• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Họp báo về Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII

27/07/2010 15:18

(Toquoc)- Sáng 27/7, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chủ trì cuộc họp báo về Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

(Toquoc)- Sáng 27/7, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chủ trì cuộc họp báo về Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.


Tại buổi họp báo Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII 
sáng 27/7/2010


Theo quyết định của Hội Nhà văn thì số lượng hội viên tính đến thời điểm này là 922, tăng một hội viên so với thống kê ban đầu, dù “mùa kết nạp” chưa đến. Lý do là danh hiệu nhà văn vừa được Hội khôi phục cho nhà văn Đỗ Nam Cao - người từng công tác cùng nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Thanh Thảo, có thời gian tham gia chiến đấu và là hội viên Hội Văn nghệ Giải phóng.

Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII được tiến hành trong tinh thần: Đoàn kết, Dân chủ, Xây dựng, Sáng tạo. Trong đó Đoàn kết được đưa đưa lên hàng đầu và coi là quan trọng nhất. Mặc dù Hội Nhà văn là cơ quan quản lý cao nhất quyết định những vấn đề hệ trọng nhưng vẫn đặc biệt coi trọng dân chủ, không khí càng dân chủ càng tốt nhưng dân chủ phải đi đôi với tập trung, biểu quyết thông qua từng vấn đề, thiểu số phải phục tùng đa số.

Lần đầu tiên trong Đại hội sẽ công bố các số liệu được tổng kết về tác phẩm sáng tác, số lần đi thực tế, đi trại sáng tác… của Hội viên trong nhiệm kỳ qua.

Phương hướng quan trọng nhất của Đại hội là toàn Hội viên Hội Nhà văn phải phấn đấu có nhiều tác phẩm hay trước tình hình văn học đang bị lấn sân, thị trường văn học đang bị co lại. Có nhiều tác phẩm hay chính là cách kéo công chúng đến với văn học hữu hiệu nhất. Nhà văn có quyền sáng tạo nhưng bạn đọc cũng quyền lựa chọn tác phẩm. Tác phẩm hay là lý do là tồn tại của Hội Nhà văn. Và để làm được thì Hội chú trọng quan tâm đến nhà văn hơn nữa để hỗ trợ sáng tác. Phải coi trọng sáng tác đi đôi với lý luận phê bình. Phải mạnh dạn bồi dưỡng phát hiện đội ngũ nhà văn trẻ, trong đó lưu ý đến tỉ lệ kết nạp hội viên hàng năm, số lượng đi thực tế sáng tác và cả hệ thống giải thưởng hàng năm. Chúng ta có nên xem xét có hệ thống giải thưởng thường niên cho các cây bút trẻ không? Vì nhà văn trẻ là đội ngũ kế nhiệm, lực lượng chủ yếu viết về công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Với phương châm được xác định là: tất cả cho Hội viên, tất cả vì Hội viên, Hội Nhà văn luôn coi trọng và bảo vệ những khám phá, tìm tòi, thể nghiệm mới để tạo ra cá tính sáng tạo độc đáo, có giá trị nghệ thuật.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đưa ra một loạt câu hỏi như: đây là Đại hội toàn thể thì ngoài sự có mặt đông đủ của các nhà văn còn có những hoạt động gì nổi bật và khác nữa? Nên chăng chúng ta tổ chức một buổi tối giao lưu tất cả các nhà văn và mời báo chí đến, vì đây là dịp các nhà văn của đất nước tập trung một nơi? Trong báo cáo kiểm điểm có nhan đề Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người rất hay và nhà thơ muốn liên hệ sang sự cố bài thơ “Đất nước thời gian lao” được quyết định giải nhì trong cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân Đội nhưng vì nhiều thông tin trái ngược xung quanh bài thơ đó nên nhà thơ xin rút. Cá nhân nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng không thấy Hội đứng ra bảo vệ hay có ý kiến gì. Còn nhà văn Văn Chinh thì băn khoăn tại sao trang web của một vài cá nhân lại có được những thông tin về Đại hội mà web Hội cũng như chính Hội Nhà văn chưa cho phép công khai thông tin đó.

Trả lời các câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, nếu có thể thì Hội sẽ tổ chức một buổi cho hội viên xem kịch. Còn sự cố bài thơ “Đất nước thời gian lao” được giải thưởng và tác giả xin rút là quyền của tác giả. Cuối tháng 8 năm nay Hội sẽ chuẩn bị cuộc hội thảo “Thơ Việt Nam sau 20 năm đổi mới” thì có thể đưa nội dung bài thơ này hội thảo. Và dù nó có được giải hay không thì nó vẫn tồn tại một cách khách quan trong lòng độc giả.

Vấn đề Ban chấp hành vẫn là tâm điểm chú ý với nhiều câu hỏi xung quanh. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến không ngần ngại đưa quan điểm của mình được rút ra từ các đại hội là hầu như những ai ngồi Đoàn chủ tịch đều dễ trúng Ban chấp hành. Vậy Đại hội có chỉ định Đoàn chủ tịch như là cách “ngầm” về hình ảnh một Ban chấp hành tương lai hay Đại hội sẽ bầu và tiêu chí bầu thế nào? Rồi có bao nhiêu phần trăm nhà văn trẻ có mặt trong Ban chấp hành? Nhà văn Văn Chinh thì hỏi thêm, làm thế nào để bầu được đủ Ban chấp hành có cả nhà văn già - trẻ, nhà văn Bắc - Trung - Nam, nhà văn dân tộc… Nhà thơ Đặng Huy Giang đặt ra vấn đề bầu cử phải có những thay đổi thì chúng ta mới bầu đủ số lượng dự kiến, nếu con số đề cử trong đại hội toàn quốc lên đến 500 người thì sao? Vì nhà văn chúng ta biết nhau còn ít nên đại hội nên có phần giới thiệu như “lý lịch trích ngang” trước khi bầu cử. Nhà văn Y Ban thẳng thắn nói về Ban chấp hành khoá VII tại sao có 1 uỷ viên không hoạt động mà không thấy Hội Nhà văn có ý kiến cũng như tại sao Ban chấp hành không bãi miễn hay bổ sung thêm thành viên Ban chấp hành? Nếu không, đây sẽ là tiền lệ xấu cho những uỷ viên Ban chấp hành khoá sau. Phóng viên báo điện tử Tổ Quốc đặt vấn đề Hội Nhà văn được xác định là hội đặc thù và chức danh Chủ tịch vừa có những thay đổi về độ tuổi từ 65-70 cũng như không giới hạn nhiệm kỳ thì các chức danh khác như Tổng biên tập các báo, tạp chí của Hội có thay đổi về độ tuổi như vậy không? Tổng biên tập của báo Văn nghệ là Uỷ viên Ban chấp hành thì các tạp chí, cơ quan khác của hội người đứng đầu có nhất thiết phải là Uỷ viên Ban chấp hành hay không?

Nhà thơ Hữu Thỉnh trả lời Ban chấp hành có số lượng bao nhiêu, bao nhiêu người là nhà văn trẻ, cơ cấu thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả của Đại hội, quyền quyết định thuộc về Đại hội. Còn Ban chấp hành không giới thiệu ai ngồi vào đoàn chủ tịch. Đoàn chủ tịch không do chỉ định mà do Đại hội bầu ra. Tiêu chí để bầu đoàn chủ tịch là những người quan tâm đến các hoạt động của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ qua, có thể trả lời các câu hỏi và có khả năng điều hành đại hội. Sẽ có một số cải tiến để đại hội có thể bầu đủ số lượng Ban chấp hành như cung cấp thông tin như một bản “lý lịch trích ngang” về cá nhân ứng cử và đề cử cho nhà văn trước khi quyết định bầu ai. Còn việc bổ sung uỷ viên Ban chấp hành thì có thể làm được nhưng bãi miễn thì chúng ta sẽ bàn tiếp trong đại hội chính thức. Ban chấp hành trong nhiệm kỳ trước có quá ít người nên chỉ có nhà văn Nguyễn Trí Huân làm tổng biên tập báo Văn nghệ. Còn các cơ quan xung yếu của Hội Nhà văn như báo, nhà xuất bản thì người đứng đầu có nhất thiết phải là uỷ viên Ban chấp hành hay không cũng phải phụ thuộc vào số lượng uỷ viên trúng cử sắp tới. Nếu số lượng không nhiều thì cũng không nhất thiết. 

Trước câu hỏi có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ các ban đề tài và chỉ tồn tại bốn hội đồng chuyên môn, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định vẫn để như hiện tại, và thêm một số ban quan trọng như: thiếu nhi, an ninh quốc phòng, dân tộc, ban nhà văn nữ, ban nhà văn trẻ. Nhưng trong nhiệm kỳ này chức năng cũng như nhiệm vụ sẽ được quy định rõ ràng, không chồng chéo với các hội đồng, không biến “ban” thành các “hội đồng con”.

Mặc dù nhà thơ Hữu Thỉnh cung cấp nhiều thông tin mới cũng như trả lời chất vấn của báo chí nhưng ông cũng khẳng định hiện tại Hội Nhà văn cùng Ban chấp hành đương nhiệm vẫn đang tiến hành cuộc họp nội bộ cuối cùng trước khi đại hội chính thức diễn ra (cuộc họp sẽ kéo dài đến hết 28/7) vì vậy một số thông tin từ buổi họp báo sáng nay vẫn chưa phải là thông tin cuối cùng của Hội Nhà văn. Biết đâu trong thời gian từ nay đến lúc diễn ra Đại hội chính thức (dự kiến từ ngày 4-6/8/2010) cũng là cơ hội để các nhà văn Việt Nam có thêm thời gian gặp và hiểu nhau.

Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ