• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 1: Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc

Thời sự 01/07/2024 07:29

(Tổ Quốc) - Chương trình xây dựng 5.000 ngôi nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên thể hiện nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và toàn xã hội trong việc chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và là một trong những minh chứng rõ rệt cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

LTS: Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, quân và nhân dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - kỳ tích "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một "thiên sử vàng" được ghi vào lịch sử dân tộc. Đây được xem là chiến thắng của bản lĩnh và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

70 năm sau, một "chiến dịch" khác đã được triển khai để hướng về mảnh đất anh hùng này. Đó là quyết tâm xây dựng 5.000 ngôi nhà đại đoàn kết - 5.000 mái nhà hạnh phúc - cho người nghèo trên toàn tỉnh Điện Biên, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Chương trình xây dựng 5.000 ngôi nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên thể hiện nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và toàn xã hội trong việc chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và là một trong những minh chứng rõ rệt cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trong những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo nhưng điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh Điện Biên hiện cao thứ 3 trong cả nước, trong đó số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ làm nhà mới là 5.479 hộ…

Theo số liệu rà soát của UBND tỉnh Điện Biên, tính đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 7.447 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng có nhu cầu hỗ trợ làm mới và sửa chữa, trong đó: số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ làm mới là 5.479 hộ; số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu sửa chữa là 1.916 hộ; số hộ chính sách có nhu cầu làm mới là 28 hộ; số hộ chính sách có nhu cầu sửa chữa là 24 hộ.

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 1: Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường trao tiền hỗ trợ làm nhà cho gia đình bà Vì Thị Minh thuộc diện hộ nghèo, không nơi nương tựa, bản Cà Phê, xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) ngày 14/3/2023.

Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động; thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tỉnh Điện Biên và các cơ quan liên quan thực hiện chương trình "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", vận động các doanh nghiệp, tổ chức, tập thể, cá nhân phát huy truyền thống "Thương người như thể thương thân" góp của, góp công xây dựng Nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Điện Biên - Tây Bắc.

Trong Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về vận động ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: "Với ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc của chương trình, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tha thiết kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài; cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cả nước chung tay góp sức, "người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít" hỗ trợ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, yên tâm gắn bó "máu - thịt" với vùng đất biên cương của Tổ quốc".

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 1: Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tới bản Pá Đông, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên thăm và trao hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nơi đây - Ảnh: Tiến Đạt

Và chỉ sau 9 tháng triển khai và tổ chức thực hiện, đến ngày 24/1/2024, 5.000 căn nhà đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước Tết nguyên đán Giáp Thìn, "vượt tiến độ 3 tháng". Trong đó, 1.818 nhà xây, 1.894 nhà gỗ truyền thống, 1.288 nhà khung sắt. Các căn nhà hoàn thành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, diện tích nhà từ 36m2 trở lên. Tổng kinh phí thực hiện làm nhà 489,4 tỷ đồng.

Hiện thực hóa được ước mơ cho các hộ nghèo

Trực tiếp đến thăm các hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới có thể thấy hết được niềm vui của bà con, thấy được ý nghĩa to lớn của chương trình vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên đã triển khai.

Anh Lò Văn Minh (sinh năm 1972, dân tộc Khơ Mú, bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) là hộ cận nghèo của dân tộc Khơ Mú. Rất nhiều năm gia đình sinh sống trong căn nhà đã xuống cấp, nhà đông con và vợ lại đau ốm thường xuyên, kinh tế gia đình trông chờ cả vào làm nương rẫy nên việc dựng một ngôi nhà mới với gia đình anh Minh là điều chưa bao giờ dám nghĩ đến.

"Nhận được tin gia đình chúng tôi được Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, chúng tôi xác định bên cạnh nguồn lực 50 triệu đồng mà Đề án hỗ trợ, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chúng tôi đối ứng được 70 triệu đồng và nhờ vào sự giúp đỡ ngày công, nguyên vật liệu của họ hàng để hoàn thiện căn nhà mơ ước", anh Lò Văn Minh cho biết.

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 1: Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc - Ảnh 3.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu dự lễ khánh thành căn nhà đại đoàn kết cho gia đình ông Lò Văn Minh, dân tộc Khơ Mú, bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên - Ảnh: Quang Vinh

Ngày 27/3 vừa qua, tại lễ gắn biển, trao nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, gia đình anh Lò Văn Minh đã được đón nhận niềm vui to lớn khi căn nhà mơ ước được chính thức bàn giao cho gia đình.

"Có nơi ở ổn định, tôi cũng yên tâm lao động sản xuất, nuôi dạy các con, cháu ăn học và sẽ cố gắng làm ăn để thoát hộ cận nghèo", anh Lò Văn Minh chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh khó khăn, chị Cà Thị Dung (sinh năm 1996 bản Ta, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo) là lao động tự do, thu nhập không ổn định, chồng mất sớm do tai nạn năm 2017 để lại 2 mẹ con, con chị đang học lớp 5, bị bệnh động kinh.

Từ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình vay thêm từ ngân hàng chính sách 40 triệu đồng để làm nhà. Với sự cố gắng, nỗ lực của gia đình, dân bản hỗ trợ xây dựng và ngày công lao động, gia đình chị đã có ngôi nhà cấp 4 kiên cố hơn 60m2.

"Trước khó khăn lắm, công việc không ổn định, nhà thì dột nát, giờ Nhà nước hỗ trợ tôi có ngôi nhà mới rất mừng. Giờ tôi có thể yên tâm làm việc ổn định cuộc sống của 2 mẹ con", chị Cà Thị Dung rưng rưng chia sẻ.

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 1: Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc - Ảnh 4.

Xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo bản Đứa, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) - Ảnh: Tiến Đạt

Ở huyện Điên Biên Đông, gia đình anh Lò Văn Lan (dân tộc Lào, ở bản Mường Luân 1, xã Mường Luân) đã nhiều năm sinh sống trong căn nhà xuống cấp, việc dựng một ngôi nhà mới với gia đình anh là điều chưa bao giờ dám nghĩ đến. Nhận căn nhà mới kiên cố, cả nhà anh vui không kể xiết.

"Gia đình tôi rất biết ơn Nhà nước, chính quyền tỉnh Điện Biên và bà con. Có nơi ở ổn định, tôi cũng yên tâm lao động sản xuất, cố gắng làm ăn để thoát nghèo", anh Lò Văn Lan xúc động chia sẻ.

Niềm vui của các gia đình anh Minh, chị Dung, anh Lan và hàng nghìn hộ gia đình khác chính là sự khẳng định một chương trình ý nghĩa, thiết thực; đã huy động sự chung sức, đồng lòng của toàn dân trong hỗ trợ hộ nghèo có chỗ an cư, ổn định cuộc sống. Qua đó, đã nhân lên ngọn lửa, niềm tin của nhân dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển xứng đáng với truyền thống lịch sử oanh liệt, hào hùng.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy văn Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, những ngôi nhà đại đoàn kết mang đến cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý nghĩa rất lớn, thể hiện truyền thống của dân tộc "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách". Cả nước chung tay xây dựng để cuộc sống người nghèo có ý nghĩa hơn.

Có được mái nhà giúp người dân yên tâm trong cuộc sống, sự xúc động, phấn khởi của người dân khi nhận những ngôi nhà đại đoàn kết cho thấy thành công rất lớn chương trình.

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 1: Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc - Ảnh 5.

Ông Lê Như Tiến cho rằng việc xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo đã thể hiện tính nhân văn của chế độ, "Không để ai bị bỏ lại phía sau".

"Khi nhận nhà, nhiều người rưng rưng nước mắt, cuộc sống đã được đổi thay. Đó là thành quả rất đáng tự hào, như chủ để của chương trình: "Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc". Điều này đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chế độ ta. Không để ai bị bỏ lại phía sau", ông Lê Như Tiến bày tỏ.

"Đi từng nhà, rà từng người, xác định hoàn cảnh từng hộ"

Chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chương trình "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Điện Biên, ông Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐNĐ huyện Điện Biên Đông cho biết, với phương châm "đi đến từng nhà, rà từng người, xác định hoàn cảnh từng hộ" để xây dựng phương án hỗ trợ, huyện Điện Biên Đông đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chủ động chuẩn bị mặt bằng, tham gia đóng góp ngày công, nhân lực, vay thêm nguồn kinh phí với quyết tâm mỗi ngôi nhà hoàn thành có diện tích từ 40m2 trở lên, giá trị từ 70 triệu đồng trở lên.

Chỉ sau 4 tháng đầu triển khai thực hiện chương trình đến hết tháng 11/2023, huyện Điện Biên Đông đã hoàn thành làm nhà cho 574 hộ và là một trong những huyện hoàn thành đầu tiên công tác hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên.

"Trong năm 2023, qua kết quả rà soát, trong tổng số 574 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở đại đoàn kết, đã có 194 hộ gia đình đã thoát khỏi tình trạng hộ nghèo," ông Mùa A Vảng cho biết.

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 1: Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc - Ảnh 6.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao quà cho các gia đình ở Điện Biên trong lễ bàn giao nhà đại đoàn kết.

Có thể nói, trong điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn của Điện Biên, cộng thêm việc thi công khó khăn do giao thông và thời tiết không phải lúc nào cũng thuận lợi, chương trình hỗ trợ làm 5.000 nhà đại đoàn kết cho người nghèo vẫn về đích sớm 3 tháng so với dự kiến là một thành quả vô cùng ấn tượng.

Hành trình hoàn thành chương trình hỗ trợ làm 5.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên đã hiện thực hóa được ước mơ cho các hộ nghèo có được những ngôi nhà vững chắc để an cư, lạc nghiệp. Hành trình này thể hiện sức mạnh đại đoàn kết của chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực chăm lo cuộc sống cho người nghèo.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ