• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Giữ gìn và phát triển nền văn hóa - nghệ thuật dân tộc

04/05/2010 09:20

Tháng 5/2010, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam sẽ tiến hành Ðại hội nhiệm kỳ VI. Và trong năm năm qua, với sự nỗ lực của Ban chấp hành hội và các hội viên, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích, đóng góp vào việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc...

Tháng 5/2010, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam sẽ tiến hành Ðại hội nhiệm kỳ VI. Và trong năm năm qua, với sự nỗ lực của Ban chấp hành hội và các hội viên, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích, đóng góp vào việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc...

Từ nhận thức về mối quan hệ giữa sự phát triển xã hội theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa với di sản văn hóa văn nghệ dân gian, từ nhiệm kỳ V, Hội Văn nghệ dân gian đã soạn thảo kế hoạch Tầm nhìn 2010, giao cho các chi hội, tỉnh thành hội thực hiện trong phạm vi địa phương. Tính đến cuối năm 2009, đã có hơn 30 tỉnh hoàn thành kế hoạch Tầm nhìn 2010. Các thông tin về thực trạng di sản văn hóa - văn nghệ dân gian đã được tổng kết và in trong cuốn sách Tổng kiểm kê di sản văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam (Tập I).

Cùng với Tầm nhìn 2010, Hội đã ban hành quy chế và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các vị nghệ nhân đầu đàn. Hội nhận thức rằng, văn hóa - văn nghệ dân gian chủ yếu được lưu giữ bằng trí nhớ và được thực hành thông qua trình diễn. Ðây là hình thức văn hóa thuộc sở hữu cộng đồng làng xã hay phường hội. Mỗi thành viên cộng đồng đều có thể biết và thực hành vốn văn hóa - văn nghệ đó. Tuy nhiên, trong cộng đồng bao giờ cũng xuất hiện những người quy tụ trong họ toàn bộ vốn liếng, tài năng sáng tạo, tài thực hành với trình độ cao và có khả năng truyền dạy cho lớp trẻ của cộng đồng. Họ được toàn cộng đồng coi như biểu tượng, là người đầu đàn. Ðồng thời bằng tài năng và trí nhớ của mình, họ, các nghệ nhân, đã lưu giữ vốn di sản văn hóa - văn nghệ dân gian của cộng đồng và trao truyền cho thế hệ sau. Công lao đó xứng đáng được xã hội, cộng đồng và các cơ quan hữu trách ghi nhận tôn vinh. Tính đến nay, theo đề nghị của các chi hội, tỉnh, thành hội, Ban chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu cho 120 vị nghệ nhân ở các vùng miền trong cả nước. Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian được hưởng ứng nhiệt liệt, góp phần nâng cao vai trò của nhân dân trong khi giữ gìn và kế thừa di sản văn hóa. Ở những nơi có nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, vốn di sản văn hóa của địa phương đều được khôi phục, thực hành, truyền dạy và duy trì. Các đồng chí lãnh đạo Ðảng và chính quyền ở xã, huyện, tỉnh rất trân trọng và có những chính sách cũng như sự trọng thị đối với các nghệ nhân.

Các nghệ nhân không chỉ góp phần khôi phục, truyền dạy mà còn là người chủ chốt duy trì những hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian ở cơ sở. Trong nhiều trường hợp, khi công tác điều tra phát hiện một di sản có nguy cơ mai một nhưng vẫn còn một vài nghệ nhân cao tuổi còn khả năng hoạt động, Hội cùng chính quyền địa phương tổ chức để các cụ truyền dạy lại cho con cháu và làm sống lại di sản.  Sau đó thành lập câu lạc bộ để quy tụ và đưa di sản tham gia hoạt động văn hóa ở cơ sở. Bằng cách này, cộng với sự giúp đỡ kinh phí, trong năm năm qua đã có 105 di sản thuộc các loại hình văn hóa - văn nghệ dân gian của các dân tộc Việt Nam trong cả nước thoát khỏi nguy cơ mai một, được khôi phục và duy trì cũng với sự dẫn dắt hết lòng của các nghệ nhân. Ðây chính là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong dạng "sống" và do chính tác giả xưa của chúng, tức nhân dân thực hiện.

Ðặc biệt, sau mấy chục năm hoạt động, hội viên của Hội Văn nghệ dân gian đã hoàn thành hàng nghìn công trình sưu tầm nghiên cứu, một số trong đó được lưu giữ ở Văn phòng Hội dưới dạng bản thảo. Ðược sự cho phép của Ban Bí thư Trung ương, Hội tiến hành triển khai dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa - văn  nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam nhằm trước mắt chọn lọc từ 1.000 đến 2.000 trong số các công trình đang lưu giữ ở Hội. Dự án sẽ được thực hiện trong thời hạn 10 năm. Ðược sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành hữu quan, sau quá trình thẩm định, dự án đã được Chính phủ phê duyệt. Cho đến ngày 31-12-2009, Dự án đã xuất bản được 70 đầu sách.

Cùng với các công việc trên, trong năm năm qua, Hội đã kết nạp được 105 hội viên, số hội viên trẻ được kết nạp vào hội ngày càng nhiều, nhưng việc kết nạp vẫn được tiến hành cẩn trọng và chú ý đến chất lượng. Lực lượng hội viên hiện nay có thể chia thành các nhóm lớn, mỗi nhóm có khả năng đáp ứng chủ yếu một trong những nhiệm vụ chính trị - nghề nghiệp của Hội. Vì thế, đã hình thành các nhóm hội viên có liên quan tới công việc cụ thể. Nhóm sưu tầm là lực lượng đông đảo nhất, chủ yếu là các hội viên ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các hội viên người dân tộc thiểu số. Nhóm hội viên đang công tác ở các viện nghiên cứu, trường đại học, là giáo viên THPT hoặc cán bộ, chuyên viên các cơ quan văn hóa ở trung ương và địa phương. Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo quản lý, các hội viên ở nhóm này thiên về việc thực hiện các công trình có tính chất lý luận, tổng kết, hoặc hệ thống hóa và hoàn thành một số công trình dày dặn, trong đó có các công trình tra cứu có tính chất công cụ như bộ sách Tổng tập văn học dân gian người Việt (2002-2006) gồm 19  tập; Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (2007-2010) gồm 23 tập. Nổi bật nhất là Dự án Ðiều tra sưu tầm, bảo quản biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên của Viện Văn hóa thuộc Viện Khoa học xã hội quốc gia mà người thực hiện gồm phần lớn các hội viên của Hội Văn nghệ dân gian. Dự án đã công bố 75 tác phẩm sử thi trong 62 tập sách, mỗi tập sách dày hàng nghìn trang khổ lớn, được xếp vào là "một trong những sự kiện tiêu biểu về văn hóa nghệ thuật; đồng thời cũng là một trong mười sự kiện tiêu biểu về khoa học công nghệ trong năm 2007". Trong phong trào cả nước hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã hoàn thành nhiều công trình dày dặn như: Phần về văn hóa dân gian trong Tổng tập Văn hiến Thăng Long Hà Nội, Hội làng Thăng Long Hà Nội, Sự tích các thần Thăng Long Hà Nội, Chợ Hà Nội xưa và nay, Văn hóa ăn uống của người Hà Nội... và những chuyên khảo hàng nghìn trang của một số hội viên lão thành như cụ Vũ Tuân Sán, cụ Nguyễn Vinh Phúc.

Cũng trong năm qua, Hội Văn nghệ dân gian đã cho ra đời các cụm công trình mô tả và nghiên cứu, giới thiệu về toàn bộ nền văn hóa dân gian của một tộc người nào đó, như: cụm công trình của ông Hoàng Trần Nghịch, của bà Lường Thị Ðại và ông Lò Xuân Hinh, của bà Ðặng Thị Oanh về văn hóa dân gian Thái Ðen ở Tây Bắc và Ðiện Biên; cụm công trình về văn hóa dân gian dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình của nhà nghiên cứu quá cố Bùi Thiện; cụm công trình về văn học dân gian Huế của ông Triều Nguyên; cụm công trình về văn hóa văn học dân gian dân tộc Mường ở Thanh Hóa của các tác giả Hoàng Anh Nhân, Vương Anh, Cao Sơn Hải, Mai Hồng Hải, Trương Văn Nhói; cụm công trình về văn hóa dân gian tộc Mường ở Sơn La của nhà nghiên cứu Ðinh Văn Ân; cụm công trình về văn hóa dân gian tộc người Rắc Glây của nhà nghiên cứu Hải Liên; công trình về Ðờn ca Tài tử về văn hóa - văn nghệ dân gian Khmer của các hội viên và tập thể chi hội các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang..., các công trình về văn hóa dân gian dân tộc Xtiêng, Châu Chơ Ro của các chi hội Bình Dương, Ðồng Nai; các cụm công trình về văn hóa dân gian tộc người Kháng, người Mảng, người La Hả của tập thể chi hội Lào Cai. Các cụm công trình này đều có dung lượng từ 1.000 đến 4.000 trang. Ðặc biệt phải kể đến công trình ghi âm, ghi hình toàn bộ 13 đêm diễn xướng Ðẻ đất - Ðẻ nước, được lưu lại trong 70 đĩa hình DVD của nhà nghiên cứu quá cố Bùi Chỉ. Nhờ có công trình này, chúng ta biết được diện mạo tổng thể của sử thi Ðẻ đất - Ðẻ nước, một tác phẩm mà trước kia chúng ta mới chỉ tiếp cận phần văn học. Tác giả của các cụm công trình này, ngoài một vài vị cao niên, còn lại đều là ở lứa tuổi 40 - 50, lứa tuổi được coi là sung sức nhất trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ dân gian. Sự xuất hiện các cụm công trình và các tác giả là sự khởi sắc, đánh dấu sự chuyển biến về chất trong trình độ nghề nghiệp cũng như trong đội ngũ hội viên của Hội Văn nghệ dân gian.

Trong nhiệm kỳ tới, Hội văn nghệ dân gian sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung và tinh thần Nghị quyết Về xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong tình hình mới của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và các Nghị quyết khác của Ðảng và Chính phủ về văn học - nghệ thuật, tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị, khắc phục khó khăn, thực hiện với mức cao nhất và chất lượng tốt nhất công tác sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy và phổ biến vốn văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam. Hội sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch Tầm nhìn 2010; tiếp tục phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, tập trung nguồn lực, tổ chức tốt và thực hiện đúng tiến độ, quy chế Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam; khuyến khích và tạo điều kiện tinh thần, vật chất để cá nhân và tập thể hội viên thực hiện các công trình có tầm khái quát hoặc nghiên cứu sâu về các đặc trưng của văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam; tiếp tục bồi dưỡng để kết nạp hội viên mới; tăng cường, mở rộng mối quan hệ liên kết, phối hợp song phương, đa phương với các cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan ở trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành công tác của Hội cũng như của hội viên...

 

Theo ND

NỔI BẬT TRANG CHỦ