• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Họp báo Quốc hội: Lấy phiếu tín nhiệm trước hoạt động chất vấn

Thời sự 18/10/2018 16:48

(Tổ Quốc)- Chiều 18/10, tại nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV.

ĐBQH không tiệc tùng tại các bộ, ngành trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội

Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu).

Tổng thư ký Quốc hội ong Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm (vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4).

Họp báo Quốc hội: Lấy phiếu tín nhiệm trước hoạt động chất vấn - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị các ĐBQH không nhận lời mời dự tiệc tùng tại các Bộ trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm các chức danh tại kỳ họp này. Việc này đã có văn bản chưa?

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Quốc hội có nhắc nhở việc này và đây là việc nêu gương. Hoạt động tiệc tùng mà gây phản cảm thì không nên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chấp hành nghiêm và từ nay trở đi các cuộc họp không có liên hoan, tiệc tùng.

"Việc này càng tốt hơn nhất là vào dịp lấy phiếu tín nhiệm thì càng tốt. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng được lấy sớm, vào ngày 24/10"- ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Khi tham mưu về chương trình kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết thêm, Tổng thư ký tham mưu lấy phiếu tín nhiệm trước hoạt động chất vấn là do mấy nguyên nhân.

"Khi phiên chất vấn diễn ra thì chỉ có một số thành viên Chính phủ trả lời, các thành viên khác lại không có nội dung chất vấn. Dẫn tới việc đánh giá chưa công bằng. Ngoài ra, việc đánh giá này là cả quá trình từ đầu tới giữa nhiệm kỳ, ĐBQH chắc chắn sẽ hiểu rõ hết từng chức danh lấy phiếu, rồi thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, qua các hoạt động của từng đồng chí…, ai cũng biết cả. Chúng tôi cũng đã gửi hồ sơ chức danh chất vấn sớm trước 30 ngày tới từng ĐBQH để nghiên cứu kỹ"- ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích.

Trả lời câu hỏi, có 18 thành viên thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được lấy phiếu tín nhiệm lần này thì liệu họ có lợi thế hơn các khối khác không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, "bản thân tôi cũng là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, có được ưu tiên gì không thì tôi không biết. Nhưng ĐBQH đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của QH khác, của thành viên Chính phủ khác… không có cơ sở nào ưu tiên ai cả".

Họp báo Quốc hội: Lấy phiếu tín nhiệm trước hoạt động chất vấn - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp báo.

Tiếp tục đổi mới

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục phát huy những hoạt động đổi mới chất vấn thời gian qua: hỏi nhanh đáp gọn. Quốc hội không thảo luận báo cáo của Chính phủ mà sẽ dành 3 ngày hỏi đáp.

Một điều mới nữa theo Tổng Thư ký Quốc hội: nhân sự bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, đây là lần đầu tiên chúng ta có hoạt động đó.

Trả lời câu hỏi liệu có cuộc họp báo nào sau khi diễn ra nghi thức tuyên thệ của Chủ tịch nước hay không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, vấn đề này sẽ được trao đổi lại, việc họp báo có diễn ra hay không là quyền của Chủ tịch nước.

Sau đó là Quốc hội xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại kỳ họp này, các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ngoài ra tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ xem xét nhiều báo cáo quan trọng về kinh tế, xã hội, dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng…

Kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 22/10 tới 21/11./.

Song Đào, ảnh: Minh Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ