• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hơn 100 cán bộ Trung ương quản lý bị kỷ luật là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho những ai đang có ý đồ chạy chức, chạy quyền

Thời sự 24/12/2020 09:40

(Tổ Quốc) - Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực, vận động không lành mạnh vì lợi ích cá nhân tại Đại hội Đảng 13 sắp tới.

Hơn 100 cán bộ Trung ương quản lý bị kỷ luật là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho những ai đang có ý đồ chạy chức, chạy quyền - Ảnh 1.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: VOV

Nên dẹp bỏ ý định vận động không lành mạnh

Nói về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, không chỉ một lần mà rất nhiều lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói đến việc kiên quyết đấu tranh với hiện tượng vận động không lành mạnh.

“Ông còn chỉ rõ cách thức vận động như quà cáp, biếu xén, nhờ doanh nghiệp gọi điện, nói trắng ra là đút lót. Có thể thấy rằng, lời nhắc nhở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định chủ trương kiên quyết phòng và đấu tranh với những việc làm tiêu cực, sai trái có thể xảy ra tại Đại hội XIII” - ông Vũ Quốc Hùng nêu quan điểm.

Để nhận diện tiêu cực trong thời điểm bùng nổ công nghệ hiện nay, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, mọi hoạt động trên không gian mạng đều lưu lại dấu vết, vì thế chỉ có không làm gì thì mới không để lại dấu vết.

“Nếu ai đó đã có ý đồ đen tối thì họ sẽ có muôn vàn cách để vận động không lành mạnh. Nhưng tôi tin rằng chúng ta có đủ hàng rào kỹ thuật để ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực đó. Những người đã và đang có ý định vận động không lành mạnh thì tốt nhất nên dẹp bỏ ý định đó.” - ông Vũ Quốc Hùng nói.

Nhắc lại việc hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng đó chính là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho những ai đang có ý đồ chạy chức chạy quyền.

Về quy chế bầu cử tại Đại hội sắp tới, ông Vũ Quốc Hùng nêu quan điểm cần được làm chặt chẽ từ việc chuẩn bị cho đến triển khai phải được giám sát hiệu quả với một thành phần rộng rãi hơn. Đối tượng giám sát càng rộng thì những hành vi tiêu cực sẽ bị hạn chế triệt để.

Phải áp dụng hình thức kỷ luật ngay

Cũng tại Hội nghị Trung ương 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vận động “không lành mạnh” là việc làm rất xấu, ai làm điều này thì không xứng đáng làm Ủy viên Trung ương, là đại biểu dự Đại hội.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, để phòng tránh được tiêu cực cần phải xây dựng quy chế, tiêu chuẩn và quy định cụ thể để nhận diện những hành vi tiêu cực. Đặc biệt là phải áp dụng hình thức kỷ luật ngay nếu phát hiện ra những sai phạm.

Ngoài ra, một vấn đề cũng quan trọng không kém đó chính là tinh thần, ý thức của các đại biểu dự Đại hội. “Mỗi đại biểu phải ý thức được vai trò, trách nhiệm trong việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới” - ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, trên thực tế, dư luận từng nhiều lần "râm ran" về tình trạng vận động phiếu bầu ở vị trí này, vị trí kia, việc đó đã tạo nên sự phản cảm và sự phản ứng rất mạnh mẽ trong quần chúng, nhân dân.

Vì thế, chúng ta nên khuyến khích việc trao đổi thẳng thắn, dân chủ và khách quan để lựa chọn những cán bộ đủ đức, đủ tài để góp phần xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hơn.

“Tuy nhiên, phải phân biệt rạch ròi là điều này khác hẳn những chuyện vận động không lành mạnh” - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói.

Ngày 23/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định 205 nhấn mạnh, hành vi chạy chức, chạy quyền đó là, tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Cũng trong Quy định này, Bộ Chính trị nêu rõ các hành vi bao che, tiếp tay cho việc chạy chức, chạy quyền là: biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thỏa hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình… Trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng. Tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền nêu trên. Các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ