(Tổ Quốc) - Ngày 1/7, tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, trong khuôn khổ của Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc, phiên tham luận Hợp tác, phát triển công nghiệp văn hoá và xúc tiến du lịch: "Vì tương lai hợp tác toàn diện Việt - Hàn" đã diễn ra.
Còn rất nhiều dư địa cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL Việt Nam chia sẻ, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng cần khẩn trương triển khai, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở xác định và phát huy giá trị đặc sắc, tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, năm 2016, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó đã xác định 12 ngành, lĩnh vực cần tập trung phát triển gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh và du lịch văn hóa. Đến nay, từ những kết quả bước đầu đạt được trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, có thể khẳng định chủ trương, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là chỉ đạo đúng đắn của Việt Nam nhằm khai thác, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa trong đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội.
Sau 03 năm Việt Nam triển khai Chiến lược, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; đến năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên sự sụt giảm còn khoảng 4,32% và 3,92%; năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Theo ông Lê Minh Tuấn, các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa đã có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Những số liệu thống kê sau 07 năm đã khẳng định, Việt Nam còn rất nhiều dư địa cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, thậm chí tạo nên hướng đột phá trong phát triển kinh tế tri thức, kinh tế văn hóa để phát triển kinh tế theo chiều rộng và chiều sâu. Công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế phù hợp với quá trình chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
"Hàn Quốc đã có những bước đi rất hiệu quả trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên nhiều lĩnh vực, sản phẩm sáng tạo như điện ảnh, du lịch, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn… và gặt hái được thành công vang dội, lan tỏa các giá trị văn hóa ra thế giới, Việt Nam từ lâu đã là một thị trường quan trọng, tích cực đón nhận các sản phẩm sáng tạo của nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc" – ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh và lấy ví dụ năm 2023, ban nhạc Black Pink biểu diễn tại Hà Nội đã thu hút hàng trăm ngàn khán giả Việt Nam và quốc tế tham dự, hay các tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc được phát trên các kênh sóng truyền hình Việt Nam luôn được công chúng đón nhận tích cực…
Trong khi đó, nhạc sỹ Quốc Trung thì chia sẻ, mặc dù là nước có truyền thống âm nhạc và xuất phát điểm sớm hơn các nước trong khu vực nhưng do hoàn cảnh xã hội, kinh tế nên Việt Nam lại khá chậm và hạn chế trong việc hội nhập với âm nhạc thế giới và khu vực. Điều này dẫn tới nhiều hạn chế cho nghệ sĩ và nhà sản xuất Việt Nam trong việc xây dựng các dự án âm nhạc đỉnh cao bền vững, có sức hút với bên ngoài. Việt Nam cũng hầu như chưa có người được đào tạo hoặc có các cơ sở đào tào về quản lý, sản xuất âm nhạc.
Bên cạnh việc có nhiều nghệ sĩ tài năng thì đa phần nghệ sĩ Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các kế hoạch phát triển, các kỹ năng quản lý, quy trình sản xuất các album và dự án...
"Điều này hạn chế cơ hội xây dựng và mở rộng thị trường một cách bài bản, chuyên nghiệp và gần như triệt tiêu cơ hội hội nhập hay gia nhập thị trường âm nhạc khu vực hay xa hơn là toàn cầu"- nhạc sỹ Quốc Trung, Nhà sản xuất Monsoon Music Festival chia sẻ.
Đề xuất thành lập văn phòng xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo
Từ thực trạng trên, ông Lê Minh Tuấn đề nghị mong mỏi, phía Hàn Quốc và Việt Nam tăng cường phối hợp hơn nữa trong thúc đẩy, phát triển công nghiệp văn hóa giữa hai quốc gia và mong muốn Hàn Quốc hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất âm nhạc, điện ảnh, thời trang…; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất các sản phẩm sáng tạo công nghiệp văn hóa và lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác đầu tư xây dựng Công viên sáng tạo công nghiệp văn hóa tại Việt Nam qua đó góp phần thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa của hai quốc gia ngày một phát triển.
Còn nhạc sỹ Quốc Trung thì đề xuất sáng kiến tới Bộ VHTTDL và Chính phủ về việc cần thành lập những văn phòng xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, trước tiên có thể tại Hàn Quốc.
"Việc này nhằm hỗ trợ kết nối cho các nghệ sĩ Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc cũng như các nước trong khu vực và tương lai có những chính sách khuyến khích và thành lập các Quỹ Văn hóa để có thể tạo thêm nhiều cơ hội hơn cho các nghệ sĩ của Việt Nam phát triển. Đồng thời mang những sáng tạo của mình ra bên ngoài học hỏi và tạo động lực phát triển cho nền công nghiệp âm nhạc trong nước"- nhạc sỹ Quốc Trung chia sẻ.
Ngoài ra, nhạc sỹ Quốc Trung cũng mong muốn có nhiều chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam trao đổi kinh nghiệm xây dựng công nghiệp văn hóa, công nghiệp âm nhạc cùng các nghệ sĩ Việt Nam đưa ra các sáng kiến góp phần hoàn thiện thể chế và chính sách quản lý công nghiệp sáng tạo… tạo ra môi trường lành mạnh cho sự phát triển đề cao sáng tạo cũng như một thị trường lành mạnh, bình đẳng, hội nhập, hợp tác và cùng phát triển.
Về lĩnh vực du lịch văn hoá, tại phiên tham luận, bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World thuộc Sun Group cho hay, năm 2023, 100% khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng đều ghé Ba Na Hills, còn tại Phú Quốc, con số này là 24% đến với Hòn Thơm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sun Group đã chào đón gần 900.000 du khách Hàn Quốc, chiếm gần 40% tổng số khách đến Việt Nam. Trong hệ thống của Sun Group đều có rất nhiều sản phẩm du lịch sáng tạo từ văn hóa với nhiều show văn hóa truyền thống như rối Việt, hay âm nhạc hàn lâm…
"Điều này chứng minh cho việc các sản phẩm văn hóa độc đáo sáng tạo đã góp phần làm đẹp những vùng đất, thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và là điểm đến hấp dẫn quen thuộc của người dân Hàn Quốc" – bà Trần Nguyện chia sẻ.
Đại diện Sun Group đề xuất, liên tục tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của 2 nước tại các Sun World; tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa Việt Hàn tại các điểm đến như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long, Sapa… Đồng thời phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa mang dấu ấn 2 nước tại các Sun World, và coi Sun World là điểm đến chiến lược cho các tour của người Hàn Quốc đến Việt Nam.
"Về phía Sun World, chúng tôi sẵn sàng và cam kết đồng hành chào đón các sự kiện nêu trên với vai trò là điểm đến chiến lược. Chúng tôi luôn chào đón các đoàn làm phim điện ảnh, các đài truyền hình đến các khu Sun World để ghi hình cho các bộ phim, các chương trình truyền hình thực tế, các sự kiện văn hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa mang dấu ấn 2 nước"- bà Trần Nguyện bày tỏ.
Đài truyền hình MBC Mokpo hợp tác với VTV2 về Chương trình nghệ thuật cho các gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc
Mối quan hệ hợp tác sản xuất chương trình giữa Đài truyền hình Mokpo MBC và Ban Khoa giáo, (kênh VTV2), Đài Truyền hình VN, bắt đầu từ năm 2022, được phát sóng trên đài Mokpo MBC vào tháng 6 và trên kênh VTV2 vào tháng 9 năm 2023.
Tiếp nối thành công đó, đài truyền hình Mokpo MBC và VTV2 đã phối hợp sản xuất 3 tập phim tài liệu "Những nhà hàng lâu đời ở Châu Á". Nội dung chính xoay quanh sự giống nhau và khác biệt trong văn hóa ẩm thực của các quốc gia Châu Á, thông qua các nhà hàng lâu đời tại Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Tại Việt Nam, ekip sản xuất đã lựa chọn 3 món ăn: bún chả, bún bò Huế và phở. 3 tập phim đã được phát sóng vào tháng 4 và tháng 5 trên đài Mokpo MBC và vào tháng 7 trên kênh VTV2.
Đài truyền hình Mokpo MBC và VTV2 đã ký kết Biên bản ghi nhớ trong việc tiếp tục phối hợp sản xuất chương trình về văn hóa phát sóng ở 2 quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc. Gần đây nhất, 2 bên đã ký Biên bản ghi nhớ trong việc trao đổi nội dung chương trình như: cuộc sống của các gia đình đa văn hóa người Việt tại Hàn Quốc, các chương trình về văn hoá, du lịch, lịch sử của Việt Nam.
Trong năm 2024, 2 bên sẽ tiếp tục phối hợp sản xuất các chương trình hướng tới người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại thành phố Mokpo, Hàn Quốc. Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để cùng nhau sản xuất các chương trình với nhiều nội dung khác nhau, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa 2 quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc.