(Tổ Quốc) -Chiều 17/7, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thương binh liệt sĩ và người có công cho 43 tác giả.
Tham dự lễ trao giải bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ông Lê Khánh Hải Thứ trưởng Bộ VHTTDL; Ông Đào Ngọc Lợi- Cục trưởng Cục Người có công; Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo độc giả và các cơ quan thông tấn.
Toàn cảnh lễ trao giải (Ảnh Đăng Huy) |
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài Thương binh liệt sĩ và người có công do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017). Dù trong thời gian ngắn, cuộc vận động đã thu hút gần 1000 tác phẩm tham dự với đủ các thể loại gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, thơ, trường ca, biên khảo. Ban sơ khảo và chung khảo đã làm việc, thẩm định một cách khách quan, công tâm, cùng thảo luận và cân nhắc tập thể, cố gắng không để lọt những cuốn sách hay. Cuối cùng đã có 43 tác giả, tác phẩm, trong đó có 18 tập thơ, 25 tập văn xuôi đã được trao giải thưởng.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải trao giải cho các tác giả đạt giải Nhì. Ảnh: Đăng Huy. |
Ban tổ chức đã trao giải nhất cho tác phẩm văn xuôi: Những ngôi sao của mẹ (Hoàng Đình Quang), Dặm đường gian truân (Hồ Duy Lệ), Máu và tội ác (Nguyễn Tam Mỹ) cùng với 8 giải nhì, 16 giải ba, 11 giải tư. Bên cạnh giải chính thức, Ban tổ chức cũng trao 3 giải tôn vinh cho các tác giả, tác phẩm: Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược (Lê Văn Ba), Mãi mãi tuổi 20 (Đặng Vương Hưng), Người không cô đơn (Minh Chuyên).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc báo cáo tổng kết cuộc vận động Ảnh: Đăng Huy. |
Đánh giá về cuộc vận động, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: Có thể coi 43 tác phẩm được giải là một bức tranh thu nhỏ của Cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Nhiều sự kiện lịch sử, như vụ thảm sát đầu độc của Mỹ Diệm từ năm 1959 – 1964, cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968 trên các chiến trường miền Nam, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không… Cuộc vận động sáng tác này đã đóng góp thêm cho nền văn học cách mạng và kháng chiến những tác phẩm sinh động, giàu tính sử thi trong đó có không ít những tư liệu cực kỳ quý hiếm.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng hi vọng cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh liệt sĩ và người có công được duy trì thường xuyên để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và những người đã hi sinh xương máu của mình cho nền độc lập tự do của nước nhà.