• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hợp tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng

Văn hoá 26/02/2020 09:22

(Tổ Quốc) - Chiều 25/2/2020, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Hợp tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng - Ảnh 1.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện phát biểu tại Lễ ký kết.

Phát biểu tại lễ ký kết, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, Chương trình phối hợp công tác được ký kết nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng với các mục tiêu: Tăng cường phát triển cơ sở vật chất, tiện ích thư viện, các dịch vụ thư viện hiện đại, hình thành môi trường đọc thân thiện và an toàn, phát triển thư viện nhà trường thành hạt nhân văn hóa đọc tại cơ sở; Xây dựng và duy trì thói quen đọc sách thường xuyên cho giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và người dân trong cộng đồng phục vụ nghiên cứu, học tập, giải trí, lao động, sản xuất; Góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng xã hội học tập, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tạo môi trường học tập suốt đời của người dân tại cơ sở, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Bà Ngà tin tưởng: "Những hoạt động được triển khai từ chương trình phối hợp công tác này sẽ tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường theo định hướng đổi mới giáo dục phổ thông tạo môi trường thuận lợi cho các em học sinh có thể tự học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và giáo viên có thêm tài liệu tham khảo, phương tiện hỗ trợ để nâng cao chất lượng bài giảng; Từng bước thực hiện được phương châm biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; Khơi dậy niềm đam mê và lòng yêu đọc sách từ sớm của trẻ em, trang bị kỹ năng, phương pháp đọc cho giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và người dân trong cộng đồng; Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thư viện, văn hóa đọc trong các nhà trường, cơ sở giáo dục và cộng đồng; Huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ xây dựng và phát triển thư viện cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, tủ sách lớp học; Tạo cơ chế kết nối giữa thư viện nhà trường với thư viện công cộng, thư viện cộng đồng trên địa bàn phục vụ hiệu quả nhu cầu đọc của học sinh, giáo viên và nhân dân; Thực hiện hiệu quả, đạt các mục tiêu Dự án "Phát triển thư viện nhà trường thành hạt nhân văn hóa đọc trên địa bàn xã" đã đề ra".

"Thông qua các hoạt động của Chương trình, chúng ta cùng mong nuốn sẽ góp một phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường phổ thông. Từ các hoạt động truyền thông và lan tỏa từ những kết quả hoạt động thực tế, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh thuận lợi trong giảng dạy và học tập, phụ huynh quan tâm việc học tập của con, học sinh diện hộ nghèo, người khuyết tật được động viên kịp thời vươn lên trong học tập và cuộc sống. Từ đó, Chương trình sẽ góp phần nâng cao dân trí, giúp cho giáo viên, học sinh và người dân có thêm hiểu biết về luật pháp, đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện, kinh tế- xã hội địa phương phát triển bền vững, an ninh chính trị được bảo đảm, góp phần thực hiện các tiêu chí về xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới được duy trì phát triển bền vững", bà Ngà nhấn mạnh.

Hợp tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Vinh Hiển - Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết.

Trong thời gian qua, Bộ GDĐT cùng với Bộ VHTTDL, đặc biệt là Vụ Thư viện đã có nhiều sự phối hợp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Hiển - Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam khẳng định: Chương trình phối hợp này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Ông Hiển mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Vụ Thư viện trong thực hiện chương trình, đồng thời hy vọng sẽ có nhiều sự hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.

Hợp tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng - Ảnh 3.

Hai bên ký kết chương trình phối hợp công tác.

Theo Chương trình phối hợp công tác, hai bên sẽ tổ chức thực hiện các nội dung:

Xây dựng cẩm nang về thiết lập và hoạt động thư viện nhà trường. Truyền thông về thư viện thân thiện trong học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng.

Phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ thư viện và năng lực sử dụng thư viện cho viên chức thư viện và giáo viên như một nguồn lực để phát triển văn hóa đọc, đổi mới hình thức tổ chức giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh tại nhà trường.

Hướng dẫn phương pháp đọc hiệu quả cho trẻ em, hướng dẫn sử dụng thư viện, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường hướng dẫn kỹ năng, phương thức phối hợp cho phụ huynh học sinh và gia đình.

Triển khai các hoạt động nhằm tăng cường cơ sở vật chất, sách, tài liệu, thiết bị kĩ thuật số và Internet cho thư viện nhà trường (sắm mới hoặc cải tạo/nâng cấp). Xây dựng và vận hành phần mềm quản lý thư viện; phát triển sách và tài liệu, tiện ích thư viện, cơ sở vật chất (tủ sách, giá sách… ) của lớp học, của thư viện thân thiện bằng nguồn lực xã hội hoá.

Kết nối tài liệu và hoạt động giữa thư viện nhà trường với các tủ sách lớp học, tủ sách lớp học và thư viện xanh; với thư viện công lập và các loại thư viện khác trên địa bàn. Tổ chức các hoạt động khuyến học, hình thành thói quen, kỹ năng đọc của người học, người dạy, cộng đồng thông qua các hình thức: Triển lãm, hội thi, giao lưu tác phẩm, tác giả và các hình thức khác nhằm phát triển văn hóa đọc phù hợp với lứa tuổi, trình độ từng cấp học.

Đánh giá, sơ kết, tổng kết hiệu quả hoạt động Chương trình: Việc tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp công tác được đánh giá hằng năm, sơ kết 3 năm từ đó định hướng cho thời gian tiếp theo.

Hợp tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng - Ảnh 4.

Hợp tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng - Ảnh 5.

 

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ