• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội thảo “Xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt Nam”

03/12/2015 17:02

(Cinet)- Sáng ngày 2/12, Hội thảo “Xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt Nam” - một trong những hoạt động đáng chú ý trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIX đã được tổ chức với mục đích tìm ra phương hướng để phát triển nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Cục Điện ảnh)

(Cinet)- Sáng ngày 2/12, Hội thảo “Xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt Nam” - một trong những hoạt động đáng chú ý trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIX đã được tổ chức với mục đích tìm ra phương hướng để phát triển nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai.

Hội thảo đã được nghe 10 ý kiến tham luận của các nhà làm phim, các nghệ sỹ điện ảnh về thực trạng cũng như biện pháp để phát triển điện ảnh Việt Nam.

Với tư cách là nhà biên kịch - nhà sản xuất phim, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng: Chúng ta đã làm nhiều phim nhưng chưa biết làm thế nào để phim Việt có thương hiệu, cũng như chưa có thể biết hiện nay phim Việt đang ở đâu, có vị trí như thế nào với khán giả trong nước. Các nền điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc đã có thương hiệu riêng. Khi nói đến phim Mỹ, không chỉ chúng ta mà tất cả các nước khác cũng đều phải ngả mũ ngưỡng mộ. Có học được gì từ họ cũng là điều rất quý. Bên cạnh đó là phim Hàn Quốc vốn được nhà nước hoạch định chính sách giỏi khi nâng cao vị thế phim Hàn ra nước ngoài. Quay trở lại với phim Việt các phim Chị Tư hậu, Con chim vành khuyên… là những bộ phim Việt được làm đầy tính lãng mạn và nhân văn sâu sắc, khiến cho thế giới ngày đó biết đến phim Việt, biết đến Việt Nam từ phong cách đến lối sống. Chính những điều này làm nên vị thế phim Việt trong lòng bạn bè quốc tế. Thời mở cửa, chúng ta có những chính sách cởi mở không bó buộc, tạo điều kiện cho các nhà điện ảnh làm tốt hơn rất nhiều. Các bộ phim được đầu tư lớn hơn, nhưng tiếc thay thành công nghệ thuật lại không tỉ lệ thuận với số lượng. Cho nên cần kế thừa những đặc điểm từ thế hệ cha ông vốn đã thành công, ghi vị thế của điện ảnh VN trên bản đồ điện ảnh thế giới. Muốn xây dựng thương hiệu Việt trong phim Việt phải xây dựng câu chuyện thuần Việt hướng tới cái chung là cái thiện, cái đẹp.

Là biên kịch của khá nhiều bộ phim lịch sử, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc chia sẻ về thương hiệu phim Việt nói riêng với dòng phim lịch sử. “Khi làm phim, chúng ta nên chú chú ý đến số phận của nhân vật lịch sử, làm sao vẫn khắc họa được lịch sử mà kinh phí làm phim không tốn kém”. Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cho rằng để tạo dựng vị thế cho phim Việt Nam thì các nhà làm phim Việt Nam phải luôn cải biến, thay đổi, tìm những gì mới mẻ để điện ảnh Việt có sắc thái riêng biệt và tạo thành công trên thị trường.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì khẳng định: Một nền điện ảnh muốn ghi dấu thương hiệu của mình thì nó phải có tính dân tộc. Chúng ta không chỉ có thương hiệu phim chiến tranh trong quá khứ, mà còn là có nhiều kho vàng khác. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho rằng nếu nét văn hóa trong sản phẩm văn hóa không rõ ràng thì việc chứng minh mình với thế giới là vô nghĩa. Vì thế, thương hiệu của phim Việt Nam chỉ có thể xác lập khi chúng ta biết mình là ai.

Là đạo diễn có những tác phẩm điện ảnh được tặng thưởng tại nhiều Liên hoan phim uy tín trên thế giới, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng: Một bộ phim trình chiếu trong nước mà có thể khiến người ta rút tiền mua vé đi xem chính là mục tiêu mà chúng ta cần phấn đấu. Theo ông, muốn nâng vị thế của phim Việt Nam, cần có sự hỗ trợ của nhà nước, và biến việc này thành chủ trương, chính sách cụ thể.

Sau nhiều ý kiến tham luận, các đại biểu dường như đã tìm được tiếng nói chung đó là việc cần thiết phải nâng cao chất lượng sản phẩm điện ảnh và đẩy mạnh khâu quảng bá, phát hành phim.

Tin từ Cục Điện ảnh
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ