Hơn 71% khách du lịch nội địa đến vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung
(Tổ Quốc) - Năm 2024, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đón hơn 78,5 triệu lượt khách nội địa, chiếm trên 71% tổng khách nội địa Việt Nam, theo Thứ trưởng Hồ An Phong.
Nội dung được Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nêu ra tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung lần thứ 5, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, diễn ra tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa, sáng 31/12.
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm khoảng 60% chiều dài bờ biển Việt Nam và sở hữu tài nguyên du lịch phong phú.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, năm 2024, các tỉnh trong vùng đã đón khoảng 96 triệu lượt khách, trong đó hơn 78,5 triệu lượt khách nội địa, khoảng 17,52 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch của vùng đạt 237 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng thu du lịch của Việt Nam, cao hơn bình quân chung của 6 vùng.
Thứ trưởng bày tỏ vui mừng khi du lịch vùng trong thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng các địa phương trong vùng. Đặc biệt là khách nội địa cả nước tập trung về vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tới 71%.
TP. Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa tiếp tục dẫn đầu trong vùng về lượng khách quốc tế đến. Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Bình Thuận ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể của khách du lịch nội địa.
Các địa phương trong vùng năm vừa qua đã tổ chức được nhiều hoạt động quan trọng. Nổi bật có Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần đầu tiên của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc được tổ chức thành công tại Hội An - Quảng Nam đầu tháng 12, với 300 đại biểu quốc tế từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng tổ chức thành công lễ hội vịnh ánh sáng Nha Trang, cùng với Đà Nẵng tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế tạo ấn tượng mạnh mẽ tới du khách.
Mặc dù vùng đạt được nhiều kết quả quan trọng trong du lịch, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng các mô hình liên kết thời gian qua còn ở phạm vi hẹp, các lĩnh vực liên kết đôi lúc còn mang tính tự phát, thiếu bền vững trong bối cảnh hiện nay. Toàn vùng chưa xây dựng được thương hiệu du lịch chung, cũng như những sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính vùng.
Chức năng phân phối khách du lịch trong vùng của Khánh Hòa, Quảng Nam còn hạn chế nếu so với Đà Nẵng, vì du khách đến các địa phương này chỉ “nghỉ rồi về”. Song, khi hệ thống đường cao tốc kết nối Khánh Hòa với Tây Nguyên và các địa phương trong vùng hoàn chỉnh sẽ cải thiện khả năng trung chuyển khách quốc tế của Khánh Hòa, tạo điều kiện cho du khách đi thêm nhiều địa phương khác. “Các trung tâm này sẽ phân phối khách quốc tế trong vùng, nhưng các địa phương lân cận phải xây dựng sản phẩm du lịch nổi trội, khác biệt để thu hút khách”, Thứ trưởng lưu ý.
Theo Thứ trưởng, năm 2025, cả nước đặt mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, từ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa; và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng đặc biệt về du lịch của nước ta. “Vùng có lợi thế để so sánh để phát triển du lịch, lợi thế so sánh giữa du lịch với các ngành khác, lợi thế so sánh giữa du lịch vùng với các vùng khác”, Thứ trưởng nhìn nhận, thêm rằng 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 5 di sản thế giới, 7 di sản phi vật thể thế giới được UNESCO ghi danh; có 31 di tích quốc gia đặc biệt; có hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, có hệ thống bờ biển dài và đẹp.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL thông tin, tại Kỳ họp thứ 8 mới đây, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), và thảo luận về sửa đổi Luật Quảng cáo. Để tạo điều kiện doanh nghiệp tham gia với nhiều hình thức, huy động nguồn lực phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương trong vùng quan tâm phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh,... phù hợp với hướng đi với thế mạnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Thứ trưởng Hồ An Phong nêu ví dụ về concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” tại Hà Nội vừa qua, đã thổi hồn văn hóa truyền thống vào từng giai điệu hiện đại, thu hút tới 50 nghìn khán giả theo dõi trực tiếp trong một đêm, doanh thu tới hàng trăm tỷ đồng. Hay Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám,... kể chuyện di sản hút trăm nghìn khách du lịch. “Đây là xu hướng về phát triển công nghiệp văn hóa” - Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định.
Năm 2025, Huế được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia, có 170 sự kiện liên quan của vùng và của Huế, trong đó một sự kiện được tổ chức tại châu Âu. Thứ trưởng Hồ An Phong gợi ý các địa phương nghiên cứu, đồng hành với Huế xúc tiến và phát triển các đường bay mới. Nhưng cần tránh tình trạng “mạnh ai nấy xúc tiến”, cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về liên kết vùng, tăng cường hơn nữa việc hợp tác, liên kết theo từng cụm.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần xác định sản phẩm chung, sản phẩm liên tuyến để thu hút khách đến, tạo được sự đột phá về liên kết phát triển du lịch. Chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Trong đó, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với bản sắc địa phương, có sức cạnh tranh cao, thúc đẩy sự phát triển.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, hiện Bộ VHTTDL đã dự thảo và xin ý kiến các địa phương, các Bộ ngành và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương cùng phối hợp với Bộ VHTTDL triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của Quy hoạch ở thời kỳ này.
“Với những tiềm năng, lợi thế to lớn và kinh nghiệm liên kết phát triển trong thời gian qua, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung chắc chắn sẽ có nhiều bước phát triển tốt đẹp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của cả nước”, Thứ trưởng Hồ An Phong bày tỏ./.