• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hơn mọi lời tri ân

Giáo dục 20/11/2021 07:10

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, dịp 20/11 năm nay, nhiều tờ báo thông tin một số trường học ở Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương đã gửi thông báo đến các bậc phụ huynh là không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào.

Ngay lập tức, thông tin trên được nhiều người chia sẻ. Rất nhiều ý kiến bày tỏ, đó là thông điệp giản dị, đẹp đẽ và đó chính là món quà ý nghĩa được đông đảo cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục tặng cả xã hội trong dịp lễ này.

Có thể nói rằng, đây là một thông điệp có ý nghĩa lớn lao của ngành giáo dục, của những người làm "nghề cao quý", đã chấp nhận hy sinh niềm vui riêng tư vì nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả.

Hằng năm, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là dịp để cả xã hội bày tỏ sự biết ơn, trân trọng với những cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác giáo dục, trong đó có cán bộ, thầy cô giáo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hơn mọi lời tri ân - Ảnh 1.

Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức khai mạc chương trình thi tốt nghiệp cho lớp Trung cấp diễn viên ngành Nghệ thuật Biểu diễn Kịch Múa khóa 5 (K5KM) theo hình thức trực tuyến, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch (Ảnh: VNAD)

Tuy nhiên, năm nay, trong hoàn cảnh đặc biệt, khi mà Ngày Nhà giáo Việt Nam rơi vào đúng thời điểm cả hệ thống chính trị dồn sức cho việc chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Và trong hoàn cảnh như vậy, hơn lúc nào hết, ý thức được vai trò cũng như trách nhiệm lớn lao của mình, mỗi cán bộ, thầy cô giáo trong ngành giáo dục nhận thức rõ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, chấp nhận hy sinh niềm vui cá nhân, vì sự an toàn cho cả cộng đồng.

Dẫu có một chút xao lòng, ngày 20/11 năm nay, các thầy cô không nhận hoa của học trò, nhưng có lẽ không một ai trong chúng ta là không biết ơn công lao to lớn của các thầy cô đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thay vì những bó hoa và những lời chúc mừng, chúng ta hãy dành sự tri ân, dành sự kính trọng với tất cả các thầy cô, những người không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm đứng trên bục giảng vì học sinh thân yêu. Đó cũng là phần thưởng vô giá và thật xứng đáng dành cho các thầy cô trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay.

Trong suy nghĩ của nhiều người, tặng hoa thầy cô giáo nhân ngày 20/11 là thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, tỏ lòng tri ân đến công ơn dạy dỗ của thầy cô. Nhưng nhiều năm trở lại đây, việc tặng hoa, tặng quà các thầy cô đã dần bị biến tướng, không chỉ ở ngày 20/11, mà còn ở nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm khác. Rất nhiều bậc phụ huynh, cứ đến ngày này lại canh cánh nỗi lo phải tặng gì cho thầy cô. Không chỉ tặng quà, giờ việc "tặng" phong bì thay cho lời tri ân cũng khá phổ biến. Phụ huynh này làm, phụ huynh khác làm theo, dần trở thành trào lưu, cứ thế văn hóa "phong bì" ngấm vào họ lúc nào không biết và dần chi phối mối quan hệ thầy trò.

Hơn mọi lời tri ân - Ảnh 2.

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là dịp để cả xã hội bày tỏ sự biết ơn, trân trọng với những cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác giáo dục, trong đó có cán bộ, thầy cô giáo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ảnh: VNAD)

Ngày Nhà giáo Việt Nam rõ ràng đang bị mai một đi nét đẹp truyền thống của tình thầy trò. Có lẽ nhận thức rõ được việc này, nên dịp 20/11 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các bộ, ngành; các đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố; các trường đại học, học viện, viện; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các sở giáo dục và đào tạo về chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ và Cơ quan Đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng có văn bản đề nghị được nhận thiệp điện tử chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, không nhận hoa, thiệp giấy, hạn chế các đơn vị đến chúc mừng.

Thể hiện lòng tự trọng với một nghề cao quý, rất nhiều thầy cô đã có những trăn trở, thậm chí là nỗi ưu phiền khi xã hội có cách nhìn khác về hình ảnh thầy cô giáo. Không thể phủ nhận, trào lưu "thương mại hóa" giáo dục trong thời gian qua ít nhiều đã có tác động tiêu cực về tình thầy trò. Chuyện mua điểm mua thầy; cả chuyện đổi điểm lấy tình mà báo chí thông tin; rồi chuyện vật chất, tiền bạc làm khuynh đảo tình nghĩa thầy trò là có thật. Nhưng không vì thế mà hình ảnh người thầy bị méo mó.

Tuy nhiên, không phải thầy cô nào cũng bị vật chất mua chuộc. Lỗi không phải ở các thầy cô, mà lỗi ở chính các bậc phụ huynh. Thực tế, nhiều gia đình kinh tế khá giả chọn dịp này mua chuộc thầy cô bằng tiền và vật chất đã làm méo mó tình thầy trò. Có lẽ vì thế mà trong ngày vui của mình, có không ít thầy cô giáo phải trốn chạy, tắt điện thoại di động, từ chối tiếp phụ huynh học sinh, từ chối những món quà không trong sáng! Nhiều thầy cô thương những cô cậu trò nghèo ở các vùng quê hẻo lánh, dành cả tiền lương, áo mặc cho học sinh. Nhiều thầy cô giáo trẻ, hy sinh cả tuổi xuân của mình, bám trường, bám bản, đem cái chữ đến học sinh miền núi, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Không thể nghĩ khác về ý nghĩa của việc tặng quà thầy cô giáo dịp 20/11. Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam có từ lâu đời và truyền thống đó mãi mãi được phát huy, là dịp để người học trò thể hiện lòng tri ân đối với các thầy cô giáo. Tuy nhiên, đừng để những toan tính nặng tính vật chất làm vẩn đục giá trị của những bông hoa, món quà dành để tri ân công lao các thầy cô.

Với các bậc phụ huynh, hãy trả ơn các thầy cô bằng việc giáo dục con cái nhận thức sâu sắc và có những việc làm thiết thực thể hiện sự biết ơn công lao người dạy dỗ con cái họ thành người. Còn với những người học trò, sự trả ơn các thầy cô là sự nỗ lực trong học tập, là sự cần mẫn, chăm chỉ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, để trở thành người thực sự có ích cho xã hội.


Thùy Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ