• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hơn 500 lao động Việt tại Hàn Quốc bị bắt, trục xuất về nước: Thứ trưởng Bộ TB-LĐ-XH lên tiếng

Thời sự 24/09/2018 17:29

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ Thương binh, Lao động và Xã hội (TB-LĐ-XH) Doãn Mậu Diệp cho biết, số lượng người Việt Nam sang lao động tại Hàn Quốc không nhiều và đây cũng không phải thị trường trọng điểm.

Báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và thống kê của các cơ quan chức năng của Hàn Quốc cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, số người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước là 988 người, 518 người bị bắt và trục xuất về nước.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Câu chuyện lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cần được nhìn nhận từ hai phía.

Cũng theo thống kê trên, số lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS) là 38.331 người, số thuyền viên tàu cá gần bờ là 7.067 người và số lao động chuyên môn kỹ thuật (visa E7) là 1.788 người.

Thực hiện Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS), Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc.

Theo đó, Cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn và tự nguyện về nước được tổ chức tại cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Cục đã phối hợp với chính quyền các địa phương (Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh), tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn với sự tham gia của chính quyền các cấp và các cơ quan truyền thông, báo, đài…

Thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tổ chức các hội nghị này tại các huyện, xã nơi có nhiều lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.

Về chính sách ký quỹ đối với lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, Cục sẽ tiếp tục thực hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp lao động vi phạm. Đồng thời, Cục kiên quyết tạm dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao.

Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH  Doãn Mậu Diệp cho biết, số lượng lao động Việt Nam sang lao động tại Hàn Quốc không nhiều và không phải thị trường trọng điểm, mỗi năm quota chỉ từ 3.500 – 4.000 lao động, cộng thêm số người được đi lại theo các chương trình là khoảng 6.500 – 7.000 người. Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, mỗi năm có khoảng 60.000 -70.000 lao động Việt Nam sang làm việc.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, câu chuyện lao động Việt Nam cư trú, lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc cần được nhìn nhận từ hai phía. Rất nhiều lần phía Việt Nam trao đổi với Hàn Quốc và đều nhận được sự đồng thuận rằng “người Việt Nam đang cư trú, lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc là đông nhất và chủ sở dụng lao động Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp là người Việt cũng là nhiều nhất”.

“Vấn đề cần nhìn nhận từ hai phía và phải có sự hợp tác cả hai bên mới giải quyết được. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam trong một lần gặp tôi cũng nói rằng, hợp tác giữa hai nước đang rất tốt đẹp và câu chuyện lao động bất hợp pháp chỉ là một trong những vấn đề còn tồn tại, không phải vấn đề lớn và hai nước vẫn phải tiếp tục phối hợp với nhau để giải quyết”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp cũng cho biết thêm, về chế tài cũng đã có. Trước khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, mỗi lao động Việt Nam phải ký quỹ 100 triệu đồng. Trong trường hợp lao động Việt Nam trở thành lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì sẽ bị xử phạt hành chính lên tới 100 triệu.

Tuy nhiên,  do nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có thể thu nhập mỗi tháng cả 50 triệu đồng nên họ sẵn sàng bỏ tiền ký quỹ để ở lại làm việc. Thêm nữa, lao động Việt Nam lao động bên Hàn Quốc, không hiện diện ở Việt Nam nên việc xử phạt hành chính là rất khó thực thi.

“Dù số lượng người Việt cư trú, lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc khá cao song phía Hàn Quốc vẫn dành cho Việt Nam số “quota”  không thua kém các nước khác, vì họ ưa thích sử dụng lao động Việt Nam. Việc này đem lại  lợi ích cho cả hai phía là chủ sử dụng lao động và lao động Việt Nam.

(Nguồn:tuvanvieclam.com.vn)

Nói chung việc này phải có sự kết hợp cả hai phía. Việt Nam cũng đã triển khai rất nhiều biện pháp. Phía Hàn Quốc cũng có truy quét nhưng rất ít và họ cũng không có biện pháp xử phạt nào”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay.

Liên quan đến vấn đề người lao động ở nước ngoài, tại buổi chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 5/6/2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện đã đưa được 134.000 người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, đạt 128% kế hoạch. Tổng số người lao động ở nước ngoài là khoảng 500.000 và còn khoảng cách lớn so với mục tiêu 1 triệu thanh niên được học tập, lao động ở nước ngoài.

Lấy ví dụ về thị trường lao động Hàn Quốc, ông Đào Ngọc Dung đã chia sẻ về những nỗ lực của Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, lao động bất hợp pháp ở nước sở tại.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "55% người Việt Nam lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Vì vậy, trong 4 năm, phía Hàn Quốc không ký kết bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam. Vừa qua Chính phủ đã đưa ra biện pháp mạnh như yêu cầu người lao động ký quỹ, tổ chức thuyết phục tại gia đình…”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ làm việc với phía Hàn Quốc một phần cũng do chủ doanh nghiệp phía Hàn Quốc có nhu cầu trong khi người lao động Việt Nam có tay nghề. Phía Hàn Quốc đã quyết liệt xử lý các doanh nghiệp của họ. Chính vì vậy, trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam, chính phía bạn đã chủ đồng đề nghị ký lại bản ghi nhớ về lao động giữa hai bên./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ