễn Thanh Bình kiến nghị tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa (xây dựng, đầu tư công, đất đai...) để khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc trong vấn đề khoanh vùng bảo vệ đối với các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam và di tích đã được lập theo các quy định trước khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 có hiệu lực thi hành. Đồng thời bổ sung nội dung khuyến khích hồi cố cổ vật; xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích... để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa nhằm thu hút nhiều nguồn lực xã hội tham gia mạnh mẽ trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Nguồn nhân lực giữ vai trò cốt lõi

PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận: “Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hoá, nghệ thuật: thực trạng và giải pháp” nêu quan điểm, phát triển nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo ông Đinh Công Tuấn, trong những năm gần đây, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đã quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy, để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” thì việc thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật đạt được những đột phá về chất lượng, số lượng, cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hoá, nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay.

Ngành văn hoá, nghệ thuật là ngành đặc thù, do đó nhân lực của ngành trước hết là những người phải hiểu văn hoá, nghệ thuật. Nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật có hai đội ngũ quan trọng đó là đội ngũ quản lý và lực lượng nghệ sĩ.

"Nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật là trụ cột quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật, thành tố quan trọng trong ngoại giao văn hóa của Việt Nam. Ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại, góp phần nâng tầm và làm lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế"- ông Đinh Công Tuấn nhận định.

Sau phần trình bày tham luận của các đại biểu, Hội thảo Văn hóa 2022 phiên buổi sáng đã có phần thảo luận bàn tròn của các diễn giả, chuyên gia về việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, cơ chế thúc đẩy phát triển văn hóa, chống những nội dung văn hóa độc hại trên mạng xã hội và các nền tảng mạng.../.






Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ