(Tổ quốc) - “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” là sản phẩm mở ra cơ hội hợp tác nghệ thuật giữa các nghệ sĩ Singapore và Việt Nam
(Tổ quốc) - Bukit Merah – một câu chuyện sử thi hào hùng của Singapore được chuyển thể thành các vở kịch, kịch múa, kịch hát Trung Hoa trong nhiều năm qua lần đầu tiên được chuyển thể sang kịch bản Tuồng của Việt Nam với tên gọi “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” và do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện
Hình ảnh trong vở diễn "Huyền thoại ngọn đồi đỏ". Ảnh: Gia Linh |
Kịch bản ngoại – làn gió mới cho Tuồng
Chuyện kể rằng nhiều năm về trước, vùng biển Singapura là nơi trú ẩn của loài cá kiếm hung dữ. Đây là nỗi đau đầu của Quốc Vương. Nadim (14 tuổi) đã gợi ý cho Quốc Vương xây dựng một hàng rào từ thân cây chuối để bẫy cá kiếm. Kế hoạch thành công, mũi kiếm sắc của cá kiếm bị mắc vào thân cây chuối. Dân làng biết ơn, Quốc Vương trọng thưởng cho Nadim. Tuy nhiên, Tể tướng đố kị lo âu rằng Nadim khôn lớn và tước đi tước vị của hắn. Hắn nghĩ kế triệt tiêu Nadim. Một ngày muộn vào đêm, Tể tướng có mặt tại Hoàng cung với mục đích giao thư của kẻ phản bội tới Quốc vương để thuyết phục Quốc Vương rằng Nadim là kẻ không đáng tin và phải bị bắt giữ. Những đố kị và ghen tuông đã bóp chết các tài năng và khiến xã hội mất đi sự ổn định.
Một dân làng tên Hassan bị trọng thương do cá kiếm đâm phải đã báo động cho Quốc vương về sự khẩn cấp của vấn đề. Ảnh: Gia Linh |
Đây cũng là vở diễn được Nhà hát Tuồng Việt Nam lên kế hoạch từ năm 2017 và phối hợp cùng TS Chua Soo Pong để xây lại kịch bản Bukit Merah. Đạo diễn NSƯT Đặng Bá Tài cho biết, chủ trương của lãnh đạo nhà hát cùng với ekip sáng tạo là thống nhất sử dụng chất liệu và ngôn ngữ của sân khấu tuồng để thể hiện vở diễn.
Điều đặc biệt là về hình thức sân khấu, văn hóa vùng đất Singapore từ trang phục, âm nhạc được thể hiện rõ nét nhưng tâm hồn và nghệ thuật biểu diễn thì là của con người Việt Nam, được truyền tải bằng nghệ thuật Tuồng truyền thống của Việt Nam. Như chúng ta thấy vẫn là nhân vật như Nadin hay già làng, về hình thức, quần áo, âm nhạc, các điệu múa là của Singapore nhưng tâm hồn thì là của người Việt và được thể hiện qua sân khấu Tuồng với đủ các cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố … Các nguyên tắc của sân khấu Tuồng trong từng tình huống vẫn được sử dụng nhuần nhuyễn, ví dụ như khi buồn thì diễn viên sẽ sử dụng những làn điệu như hát Nam, khi muốn chia sẻ với nhau thì sẽ dùng những bản hát Khách…
Dấu ấn của hai nền văn hóa được khắc họa qua từng lớp diễn, từng nhân vật, qua đó, có thể thấy sân khấu Tuồng Việt Nam có thể sử dụng các kịch bản ngoại để truyền tải các vấn đề xã hội, đồng thời mở ra thêm nhiều ý tưởng về kịch bản cho các vở diễn của loại hình nghệ thuật này thay vì các vở diễn đã quen thuộc. Tất nhiên, trong vở “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” tác giả Sỹ Chức đã chuyển thể lại thành một kịch bản của sân khấu Tuồng với từng tình tiết, màn diễn nhằm truyền tải ý nghĩa của tác phẩm.
Dải lụa xanh như làn nước tạo ra hoạt cảnh bắt cá kiếm vừa thú vị về âm nhạc, vừa thích thú về mắt nhìn và mang lại cảm xúc về một cuộc chiến gay gắt giữa con người và đại dương. Ảnh: Gia Linh |
Mặt khác, sân khấu nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng thiên về trường phái “ước lệ tả ý”. Với “Huyền thoại ngọn đồi đỏ”, đây là vở diễn có tính huyền thoại, các nghệ sĩ phải sử dụng những thủ pháp để thể hiện. “Nếu chỉ có âm nhạc không cũng có thể thể hiện hiện tượng bão hoặc mưa, nhưng bằng con mắt thể hiện chúng tôi sử dụng cái quạt để vừa thể hiện cành cây, vừa thể hiện những suy nghĩ, những tác động của thiên nhiên, thậm chí chính là những cảm xúc của con người trong từng hoàn cảnh kịch. Vì vậy, việc tìm ra một thủ pháp dàn dựng đã truyền tải khá nhiều tính huyền thoại của vở diễn”. – Đạo diễn Đặng Bá Tài cho biết.
Như trong “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” phiên bản Singapore có sử dụng nhiều làn điệu múa truyền thống, đặc biệt lớp bắt cá, họ làm rất thực, còn đối với phiên bản Việt đã được thể hiện theo tính ước lệ. Dải lụa xanh như làn nước tạo ra hoạt cảnh bắt cá kiếm vừa thú vị về âm nhạc, vừa thích thú về mắt nhìn và mang lại cảm xúc về một cuộc chiến gay gắt giữa con người và đại dương.
Dù là vở diễn theo kịch bản ngoại, nhưng “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” vẫn sử dụng ngôn ngữ văn học của Việt Nam, kết hợp với các động tác đặc trưng của nghệ thuật Tuồng, sự thể hiện của diễn viên để truyền tải nội dung vở diễn đến khán giả, để dù là người Singapore hay Việt Nam đều có thể cảm nhận.
Hình ảnh trong vở diễn. Ảnh: Gia Linh |
Mở thêm cơ hội đổi mới và hợp tác nghệ thuật
Phiên bản Việt của sử thi Bukit Merah với tên gọi “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” kịch bản của TS Chua Soo Pong (Singapore), chuyển thể kịch bản tuồng bởi Sỹ Chức, đạo diễn bởi NSƯT Đặng Bá Tài, âm nhạc dàn dựng bởi NSƯT Lê Trần Vinh cũng là sản phẩm mở ra cơ hội hợp tác nghệ thuật giữa các nghệ sĩ Singapore và Việt Nam. Trước đó, đạo diễn, TS Chua Soo Pong cũng đã phối hợp cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng vở “Dưới bóng đa huyền thoại” và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Với vở “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” đã được dàn dựng qua nhiều loại hình sân khấu, nhưng đạo diễn, TS Chua Soo Pong lại ấn tượng với phiên bản do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện, đặc biệt là ý tưởng dùng quạt để làm cây, hay áp dụng những điệu múa của Tuồng để diễn tả các động tác, và sử dụng ngôn ngữ một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam – nghệ thuật Tuồng để thể hiện một câu chuyện sử thi của Singapore.
TS Chua Soo Pong. Ảnh: Gia Linh |
“Đây là một câu chuyện dân gian rất lâu đời của Singapore đã được biểu diễn ở rất nhiều nơi. Sự hợp tác này đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore. Tôi mong nghệ sĩ Việt Nam và Singapore sẽ có nhiều cơ hội để cùng hợp tác, cùng nhau tiến bộ.” – TS Chua Soo Pong chia sẻ.
Một câu chuyện từ các nền văn hóa khác nhau trong cùng một thể loại sân khấu truyền thống nhằm thúc đẩy các nghệ sĩ và khán giả theo dõi các thể loại nghệ thuật quen thuộc với góc nhìn mới và tiếp thu các ý tưởng mới.
Dự kiến, sau hai buổi diễn ra mắt khán giả, đầu tháng 10, “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” sẽ tham gia biểu diễn tại Singapore và kế hoạch xa hơn là tham gia các Festival quốc tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc… Từ đó, giới thiệu nghệ thuật Tuồng Việt Nam đến gần hơn với khán giả quốc tế./.
Gia Linh