• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội thi Trưởng thôn thân thiện ở Hà Nội: Nhìn lại những lần tổ chức

Văn hoá 27/11/2022 20:41

(Tổ Quốc) - Sau 3 lần tổ chức Hội thi "Trưởng thôn thân thiện" cho thấy số lượng các trưởng thôn tham dự vòng chung khảo năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Như vậy có thể thấy sự hưởng ứng, lan tỏa cũng như chất lượng của Hội thi đã ngày càng tăng lên.

Nhìn lại những lần tổ chức

Năm 2013, vòng chung kết hội thi Trưởng thôn thân thiện thành phố Hà Nội do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội lần đầu tổ chức đã diễn ra trong không khí sôi nổi, ý nghĩa. 14 trưởng thôn đại diện cho các trưởng thôn ở 14 huyện ngoại thành Hà Nội đã cùng đua tài trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Năm 2018, Hội thi "Trưởng thôn thân thiện" được tổ chức ở cơ sở từ tháng 4 đến 6-2018 từ cấp xã đến cấp huyện với với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, tạo không khí sôi nổi tại cơ sở. Hội thi cấp thành phố có 17 huyện tham gia, mỗi thí sinh trải qua các phần thi: Năng khiếu, trắc nghiệm, tiểu phẩm, kiến thức.

Hội thi Trưởng thôn thân thiện ở Hà Nội: Bài 2 - Nhìn lại những lần tổ chức - Ảnh 1.

Một số tiết mục trong Hội thi Trưởng thôn thân thiện lần thứ III (ảnh: vanhoanghethuat.vn)

Hội thi "Trưởng thôn thân thiện" TP Hà Nội lần thứ III - năm 2022 được tổ chức nhằm tiếp tục tuyên truyền, quảng bá truyền thống văn hóa lịch sử của các địa phương, kết quả triển khai, thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; xây dựng nông thôn mới tại các thôn, làng. 3 Hội thi được phát động từ tháng 8/2022, với sự tham gia của 18 trưởng thôn là đại diện tiêu biểu, xuất sắc được lựa chọn từ hội thi cấp cơ sở của 18 huyện, thị xã. Qua 3 vòng sơ khảo tại 3 khu vực Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ban tổ chức đã thống nhất chọn ra 5 đại diện xuất sắc, đến từ các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây để tham gia vòng chung khảo.

Các trưởng thôn trải qua các phần thi: Giới thiệu về bản thân, năng khiếu, trắc nghiệm, trình bày tiểu phẩm. Trong phần thi tiểu phẩm, mỗi đơn vị xây dựng, dàn dựng một tiểu phẩm mà nhân vật chính là trưởng thôn nhằm thể hiện sự năng động, khả năng ứng xử, tuyên truyền của trưởng thôn trong thực tiễn công tác. Nội dung hội thi tập trung chủ yếu vào các đề tài xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, trong các sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Mỗi phần thi đều thể hiện được sự năng động, sáng tạo, tri thức của trưởng thôn đồng thời thể hiện được kỹ năng tuyên truyền, vận động, xử lý tình huống nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày tại địa bàn dân cư...

Các thí sinh đều thể hiện tốt khả năng hiểu biết về các phong trào gắn với đời sống nông thôn; khả năng ứng xử tốt; khả năng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào văn hóa – thể thao và các hoạt động nhân đạo, từ thiện; phẩm chất cá nhân nhằm nâng cao vị thế, hiệu quả công tác của trưởng thôn trong thực tiễn.

Hội thi Trưởng thôn thân thiện là một hoạt động có ý nghĩa, là dịp kiểm tra kiến thức, khả năng ứng xử, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống tại các thôn, làng của đội ngũ trưởng thôn. Hội thi cũng là cơ hội để các trưởng thôn trao đổi kinh nghiệm công tác trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đây còn là dịp giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các thôn, các cán bộ trưởng thôn trong công tác xây dựng thôn, làng văn hóa; động viên, khích lệ các trưởng thôn thêm gắn bó mật thiết với công tác địa phương, các hoạt động nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh: Hội thi là cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nói riêng. Đây cũng là dịp động viên đội ngũ làm công tác phong trào ở cơ sở, khích lệ các cán bộ cơ sở, mà cụ thể là vị trí trưởng thôn, thêm gắn bó mật thiết với phong trào, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở địa phương".

Mong muốn được tham gia nhiều Hội thi

Hội thi "Trưởng thôn thân thiện" là sự kiện thường niên, diễn ra 5 năm một lần nhằm mục đích nâng cao vai trò, vị trí của trưởng thôn trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở cơ sở.

Hội thi Trưởng thôn thân thiện ở Hà Nội: Bài 2 - Nhìn lại những lần tổ chức - Ảnh 3.

Nhiều trưởng thôn đã được ghi nhận những đóng góp của mình qua Hội thi cũng như thực tiễn công tác (ảnh: vanhoanghethuat.vn)

Sau 3 lần tổ chức Hội thi "Trưởng thôn thân thiện" cho thấy số lượng các trưởng thôn tham dự vòng chung khảo năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Như vậy có thể thấy sự hưởng ứng, lan tỏa cũng như chất lượng của Hội thi đã ngày càng tăng lên.

Đáng chú ý, Hội thi được kéo dài nhiều tháng, qua nhiều cấp cơ sở đã thực sự trở thành sân chơi bổ ích cũng như cơ hội được giao lưu, học hỏi của tất cả các trưởng thôn trên địa bàn Hà Nội. Hội thi lần thứ 3 vừa diễn ra đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Nội. Rất nhiều báo chí từ trung ương tới địa phương cũng cập nhật đưa tin về Hội thi lần thứ 3 nhiều hơn so với Hội thi hai lần trước đó. Điều này cho thấy Hội thi đã thực sự có ý nghĩa, không chỉ là "món ăn tinh thần" của hoạt động quần chúng mà còn có tính thực tiễn, động viên, khích lệ và ghi nhận những người làm trưởng thôn tại Hà Nội.

Tuy nhiên, một số trưởng thôn chia sẻ họ mong muốn Hội thi có thể rút ngắn thời gian tổ chức ở mỗi lần hơn, có thể còn 3, hoặc 4 năm tổ chức thay vì 5 năm như hiện nay. Bởi nếu 5 năm tổ chức một lần có thể có trưởng thôn sẽ không có cơ hội được tham dự Hội thi..

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ