• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hơn 13.500 đảng viên được sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng thông qua hình thức khai trừ hoặc xóa tên

Thời sự 13/01/2022 17:13

(Tổ Quốc) - Thực hiện việc rà soát, sàng lọc đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 28 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 02 của Ban Tổ chức Trung ương, đến nay có hơn 13.500 đảng viên được sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng thông qua hình thức khai trừ hoặc xóa tên.

Hơn 13.500 đảng viên được sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng thông qua hình thức khai trừ hoặc xóa tên - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VOV

Sáng nay 13/1, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, trực tuyến tại 65 điểm cầu trên cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng cùng quan tâm, phối hợp chỉ đạo tiếp tục tạo sự chuyển biến trong công tác tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2022.

Nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bà Trương Thị Mai cho rằng, ngành Tổ chức xây dựng Đảng muốn làm tròn trách nhiệm phải nghiên cứu, tham mưu có hiệu quả, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức xây dựng Đảng với 3 đột phá.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ; Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo; Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Bà Trương Thị Mai cũng cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng như luân chuyển cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ; phân cấp quản lý, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 và một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18; lấy phiếu tín nhiệm trong đảng...

Đề cập đến một số cơ chế, chính sách theo Kết luận số 21 về đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bà Trương Thị Mai cho biết sắp tới sẽ trình một số cơ chế, chính sách như thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để bầu cử, bổ nhiệm làm cấp phó; Bí thư cấp ủy giới thiệu ủy viên thường vụ để bầu; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch; miễn nhiệm cấp dưới trực tiếp...

“Đặc biệt, Bộ Chính trị sẽ lần đầu tiên xem xét, quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị trong giai đoạn 2022-2026 và quy định về quản lý biên chế” - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng vị trí việc làm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả tinh giản biên chế của toàn hệ thống chính trị đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, khắc phục được tình trạng tăng biên chế trong nhiều nhiệm kỳ.

Tính đến thời điểm 30/6/2021, cả hệ thống chính trị có hơn 2,8 triệu biên chế, giảm hơn 762.800 biên chế (tương đương 20,9%) so với thời điểm 30/4/2015.

Thực hiện việc rà soát, sàng lọc đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 28 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 02 của Ban Tổ chức Trung ương, đến nay có hơn 13.500 đảng viên được sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng thông qua hình thức khai trừ hoặc xóa tên.



Bảo Trân (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ