(Tổ Quốc)- Việc thêm “gia vị” cho mỗi bài lục bát của mình bằng chất dân gian hiện đại, cách sắp xếp ngôn ngữ khéo léo hóm và láu trên nền cảm xúc chân thành, sâu sắc khiến anh đã tạo cho mình một giọng lục bát riêng...
QUÊ…
Chênh vênh như một cánh bèo
Nửa choài ra biển nửa neo vào đồng!
Mặn mòi ngấp nghé cửa sông
Quê tôi từ thuở bế bồng đã lo!
Bão giông dài ngoẵng chân cò
Chỉ nụ cười của trời cho thì tròn...
Vậy mà cỏ vẫn cứ non
Má con gái chẳng phấn son cũng hồng
Như niềm tin gửi cánh đồng
Ngàn năm vẫn chín thành bông lúa vàng.
Bùn chua xây những huy hoàng
Chênh vênh giữa những mơ màng... quê ơi!
Nguyễn Thế Kiên
Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên (ảnh Internet)
Lời bình của Trần Văn Lợi:
Lục bát là thể thơ dễ làm mà khó hay vì thường bị rơi vào sáo mòn, cũ kĩ, gây cảm giác nhàm chán. Rất may, Nguyễn Thế Kiên đã biết thêm “gia vị” cho mỗi bài lục bát của mình bằng chất dân gian hiện đại, cách sắp xếp ngôn ngữ khéo léo hóm và láu trên nền cảm xúc chân thành, sâu sắc. Để từ đó, anh đã tạo cho mình một giọng lục bát riêng: tưng tửng buồn, tưng tửng đau. Quê là một bài thơ như thế:
Chênh vênh như một cánh bèo
Nửa choài ra biển nửa neo vào đồng!
Hình ảnh so sánh ở đầu bài thơ thật giàu sức gợi hình, gợi cảm. Câu thơ vừa xác lập vị trí (làng đồng chiêm trũng, cạnh sông gần biển) vừa định vị vị thế của làng quê anh: thật nhỏ bé và nghèo khó. Người đồng chiêm ngàn đời sống trong cảnh “chiêm khê mùa thối”, quen cảnh lụt lội nên thấu hiểu nỗi mong manh, chìm nổi của cuộc đời. Nhiều tác phẩm văn học dân gian của dân tộc Việt đã diễn tả nỗi tang thương mà thiên tai và con người từng đổ xuống đầu con người, nhất là lũ lụt: “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Với hình ảnh ẩn dụ và ngôn từ đậm chất dân gian hiện đại: Bão giông dài ngoẵng chân cò, nhà thơ đã gợi ra nỗi mưu sinh lặn lội mà đơn độc, hoang mang giữa khung cảnh hoang tàn do thiên tai gây ra. Và trong cái thế chênh vênh: Nửa choài ra biển nửa neo vào đồng! ấy, mỗi con người như sợi dây nhỏ, gắn kết nhau lại mà giằng kéo, níu giữ cuộc đời mình để vượt lên thân phận, vượt lên cái nghèo khó truyền kiếp, vượt lên nỗi âu lo di truyền. Nghe cứ thương thương sao ấy!
Mặn mòi ngấp nghé cửa sông
Quê tôi từ thuở bế bồng đã lo!
Nhưng cũng chính cái khắc nghiệt của cuộc sống đã giúp người đồng chiêm vững vàng và vươn lên mọi khó khăn, gian khổ. Thiên nhiên muốn thi gan thử sức con người thì con người càng thêm bền gan vững chí.
Vậy mà cỏ vẫn cứ non
Má con gái chẳng phấn son cũng hồng
Như niềm tin gửi cánh đồng
Ngàn năm vẫn chín thành bông lúa vàng.
Thật cảm phục và yêu mến biết bao những con người nơi đây, đã luôn gắn kết bên nhau và trụ vững bằng niềm tin và tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương! Niềm tin bền chặt và tình yêu mộc mạc mà chân thành, đằm thắm ấy là vẻ đẹp tâm hồn của người đồng chiêm, là sức mạnh trường sinh và kì diệu. Tự hào và thương mến biết bao!
Bùn chua xây những huy hoàng
Chênh vênh giữa những mơ màng... quê ơi!
Kết thúc bài thơ là “những huy hoàng” có vẻ mãn nguyện, nhưng nghe cứ chênh vênh, không trọn vẹn thế nào ấy! Phải chăng vì số phận, cuộc đời con người vẫn mong manh, nhiều bất trắc như thế. Bài thơ khẽ mở ra, gieo và lòng người đọc một cảm giác thấp thỏm, lo lo…
Có thể hình dung bài thơ gồm có hai mặt đối lập mà thống nhất với nhau trong một chỉnh thể: thiên nhiên càng khắc nghiệt, số phận con người càng mong manh thì ước mơ, niềm tin và tình yêu vào cuộc sống của họ càng đằm sâu, tha thiết. Bài thơ dù ngắn gọn nhưng theo tôi, Quê là một trong những thi phẩm thể hiện được một cách rõ nhất hồn vía lục bát Nguyễn Thế Kiên.