(Tổ Quốc) - Ngày 23/9, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TBXH) đã thông tin về Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 sau nhiều lần trì hoãn vì dịch Covid-19. Kỳ thi sẽ được tổ chức từ ngày 28/9-10/10, có 505 thí sinh của 50 Đoàn đăng ký dự thi ở 34 nghề.
Thông tin tại buổi họp báo về Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 và Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương cho biết, Kỳ thi nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ Kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận với chuẩn Kỹ năng nghề ASEAN; Thúc đẩy lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề theo kịp được xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tuyển chọn thí sinh có năng lực tham gia đội tuyển quốc gia để huấn luyện chuẩn bị tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 13, thế giới lần thứ 46 năm 2021...
Bên cạnh ý nghĩa đó, thông qua kỳ thi năm nay, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa, tạo khí thế thi đua học tập sôi nổi ngay trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Năm nay kỳ thi được đổi tên thành Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia thay cho tên gọi cũ là Kỳ thi tay nghề quốc gia. Hiện, có 505 thí sinh của 50 Đoàn đăng ký dự thi ở 34 nghề, trong đó có 31 nghề thi chính thức và 3 nghề thi trình diễn.
Kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 28/9-10/10 tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, Hà Nội có 4 Hội đồng thi diễn ra tại 5 điểm trường là: Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Xây dựng Công trình đô thị; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Tỉnh Lạng Sơn có một hội đồng thi, diễn ra tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc.
Năm nay có 34 nghề tổ chức thi, trong đó có 31 nghề thi chính thức và 3 nghề thi trình diễn. Đáng chú ý, có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi gồm: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Điều khiển công nghiệp, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, Thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và Công nghệ nước (nghề trình diễn).
Để đảm bảo cho kỳ thi được diễn ra hiệu quả và công bằng, quy chế kỳ thi cũng có những điều chỉnh so với trước. Trong đó nổi bật là thời gian làm bài thi đã được tăng lên không quá 15 tiếng tiệm cận với kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN (trước đây không có 8 tiếng).
Đồng thời bổ sung thêm các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian diễn ra thi. Đặc biệt, Kỳ thi có sự tham gia của đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan cho kỳ thi.
Bên cạnh đó, năm nay, Ban tổ chức đã thành lập 5 hội đồng thi quốc gia lần lượt do các bộ, ngành chủ trì gồm: Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội cùng với 2 tiểu ban giúp việc cho Ban tổ chức có sự tham gia của doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp.
Tại buổi họp báo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng thông tin về Lễ tuyên dương dành cho học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hai nhóm tiêu chuẩn về học tập và đạo đức lối sống.
Dự kiến, Lễ tuyên dương sẽ diễn ra trong 2 ngày 08-09/10 tại Hà Nội với các hoạt động chính như: Báo Công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình; dâng hương Đài tượng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn; Thăm quan khu di tích Phủ Chủ tịch; đặc biệt là Chương trình Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dự kiến được diễn ra vào lúc 19h30 tối ngày 09/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội...