(Tổ Quốc) - Chiều nay 30/6, Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng làm hải sản chết tại bốn tỉnh miền Trung vừa qua.
Chủ trì họp báo có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các Bộ trưởng: Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ Chu Ngọc Anh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh...
Các Bộ trưởng chủ trì họp báo
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nội dung họp báo gồm hai phần. Thứ nhất là nội dung xoay quanh việc ban hành các nghị định quy định chi tiết thực hiện hai luật: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày mai, 1/7/2016.
Và phần hai của buổi họp báo là cam kết công bố nguyên nhân hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam trong tháng 6 của Thủ tướng.
Formosa phải bồi thường 500 triệu đô la
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong tháng 4, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và an ninh trật tự.
Ngay khi có sự cố, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố, hỗ trợ người dân.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng công bố nguyên nhân xảy ra sự cố môi trường ở bốn tỉnh miền Trung vừa qua
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học- Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện, các ngành liên quan huy động trên 100 nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước, đã tổ chức thu thập dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia nước ngoài. Kết quả xác định, nguồn thải xuât phát từ Vũng Áng, đây là nguồn thải lớn nhất, chưa độc tốc xyanua,... tạo thành một dạng hỗn hợp có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc- Nam từ Hà Tĩnh tới Thừa thiên Huế làm hải sản và sinh vật biển nhất là tầng đáy biển chết hàng loạt.
Các đoàn kiểm tra, các nhà khoa học đầu ngành đã phát hiện CTY TNHH Formosa Hà Tĩnh có một số hành vi vi phạm dẫn tới nước thải của công ty này xả thẳng ra môi trường có độc tố vượt quá mức cho phép.
Từ căn cứ trên, cơ quan chức năng Việt Nam đã tham vấn các nhà khoa học trong nước và quốc tế kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ máy số 1 của Formosa gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng khiến hải sản chết bất thường.
Với những chứng cứ khách quan, chính xác, Bộ Tài nguyên- Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành khác đã nhiều lần làm việc với Formosa. Và ngày 28/6, công ty này đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường trên đồng thời cam kết 5 điểm:
1. Công khai xin lỗi Chính phủ và Nhân dân Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
2. Thực hiện bồi thường kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường môi trường biển với tổng số tiền 11.500 tỷ, tương đương 500 triệu USD.
3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, chất thải, nước thải, đảm bảo xử lý triệt để các chất độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý, không để tái diễn lại sự cố như vừa qua.
4. Phối hợp các Bộ/ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng hệ thống kiểm soát môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự, tạo niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế,
5. Thực hiện đúng các cam kết trên, nếu vi phạm sẽ chịu các chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam.
Người phát ngôn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Formosa thực hiện ngay các cam kết trên một cách nghiêm túc, trách nhiệm.
“Tinh thần bảo đảm minh bạch, công khai sát thực tế, đảm bảo sự giám sát của các tổ chức xã hội”, ông Mai Tiến Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, hiện hệ thống quản lý nước thải tại các địa phương này đã được lắp đặt. Đồng thời, Chính phủ cũng tăng cường giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, không để các tổ chức phản động lợi dụng; Thực hiện đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội, xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân sai phạm liên quan tới sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung vừa qua.
“Chính phủ đánh giá cao sự quan tâm của người dân trong và ngoài nước nhất là người dân các tỉnh miền Trung...; sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan chức năng, báo chí. Sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Đài Loan đã ủng hộ Việt Nam xử lý nghiêm vụ việc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cho rằng đây là bài học cho các doanh nghiệp, địa phương trong việc phát triển, Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định: “Sau sự cố, các địa phương phải nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững”.
Ngay sau khi chỉ rõ trách nhiệm, clip xin lỗi Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam của lãnh đạo Công ty TNHH Formosa đã được công bố trước đông đảo truyền thông trong và ngoài nước.
“Chúng tôi cam kết bồi thường thiệt hại về kinh tế cho ng dân, bồi thường xử lý ô nhiễm, khôi phục môi trường. Cam kết phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh để kiểm soát môi trường, không tái diễn các hành vi vi phạm môi trường tại Việt Nam”, lãnh đạo Formosa khẳng định.
Đại diện Formosa xin lỗi Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam (ảnh chụp từ clip)
Ngay sau đó, đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam đã trả lời các câu hỏi của báo giới liên quan đến vụ việc này. Báo Điện tử Tổ Quốc xin trích đăng.
- Báo Tiền Phong: Xin Bộ trưởng cho biết, quá trình xác định nguyên nhân hải sản chết diễn ra như thế nào, việc tham gia của các nhà khoa học vào quá trình này ra sao?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Qua clip vừa rồi, việc xác định nguyên nhân cần có chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản, Thủ tướng chỉ đạo do sự cố xảy ra trên diện rộng nên việc xác định nguyên nhân cần khoa học, bài bản, chính xác. Trước yêu cầu của Chính phủ và yêu cầu chính đáng của người dân là sức ép lớn, chúng tôi cho rằng việc tìm hiểu nguyên nhân cũng cần chính xác, tìm ra ai là thủ phạm. Công việc được chia làm 3 nhóm tiến hành: Thứ nhất, xác định nguyên nhân, hình dung giải thích được hiện tượng gì đang diễn ra trên biên 4 tỉnh miền Trung. Cơ chế gì khiến hải sản và sinh vật chết hàng loạt. Thứ hai, xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Hai nhóm này độc lập nhưng quan hệ biện chứng với nhau. 100 nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau lấy mẫu cá, nước, trầm tích đáy, mẫu sinh vật phù du, xác định từ vệ tinh, hồi tố lại sự việc... Nhiều nhà khoa học phải xuống biển tìm theo dấu vết vệ tinh chỉ ra để tìm ra bản chất vấn đề.
Sau khi có kết quả thí nghiệm, chúng tôi còn đối chứng với các phòng thí nghiệm nước ngoài. Khi có kết quả tổ chức để Hội đồng khoa học nhà nước, các nhà khoa học thế giới phản biện độc lập và hôm nay chúng tôi mới công bố.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi của phóng viên
Qua nghiên cứu giải thích hiện tượng hỗn hợp chất độc di chuyển từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế, nó hấp thụ kim loại thiếc, chứa phenol và xyanua, đi tới đâu gây độc tố tới đó khiến cá chết.
Thứ ba, chúng tôi xác định rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải ra biển miền Trung và tập trung vào 3 đối tượng: Formosa, điện Vũng Áng và Khu công nghiệp Hà Tĩnh. Chúng tôi kiểm toán chất thải, tìm ra sai sót lỗi, trong 5 năm ngày kiểm toán năng lượng thì chỉ sử dụng có 15%... Từ đó xác định lò luyện cốc thải ra phenol và xyanua. Chúng tôi đã có bằng chứng đầy đủ thuyết phục, xác định nguồn là từ Formosa.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Các nhà khoa học đã không kể ngày đêm vào cuộc với trách nhiệm cao nhất. Cũng có những khó khăn trong việc xác định nguyên nhân là chúng ta phải tìm kiếm dấu vết thực địa, dưới đáy biển, hồi tố, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học từ Nhật, Pháp, Đức, Mỹ, Israel... đã bổ sung dữ liệu cùng với các nhà khoa học Việt Nam.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: "Chúng tôi tôn trọng sự bức xúc của nhân dân nhưng không chấp nhận việc kích động sự bức xúc"
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Chính phủ chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu sự việc này. Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là 2 quá trình khác nhau. Kết quả điều tra là khách quan, các cơ quan đã làm hết năng lực và trách nhiệm của mình.
Thời gian qua, các trang mạng xã hội có phản ứng về việc trậm trễ công bố thông tin, việc bức xúc là chính đáng và dễ hiểu vì liên quan tới đời sống của người dân đặc biệt là các ngư dân miền Trung.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn
Tuy nhiên sự phản ứng thái quá, suy diễn nguyên nhân làm nhiễu loạn thông tin, một số thế lực đã lợi dụng việc này để kích động, gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân. Chúng tôi tôn trọng sự bức xúc của nhân dân nhưng không chấp nhận việc kích động sự bức xúc. Việc công bố nguyên nhân này là kịp thời.
- Hãng thông tấn AP tại Hà Nội: Các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam có khởi tố vụ án?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Qua vụ việc này đã thể hiện thái độ cương quyết của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ Viêt Nam là xử lý nghiêm không loại trừ tổ chức, cá nhân nào.
Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia tích cực các hiệp định thương mại, được quốc tế đánh giá cao.
Người Việt Nam có câu: đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, như vậy muốn nói rằng, Chính phủ Việt Nam luôn có thái độ rất rõ, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam đồng thời có chính sách khoan hồng, độ lượng, các nhà đầu tư nước ngoài mà nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam thì sẽ xem xét. Nếu các nhà đầu tư cam kết làm đúng pháp luật Việt Nam thì Việt Nam sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư hoạt động và ngược lại. Mong nhân dân độ lượng, khoan hồng.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Việc khởi tố do các cơ quan tố tụng, tư pháp xem xét, còn Chính phủ không can thiệp, việc khởi tố phải xem xét trên lợi ích và luật pháp.