(Tổ Quốc) - Với những hoạt động đặc sắc, lễ hội trái cây giúp huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) thu hút hơn 18.000 lượt khách, tiêu thụ khoảng 127 tấn nông sản các loại.
Đến huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vào thời gian diễn ra lễ hội trái cây năm 2024, chị Đinh Thị Hương, du khách TP. HCM, bất ngờ vì như lạc vào “hoa quả sơn”, dọc các tuyến đường, người dân trưng sạp bày bán sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mít tố nữ, mía tím,... với giá ưu đãi, hưởng ứng ngày hội lớn của huyện nhà.
Chị Hương mua 20kg cơm sầu riêng tách hạt, đóng vào thùng xốp để mang về quê làm quà cho người thân. Trước đây, chị thường nhờ người quen ở Khánh Sơn mua rồi gửi vào TP.HCM, nay mới có dịp thăm và thưởng thức sầu riêng tận vườn, nổi tiếng từ lâu với quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, thơm ngon,...
Lễ hội trái cây lần thứ 3 năm 2024 do huyện Khánh Sơn tổ chức từ 10-13/8, nhằm giới thiệu hình ảnh, con người, ẩm thực và sản phẩm du lịch của huyện đến du khách trong và ngoài nước.
Trong khuôn viên lễ hội ở Quảng trường 20/11, cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc, ban tổ chức đã bố trí 60 gian hàng để trưng bày các loại trái cây của huyện và các sản phẩm đặc trưng khác cho du khách mua sắm. Ngoài ra còn các hoạt động đặc sắc như tái hiện các lễ hội truyền thống của người Raglai; biểu diễn và trưng bày nhạc cụ đàn đá,... đồng thời tổ chức hướng dẫn du khách đi săn mây, tham quan vườn cây trái, các danh thắng của địa phương,…
Thống kê qua 4 ngày tổ chức, lễ hội đón hơn 18.000 lượt khách tham gia, tăng hơn 3.000 lượt so với lần tổ chức trước, giúp toàn huyện ước tiêu thụ khoảng 127 tấn nông sản các loại, trong đó có 110 tấn sầu riêng và các loại trái cây, sản phẩm đặc trưng khác.
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, chia sẻ du lịch huyện mới bắt đầu những bước đi đầu tiên, cùng với phát triển nông nghiệp, Khánh Sơn sẽ phát huy bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử - văn hóa,... và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, gắn kết phát triển sản xuất, bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch thành chuỗi liên kết trong phát triển kinh tế xã hội, từng bước trở thành “Đô thị sinh thái núi rừng” theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.