(Tổ Quốc) - Sáng ngày 25/3, tại TP Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Khởi công công trình Bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên. Đây là công trình gắn liền với danh nhân có công rất lớn trong việc phát triển thơ văn, tuồng, Ca Huế.
Theo Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (Ưng Bình là tên, hiệu là Thúc Giạ Thị) sinh ra tại làng Vỹ Dạ, trong một gia đình hoàng tộc, có truyền thống văn chương. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt và chữ Hán. Ngoài ra, ông còn được biết đến là nhà soạn tuồng tài ba.
Không chỉ là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng, Ưng Bình còn là người có công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển Ca Huế thính phòng. Nhờ những sáng tác, những làn điệu Ca Huế của ông mà sinh hoạt Ca Huế của người dân xứ Huế trở nên đặc sắc và được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.
Năm 1933, sau khi rời chốn quan trường, Ưng Bình mua lại mảnh vườn tọa lạc bên sông Hương ở thôn Vỹ Dạ (nay thuộc thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tại đây, ông đã cho xây dựng một ngôi nhà rường ba gian hai chái, về sau có thêm một số công trình phụ trợ. Mảnh vườn này được ông gọi tên là Châu Hương Viên (hay vườn Châu Hương) và gắn bó những năm cuối đời với thi ca.
Được đánh giá là công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa, ngày 26/12/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 3331/QĐ-UBND xếp hạng di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên là di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) cấp Tỉnh. Năm 2021, di tích được giao cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.
Ngày 1/10/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 2461/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên với nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục: Tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại toàn bộ di tích gốc bao gồm nhà chính, nhà phụ, bình phong; Cải tạo, chỉnh trang sân vườn mặt trước và khu vực xung quanh khuôn viên; Xây dựng hệ thống cấp thoát nước; Lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, PCCC, chống sét, nhà vệ sinh…
Sau khi được tu bổ, tôn tạo, tại di tích này dự định sẽ trưng bày một số hình ảnh, sách báo. Biến đây trở thành một địa chỉ sinh hoạt của các câu lạc bộ thơ, các chương trình biểu diễn Ca Huế. Ngoài ra, sẽ kết hợp đưa vào các tour tuyến phục vụ khách du lịch. Đây cũng chính là mong muốn của các văn nghệ sĩ Huế và nhiều người yêu mến danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị.