(Tổ Quốc) - Sáng nay, 29/3, Tổng cục Thống kê đã tổ chức buổi Họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2019. Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo - Ảnh Hoàng Hiệp
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm đã thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam quý I năm 2019. Theo đó, nền kinh tế quý I tăng trưởng cao nhất so với tất cả các năm trước đây kể từ năm 2015. Trong nước, nhờ những kết quả thuận lợi đạt được trong năm 2018, nền kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước quý I/2019 đạt mức tăng trưởng khá (6,79%), kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những quý tiếp theo.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, kinh tế - xã hội quý I/2019 cũng phải đối mặt nhiểu khó khăn, thách thức với tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp.
Trong đó, ông Nguyễn Bích Lâm cũng đề cập đến tình hình giá tháng 3 và quý I năm 2019. Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 /2019 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,69% so với tháng 12/2018, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2019, CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 – mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây. Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,06% - mức giảm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Về tổng quan thị trường và giá tiêu dùng tháng 3/2019, so với tháng trước CPI tháng 3/2019 giảm 0,21%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,42%; May mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,17%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; Bưu chính viễn thông giảm 0,07%; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%. Có 4 nhóm tăng: Giao thông (2,22%), nhà ở và vật liệu xây dựng (0,78%), thuốc và dịch vụ y tế (0,03%), giáo dục (0,01%).
Trong quý I năm nay cũng ghi nhận 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với quý I/2018. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng tăng 20,8% so với quý I/2018, với con số 14.761 doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh có thời hạn.