• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hợp tác nghiên cứu nông nghiệp EU - ASEAN giàu tiềm năng

Kinh tế 28/02/2023 13:59

(Tổ Quốc) - Theo phân tích trên trang East Asia Forum, hợp tác nghiên cứu nông nghiệp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) còn nhiều không gian để phát triển.

Trong vài năm qua, một số quốc gia thành viên ASEAN đã phải đối mặt với các vấn đề an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng kép từ đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm và hạn chế sản lượng lúa mì và phân bón toàn cầu.

Cần tập trung vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp

Các quốc gia thành viên ASEAN hiện đang ưu tiên duy trì chuỗi cung ứng thực phẩm mở và linh động. Tuy nhiên, một nội dung quan trọng không kém khác là phải giải quyết nhiều mối đe dọa đang rình rập an ninh lương thực. Ví dụ như biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho sản xuất lương thực khi khiến nhiệt độ và lượng mưa dao động liên tục hay quá trình đô thị hóa ngày càng tăng đã gây ra sự suy giảm trong lực lượng lao động nông nghiệp do nhóm nông dân hiện tại già đi và người trẻ thì ít quan tâm đến nghề làm nông.

Hợp tác nghiên cứu nông nghiệp EU - ASEAN giàu tiềm năng - Ảnh 1.

Cả EU và ASEAN sẽ được hưởng lợi khi ASEAN có một nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: East Asia Forum.

Trước những thách thức này, nghiên cứu và phát triển (R&D) nông nghiệp nên là một thành phần cốt lõi của mọi chính sách an ninh lương thực quốc gia. Các nghiên cứu cần tập trung phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu với khí hậu bất ổn và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ giúp tối ưu hóa sản xuất, ví dụ như sử dụng máy bay không người lái và cảm biến để hỗ trợ tưới tiêu và giảm sức lao động. Hiện đại hóa ngành nông nghiệp sẽ giúp thay đổi nhận thức tiêu cực của giới trẻ rằng ngành này "vất vả, khó khăn và thường phải lội dưới bùn lầy".

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các quốc gia thành viên ASEAN đều phải chi tiêu mạnh cho nghiên cứu nông nghiệp. Vào năm 2020, một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế đã nhấn mạnh rằng không chỉ các thành viên ASEAN đầu tư chưa đầy đủ vào R&D nông nghiệp, mà chi tiêu của họ cho R&D nông nghiệp cũng đã giảm dần trong giai đoạn 2000–2017. Ngành nông nghiệp khu vực cũng chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ nên không thể đầu tư đáng kể vào R&D.

Hiện tại, các nỗ lực R&D nông nghiệp của ASEAN chủ yếu giới hạn trong trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên. Dù vậy, ASEAN cũng đã dần thúc đẩy hợp tác với các đối tác bên ngoài để mở rộng quy mô phối hợp nghiên cứu và xây dựng chính sách. Chẳng hạn, sự hợp tác của ASEAN với Nhật Bản trong lĩnh vực giám sát sức khỏe cộng đồng là một trong những câu chuyện thành công như vậy.

Thúc đẩy sáng kiến hợp tác nông nghiệp EU - ASEAN

Trên cơ sở này, các chuyên gia của trang East Asia Forum cũng đề xuất nên thực hiện một sáng kiến tương tự trong lĩnh vực nông nghiệp vì EU là một đối tác rất phù hợp với ASEAN. EU vẫn quan tâm đến bối cảnh an ninh lương thực của ASEAN vì Indonesia, Việt Nam và Malaysia là những nguồn nhập khẩu nông sản thực phẩm chính cho khối này.

EU cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận được những tri thức bản địa của các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở Đông Nam Á khi họ có một kho tàng kiến thức quý giá về canh tác bền vững. Các hộ nông dân nhỏ cũng có khả năng gia tăng sản lượng nhiều hơn trên một đơn vị diện tích đất so với các trang trại lớn khi họ áp dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp.

Một sáng kiến hợp tác EU-ASEAN tiềm năng về lĩnh vực nông nghiệp có thể được chia thành hai nội dung. Nội dung đầu tiên là EU tài trợ và chia sẻ chuyên môn kỹ thuật để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp ASEAN (ACARD). Mục tiêu chính của ACARD là đào tạo các nhà nghiên cứu chuyên về công nghệ nông nghiệp và giúp điều phối R&D nông sản-thực phẩm trong khu vực.

Dựa trên những nỗ lực trao đổi kiến thức, kinh nghiệm nông nghiệp trong khu vực hiện tại, ACARD có thể theo dõi tình trạng và tiến độ của các tổ chức liên quan trong việc đóng góp cho an ninh lương thực và các nỗ lực R&D nông sản thực phẩm. ACARD có thể làm việc với Ban dự trữ an ninh lương thực ASEAN, Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN, các tổ chức học thuật và tổ chức nghiên cứu tư nhân. Bằng cách trở thành trung tâm của mạng lưới nghiên cứu R&D nông sản-thực phẩm khu vực, ACARD sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều phối R&D liên ngành và phát hiện các lĩnh vực nghiên cứu mới.

Nội dung thứ hai là để EU hỗ trợ mở rộng các mạng lưới phát triển nông nghiệp trên khắp ASEAN. Các mạng lưới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia giữa các bên liên quan trong ngành thực phẩm nông nghiệp, bao gồm nông dân, nhà hoạch định chính sách, học giả và các công ty nông nghiệp tư nhân. Mạng lưới chống chịu khí hậu ASEAN, tập trung vào nông nghiệp thông minh thích nghi với khí hậu, là một ví dụ như vậy.

Các mạng lưới này cũng có thể mở rộng tập trung vào đa dạng sinh học và quản lý đất, nước và chất thải; thúc đẩy đổi mới canh tác và chia sẻ những phát hiện của họ một cách dễ tiếp cận nhất tới các hộ nông dân sản xuất nhỏ. Các mạng lưới này sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để tăng cường sự quan tâm của các hộ nông dân tới việc áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững.

Sự hợp tác R&D nông nghiệp ASEAN – EU cũng sẽ giúp tăng cường hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược EU-ASEAN về tăng trưởng xanh và phát triển năng lực. EU có thể học hỏi kinh nghiệm chung của các hộ nông dân sản xuất nhỏ tại ASEAN, trong khi ASEAN sẽ tích cực đón nhận sự hỗ trợ để phát triển năng lực nghiên cứu và nâng cao nhận thức cho nông dân. Cả EU và ASEAN sẽ được lợi từ một ASEAN có vị thế an ninh lương thực vững chắc hơn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ