(Tổ Quốc) - Từ ngày 13/6 đến 16/6/2023, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) và các cuộc họp liên quan.
Đây là các sự kiện nằm trong khuôn khổ năm Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai 2023.
Tham dự hội nghị có Phó Tổng Thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong, hơn 60 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA), các đối tác phát triển của ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tổ chức quốc tế trong khu vực. Đông Timor tham dự với vai trò quan sát viên tại hội nghị…
Hội nghị ACDM lần thứ 42 tập trung thảo luận các nội dung: Cập nhật tiến độ thực hiện chương trình công tác Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) giai đoạn 2021-2025; rà soát các tiến độ xây dựng và triển khai các văn kiện, cơ chế, hoạt động về hợp tác khu vực trong quản lý thiên tai như: Chiến lược khu vực ASEAN về khắc phục hậu quả thiên tai (2023- 2024); sáng kiến của thanh niên ASEAN vì một khu vực chống chịu thiên tai; khung truyền thông rủi ro thiên tai ASEAN; quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp ASEAN; chuẩn bị công tác diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó khẩn cấp thiên tai (ARDEX) 2023 tại Indonesia…
Bên cạnh đó, trong hai ngày 14 và 15/6 sẽ diễn ra một số cuộc họp liên quan: Họp Ban Quản trị Trung tâm AHA lần thứ 18; Diễn đàn ASEAN về chống chịu thiên tai (ADRP) lần thứ 3; các cuộc họp giữa ACDM và các đối tác phát triển trong khu vực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
"Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai năm 2023, Việt Nam đang thúc đẩy chủ đề của năm Chủ tịch ACDM là "Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu: Hành trình của ASEAN hướng tới vai trò lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai". Chủ đề này nhằm nhấn mạnh định hướng trong quản lý thiên tai chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa", ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực và có uy tín cao trong khối ASEAN, trong đó hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai là một nội dung hợp tác quan trọng của ASEAN trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Trong những năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tích cực tham gia triển khai Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm hoạ và ứng phó khẩn cấp (AADMER) và vận hành Trung tâm điều khối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA) để ứng phó với các thiên tai lớn trong khu vực, hỗ trợ một số quốc gia ASEAN ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19, cũng như triển khai hỗ trợ nhân đạo của ASEAN tại Myanmar theo chỉ đạo của lãnh đạo ASEAN…
Việc đăng cai tổ chức diễn đàn lớn về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là nghĩa vụ của Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để ta chủ động dẫn dắt, góp phần nâng cao hiệu quả, vị thế và thể hiện vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung.
Được biết, Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai nhất trên thế giới. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc về Châu Á - Thái Bình Dương, các thảm họa thiên nhiên bao gồm lũ lụt, bão, nắng nóng, hạn hán, thậm chí là động đất và sóng thần, đã làm các quốc gia trong khu vực chịu thiệt hại kinh tế trung bình hàng năm lên tới 86,5 tỷ USD. Theo thống kê từ năm 2012-2020, ít nhất 2.916 thảm họa, thiên tai đã xảy ra tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có một số trận quy mô lớn như bão Bopha (2012) ở Philippines; bão Haiyan (2013) ở Philippines; động đất và sóng thần miền Trung Sulawesi (2018) ở Indonesia, bão Mangkhut (2018) ở Philippines và bão Damrey (2017) ở Việt Nam…
Là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số, đi cùng với đó là sự suy thoái môi trường tự nhiên và biến đổi khí hậu, Đông Nam Á ngày càng dễ bị tổn thương trước những đợt thiên tai vốn ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất.
Trong bối cảnh như vậy, hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong quản lý thiên tai đã trở thành một điểm sáng nổi bật trong sự hợp tác, cam kết đa ngành - đa lĩnh vực trong khu vực, cũng như với các đối tác ngoài khu vực. Giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030.