• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội thảo về Giới trong Văn học và Ngôn ngữ học

04/05/2009 10:53

(Toquoc)- Buổi Hội thảo được tổ chức vào sáng 29/4 tại Khoa Ngữ văn- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Hội thảo có tính khai màn cho chuỗi các hình thức sinh hoạt học thuật liên quan về ‘Giới’ mà Khoa Ngữ văn dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức vào các năm sau, dưới dạng các cuộc Hội thảo, Tọa đàm, Nói chuyện chuyên đề, Trao đổi tư liệu hoặc Câu lạc bộ.

(Toquoc)- Buổi Hội thảo được tổ chức vào sáng 29/4 tại Khoa Ngữ văn- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Hội thảo có tính khai màn cho chuỗi các hình thức sinh hoạt học thuật liên quan về ‘Giới’ mà Khoa Ngữ văn dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức vào các năm sau, dưới dạng các cuộc Hội thảo, Tọa đàm, Nói chuyện chuyên đề, Trao đổi tư liệu hoặc Câu lạc bộ.


Trao đổi tại Hội thảo về Giới trong Văn học và Ngôn ngữ học


















Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn. Đến dự Hội thảo có nhiều nhà nghiên cứu thuộc các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Văn học… Có 8 báo cáo viên trình bày tham luận; xung quanh mỗi tham luận đều có nhiều ý kiến phản biện công tâm, khoa học... PGS. TS. La Khắc Hòa, Ths. Trần Văn Toàn, TS. Chu Xuân Giao điều hành hội thảo.

Ths. Trần Văn Toàn đặt vấn đề nghiên cứu Diễn ngôn tính dục trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam. Mở đầu tham luận, Trần Văn Toàn dựa vào quan điểm của Foucault để khẳng định: tính dục có nguồn gốc từ những thiết chế văn hóa, mang tính lịch sử chứ không phải phục thuộc hoàn toàn vào cơ chế sinh học, nó cũng không tồn tại độc lập với nhận thức của chúng ta, do vậy chúng ta khó có thể tìm hiểu về nó, kiểm soát nó. Tính dục được tạo ra (produced) bởi những diễn ngôn (discourse) nhằm hợp thức hóa những quan hệ quyền lực, nhằm thực hiện một dự đồ nào đó. Sau đó, anh phân tích các chứng cứ văn học hiện đại để chứng minh rằng, sự phức tạp của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945 một phần nào đó được phản ánh rõ nét trong việc kiến tạo những diễn ngôn khác nhau về tính dục. Nếu so sánh với văn học truyền thống ở thời điểm trước đó không xa, thì sự quan tâm đến tình dục trong văn học thời kì này đột biến về chất. Tuy nhiên, chỉ trong văn học đương đại (từ 1986 đến nay) người ta mới thấy một sự bùng nổ của tình dục trong văn học. Từ Nguyễn Huy Thiệp - Bảo Ninh - Nguyễn Bình Phương - Võ Thị Hảo - Y Ban... màu sắc tình dục ngày một đậm nét. Với Phạm Thị Hoài, tình dục trở thành một hệ qui chiếu thật sự. Có thể nói đến một xu hướng tính dục hóa (sexualization) trong văn học Việt Nam đương đại.

Ths. Nguyễn Văn Nguyên với báo cáo “Nhận diện Thân thể sáng tác trong văn học Trung Quốc”, đã góp cho Hội thảo Giới một tiếng nói, một cách nhìn về diễn ngôn tính dục khá sâu sắc. Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh: khởi thuỷ của kiểu truyện “thân thể sáng tác” có từ Cuộc sống cá nhân, Ôm mãi chuyện xưa của Trần Nhiễm, Cuộc chiến của một con người, Lời trong phòng của Lâm Bạch, sau đó không lâu, hàng loạt các type truyện tự sự về cuộc sống thầm kín của các thiếu nữ được trình làng, chẳng hạn: Tiếng rên của bươm bướm (Vệ Tuệ); Đường, Người tình muối và axit (Miên Miên. Năm 2004, Viện Văn học của Trung Quốc tổ chức hội thảo Thân thể sáng tác với thời đại tiêu dùng, quy mô toàn quốc, nhằm “bắt bệnh” cho dòng văn học “lấy thân thể làm chất liệu sáng tác”. Đa số các học giả Trung Quốc cho rằng, căn bệnh này có mấy biểu hiện sau. Thứ nhất- tự sự cuồng hoan, nhà văn mượn lời người kể chuyện để phơi bày những bí mật của thân thể, coi nữ tính là phương pháp của tu từ, miêu tả thân thể nữ giới qua chiếc gương. Thứ hai- hình thể “nóng”, tiểu thuyết “thân thể sáng tác” muốn tìm kiếm sự tồn tại của xác thịt nữ tính, và được “nữ tính hóa” một cách cực đoan nhằm đập phá thế giới thẩm mỹ vốn chịu sự thống trị của nam tính, người sáng tác miêu tả thân thể từ sự cảm nhận, quan điểm của nữ giới, đưa cơ thể nữ giới, chủ yếu ở thời điểm dậy thì, trở thành một đối tượng thẩm mỹ độc lập. Thứ ba - đại đa số những nhân vật nam trong tiểu thuyết “thân thể sáng tác” đều nhạt nhẽo, tầm thường, phẩm cách vô vị, thiếu sự vận động bản thân cả từ bề mặt lẫn chiều sâu. Thứ tư - trong các sáng tác của nữ quyền thân thể nữ giới trở thành một món thương phẩm hạ giá, một món đồ chơi hay một trò giải trí. Nói chung, các nữ tác gia nữ Trung Quốc đã vô cùng hào hứng với mục tiêu “biến cơ thể mình thành những biểu tượng”, họ hy vọng qua các tác phẩm sẽ giải thiêng những cách tiếp nhận thẩm mỹ nam tính, thực hiện ý thức chủ thể nữ tính được chuyển từ góc nhìn bị động trở thành thẩm mỹ tự giác chủ động.

Ths. Nguyễn Văn Tùng đưa ra một số nhận xét về “Hiện tượng biến đổi giới trong văn học Việt Nam trung đại”. Hiện tượng biến đổi giới được ghi chép sớm nhất trong sử sách Trung Hoa (Xuân Thu Tả truyện). Ở Việt Nam, hiện tượng biến đổi giới tính diễn ra sớm nhất vào năm 1351 đời Trần Dụ Tông, sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng giêng, người Thái Nguyên và Lạng Sơn tụ họp làm giặc cướp, đánh lẫn nhau… Mùa thu, tháng 7, nước to… Người con gái ở Thiên Cương, Nghệ An biến thành con trai (Nghệ An, Thiên Cương nữ biến thành nam). Trâu Canh có tội đáng chết, được tha” (Quyển VII). Hiện tượng biến đổi giới ở đây được xếp chung với những hiện tượng bất thường của thiên nhiên và xã hội: giặc cướp, nhật thực, nước to, Trâu Canh mắc tội... Chúng tạo thành một hệ thống những điềm triệu thể hiện sự phẫn nộ của trời đất trước nền chính trị thối nát, đạo đức vô luân và báo hiệu sự suy tàn của vương triều nhà Trần, bắt đầu từ Dụ Tông. Tác phẩm văn học sớm nhất đề cập đến hiện tượng “chuyển đổi giới tình” có lẽ là Sơn cư tạp thuật của Đan Sơn (cuối XVIII). Qua việc khảo sát hiện tượng biến đổi giới trong văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, văn học, Nguyễn Thanh Tùng rút ra được một số nhận xét thú vị về quan niệm, tâm lí giới (gender); về quan niệm, tâm lí dục tính (sexuality), nam tính (masculinity), bản sắc (identity)... trong văn học dân tộc nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.

Ths. Nguyễn Việt Hùng khảo sát hình tượng “Người phụ nữ và xã hội mẫu quyền trong Sử thi Tây Nguyên” (trường hợp Otndrong của người Mơ Nông).Theo anh: Người phụ nữ trong sử thi kế thừa ở thần thoại nét đẹp kì vĩ nhưng theo hướng dần dần hoàn thiện về đặc điểm diện mạo, thân phận và chức năng. Người phụ nữ trong sử thi, truyền thuyết bước sang truyện cổ tích với tư cách các nạn nhân khốn khổ nhất, bị ràng buộc bởi đạo đức, gia đình (người đàn bà góa, người mồ côi, người phụ nữ câm, người đàn bà xấu xí, đàn bà vọng phu…); để rồi sự đè nén đó tạo nên sức phản kháng mạnh mẽ trong chèo cổ (nữ lệch: Thị Mầu, Xúy Vân, Thiệt Thê, Đào Huế…); giải phóng luật lệ và giới tính trong truyện cười và đỉnh cao là khát vọng giải phóng thân phận, tình yêu, hôn nhân, vô cùng mạnh mẽ trong ca dao và đặc biệt trong truyện thơ.

Ths. Phạm Văn Ánh đặt ra câu hỏi “Có hay không yếu tố nữ trong bài Từ điệu Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư?”. Sau đó lí giải từ đặc trưng thể loại: t bị chế định, tòng thuộc vào âm nhạc, lời từ phải phù hợp với khúc nhạc mà nó được điền vào, đồng thời phải đáp ứng được tính “khả ca” (có thể hát được), nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí “trước chén dưới trăng” (tôn tiền nguyệt hạ); ở đó cái đẹp về mặt ngôn từ (diễm ngữ) không tách khỏi cái “diễm tình”, yếu tố duy mĩ không tách rời yếu tố duy tình;điệu từ mang giọng nữ, do ca nữ thể hiện. Tác phẩm Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư sáng tác thuộc thể từ, do vậy, tất yếu bị nữ tính hóa.

Ngoài những ý kiến nêu trên, đóng góp cho hội thảo còn có nhiều bản tham luận, mà giá trị học thuật của nó cũng rất đáng lưu ý, chẳng hạn: “Sự thay đổi màu sắc giới tính trong văn học Nhật Bản thời Heian và Kamakura (TS. Nguyễn Mai Liên), “Người phụ nữ nghe tiếng nói của chính mình trong kịch của Samuel Beckett” (Ths. Nguyễn Thùy Linh), “Sự tràn lan của văn học tình dục - một đề tài văn hóa phức tạp và khó khăn cần được hóa giải” (PGS.TS. Trần Lê Bảo), “Nhà vua giữa dòng xoáy đa chiều: truyện Hà Ô Lôi từ nhiều góc nhìn, với trung tâm là sex và vương quyền” (TS. Chu Xuân Giao).

Hà Thanh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ