• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hơn 10 triệu lượt khách tham quan các mô hình du lịch canh nông ở Lâm Đồng

Du lịch 18/10/2024 11:40

(Tổ Quốc) - Các mô hình du lịch canh nông ở Lâm Đồng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách. Từ năm 2018 đến nay, tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh này đạt hơn 10 triệu lượt khách.

Hơn 10 triệu lượt khách tham quan các mô hình du lịch canh nông

Theo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2644 phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh vào năm 2015, những thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp đã được phát huy để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Lâm Đồng địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, sau khi thẩm định và công nhận điểm du lịch canh nông cho 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, sản phẩm du lịch canh nông đã từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Mô hình du lịch canh nông phần lớn tập trung tại TP. Đà Lạt với 23 mô hình, huyện Đức Trọng có 3 mô hình, Lâm Hà có 2 mô hình, Lạc Dương 2 mô hình, các huyện Đơn Dương, Bảo Lâm và Đạ Huoai mỗi huyện có 1 mô hình.

Đặc biệt, cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông. Cuộc sống của người dân trong vùng ổn định, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; môi trường cũng được quan tâm bảo vệ. Tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay đạt hơn 10 triệu lượt khách; giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại các địa phương, trong đó có khoảng 150 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Người dân hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông - Ảnh 1.

Lâm Đồng triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp giúp tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Ảnh: Như Xuân

Các mô hình đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách đến với tỉnh ngày càng nhiều, đồng thời kích thích chi tiêu của khách du lịch ở mức cao hơn và tăng thời gian lưu trú của du khách.

Tại khu phố Hồ Xuân Hương (TP. Đà Lạt) có 5 đơn vị tham gia mô hình du lịch canh nông, trong đó 4 đơn vị được công nhận. Các hộ dân cũng liên kết với một số đơn vị cung cấp dịch vụ để phục vụ nhu cầu ăn uống và lưu trú của khách tại khu phố này. Các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình du lịch canh nông đã tích cực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và đã đón khoảng 2 triệu lượt khách là các đoàn khảo sát, cơ quan báo đài, các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh cũng như khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Với mô hình du lịch canh nông tuyến Trại Mát - P.11- TP. Đà Lạt, các mô hình tại tuyến cũng đón trên 2 triệu lượt khách là các đoàn khảo sát, các công ty lữ hành, khách du lịch trong và ngoài nước, tham quan các khu vực trồng hoa, rau, trà; tham gia các hoạt động trải nghiệm canh tác theo mô hình công nghệ cao, thu hoạch rau, chế biến các món ăn đặc trưng từ rau, củ, quả của địa phương.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, triển khai Quyết định số 2644 của UBND tỉnh, nhiều cơ chế chính sách, dự án đầu tư về du lịch canh nông đã được ra đời để định hướng phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu của Đề án.

Sở cũng tổ chức các hội nghị, tọa đàm nhằm trao đổi tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các ngành, địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ đã tích cực phối hợp triển khai Đề án, tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế triển khai và giúp cho việc nhân rộng phát triển các mô hình du lịch canh nông, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch canh nông

Ông Kiên nhận xét loại hình du lịch canh nông giúp cho nông sản được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ góp phần xây dựng thương hiệu và đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời cũng góp phần giữ gìn và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, bước đầu đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn thừa nhận việc triển khai mô hình du lịch canh nông trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, dù đã có nhiều sự nỗ lực từ các hộ nông dân cũng như phía cơ quan quản lý nhà nước.

Người dân hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông - Ảnh 2.

Du khách tham quan, trải nghiệm vườn hồng ở TP. Đà Lạt. Ảnh: Như Xuân

Vì là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp; nên Lâm Đồng hiện vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch canh nông, dẫn đến quản lý loại hình du lịch canh nông tại tỉnh theo Đề án thí điểm gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp. Nhất là tiêu chí về xây dựng, tỷ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp,... Phát triển du lịch canh nông còn mang tính tự phát ở nhiều địa phương chưa có quy hoạch cụ thể.

Ngoài ra, một số mô hình còn gặp khó khăn trong phương pháp vận hành; chưa liên kết các sản phẩm, dịch vụ thành quy trình khép kín phục vụ khách tham quan; chưa bố trí khu vực riêng cho du khách trải nghiệm tìm hiểu quy trình trồng và chế biến sản phẩm. Sản phẩm du lịch chưa rõ tính đặc trưng và thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành cộng tác để đưa khách đến tham quan.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi định hướng trong kinh doanh nên hiện nay có 14/33 mô hình kinh doanh du lịch canh nông đã được công nhận ngừng hoạt động. Cùng với đó, sau khi Lâm Đồng chấm dứt hiệu lực thi hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2023 vì không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định liên quan đến loại hình du lịch canh nông, hiện chỉ có 3 điểm du lịch có sản phẩm du lịch canh nông được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận.

Đề xuất giải pháp phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Kiên nhấn mạnh: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có tiềm năng nghiên cứu áp dụng để phát triển sản phẩm du lịch canh nông theo đúng quy định của pháp luật, cần kịp thời hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch canh nông. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển du lịch canh nông và huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch canh nông.

Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh Nghị quyết 198 ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh Lâm Đồng cho phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.

Đức Thảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ