(Tổ Quốc) - Ngày 13/1, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG VN) tỉnh Quảng Ninh thông tin về việc tổ chức Lễ khai hội xuân Yên Tử 2023. Điểm nhấn của lễ hội là sự tham gia của gần 5.000 tăng ni, Phật tử, khách hành hương với nhiều nghi thức văn hóa, tâm linh.
- 28.11.2022 1 ngày trải nghiệm Làng Nương Yên Tử thú vị cùng gia đình nhỏ với chi phí hợp lý
- 23.09.2022 Xem xét điều chỉnh tên gọi hồ sơ đề nghị công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử là di sản thế giới
- 03.09.2022 Lạ lùng và lặng lẽ như Cafe Yên: Từ quán nhỏ trong ngõ tăng lên chuỗi 7 quán
- 05.05.2022 Bí ẩn chùa Đồng - "Phúc địa thứ 4 của Giao Châu" nơi non thiêng Yên Tử
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng ban trị sự GHPG VN tỉnh Quảng Ninh, cho biết lễ khai hội và hội xuân Yên Tử năm nay được tổ chức vào sáng ngày 31/1 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Quý Mão) và kéo dài suốt 3 tháng đầu năm.
Lễ khai hội đón khách tham quan khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là hoạt động văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của Khu di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
“Lễ khai hội và hội xuân Yên Tử năm nay là sự phục hồi sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động lễ hội bị gián đoạn, người dân không có điều kiện thể hiện niềm tin tín ngưỡng”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ.
Ngoài phần chính là lễ và hội, chương trình khai hội xuân Yên Tử còn có các hoạt động văn hóa liền kề như Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; Biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; Tổ chức các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; Trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; Văn hóa Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
“Điểm nhấn năm nay là những khóa lễ phục vụ khách du lịch hành hương lễ Phật ban đêm tại Yên Tử. Tận dụng không gian linh thiêng, trầm mặc vào ban đêm của Yên Tử để tạo nên một giá trị riêng cho khách hành hương đến với thánh địa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”, hòa thượng Thích Đạo Hiển chia sẻ.
Phần lễ khai hội gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như: Gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu Quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay hứa hẹn mang đến cho du khách không khí xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; Biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; Tổ chức các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; Trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; Văn hóa Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
Về Khu di tích và danh thắng Yên Tử hành hương lễ Phật, nhân dân và du khách không chỉ được hòa mình với thiên nhiên, ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của dãy núi Yên Tử mà còn có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm du lịch như spa chăm sóc sức khỏe từ các bài thuốc của đồng bào Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử; ẩm phẩm đặc trưng của thành phố cùng các địa điểm check đẹp, ấn tượng như: Đỉnh Phượng Hoàng – Phường Bắc Sơn, đỉnh Bình Hương – phường Vàng Danh, khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung, vườn hoa...
Theo Ban tổ chức, hiện nay công tác chuẩn bị, tổ chức, phục vụ Lễ hội đã được triển khai khẩn trương, đồng bộ, đúng kế hoạch như: công tác đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, chống ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ, công tác quy hoạch khu vực bố trí các dịch vụ phục vụ, công tác chỉnh trang di tích, tăng cường ánh sáng, công tác trang trí khánh tiết, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, trực cấp cứu...
Theo BTC, dự kiến sẽ có hơn 1 triệu phật tử, nhân dân và khách du lịch về Yên Tử trong thời gian Hội Xuân Yên Tử./.