(Tổ Quốc)- Với những tiềm năng và thế mạnh độc đáo về du lịch sinh thái nhưng chưa được đánh thức, Vườn Quốc gia Bạch Mã có thể xem là “nàng công chúa” đang ngủ quên trên đất Cố đô Huế.
- 18.03.2016 Linh thiêng Lễ hội Đền Bạch Mã
- 29.08.2011 Ngừng các tour du lịch để mở đường lên Bạch Mã
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã được xác định cần phát triển thành một trong 6 điểm du lịch quốc gia trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Để có cơ sở quản lý bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị của VQG Bạch Mã, đồng thời tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh và phát triển dịch vụ sinh thái, thời gian vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã và tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các nhà khoa học và các chuyên gia về vấn đề này. Đây là lần đầu tiên hội nghị về quy hoạch Bạch Mã được tổ chức sau khi đồ án quy hoạch được tỉnh trình lên các bộ ngành.
Sẽ có 2 tuyến cáp treo tại Bạch Mã?
Toàn cảnh Hội nghị Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Ảnh: Lê Chung
Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, VQG Bạch Mã là một trong 7 khu vực bảo tồn thiên nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam. Tọa lạc trên vùng núi cao với khí hậu mát mẻ và mưa nhiều, nơi đây hiện còn lưu giữ cảnh quan quan thiên nhiên nguyên sơ và hùng vĩ như đỉnh cao Bạch Mã 1.450m, thác Đỗ Quyên cao hơn 30m, hệ thống hồ suối nguyên sinh,... Đặc biệt là hệ thống hệ động thực vật phong phú, đa dạng.
Trước đây, dưới thời Pháp thuộc, Bạch Mã đã sớm được đưa vào khai thác làm du lịch, tuy nhiên sau đó đã bị chiến tranh làm hoang phế. Nhiều năm qua, du lịch Bạch Mã đã được quan tâm đầu tư và thu hút khách du lịch trở lại, nhưng sự phát triển này vẫn còn quá nghèo nàn, chưa xứng với tiềm năng.
Với những tiềm năng và thế mạnh độc đáo về du lịch sinh thái nhưng chưa được đánh thức, Vườn Quốc gia Bạch Mã có thể xem là "nàng công chúa" đang ngủ quên trên đất Cố đô Huế. Người dân Thừa Thiên – Huế từ lâu đã có một giấc mơ phục hồi lại vị thế của du lịch Bạch Mã, tạo dựng vị thế cho du lịch Thừa Thiên – Huế.
Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế
Theo ông Phương, trong chiến lược phát triển du lịch của mình, Thừa Thiên – Huế định hướng VQG Bạch Mã sẽ được khai thác, quản lý và phát triển theo quy hoạch, tạo hình ảnh một khu chức năng sinh thái và một trung tâm du lịch trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên sẵn có.
Sau nhiều năm tiến hành với sự hỗ trợ của những chuyên gia tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế các khu du lịch trên thế giới, đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã đã được hình thành từ ý tưởng của Công ty WATG (Mỹ).
Đại diện Công ty WATG (Mỹ) trình bày đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Ảnh: Lê Chung
Cụ thể, khu du lịch sinh thái Bạch Mã dự kiến sẽ có 2 phân khu. Phân khu A là trạm cơ sở tại khu vực Khe Su với diện tích hơn 64 ha. Khu này ngoài là nơi tiếp đón khách du lịch và là nơi đặt nhà ga cáp treo còn có các chức năng như dịch vụ trong nhà và ngoài trời, công trình phụ trợ, trang trại hữu cơ,..
Khu B với diện tích khoảng 300 ha nằm trên đỉnh Bạch Mã sẽ được quy hoạch phát triển du lịch sinh thái. Tại đây sẽ phân thành các phân khu khác nhau gồm: Làng du lịch đỉnh núi; Làng du lịch di sản; Làng du lịch trung tâm; Khu du lịch tâm linh; Khu dịch vụ phụ trợ; Khu du lịch sinh thái thác nước. Tại đây sẽ xây dựng nhiều công trình như villa, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng,.. với chiều cao 2 tầng trở xuống.
Phối cảnh cáp treo tại Bạch Mã. Ảnh: Lê Chung
Cùng với quy hoạch phân khu, nhà tư vấn Tập đoàn Poma cũng giới thiệu 2 tuyến cáp treo tại Bạch Mã. Trong đó tuyến số 1 kết nối từ khu A đến làng trung tâm ở khu B với chiều dài 4km; tuyến số 2 là từ trung tâm khu B xuống khu vực Ngũ Hồ, dài 1,6 km. Công suất tốt đa là 1.750 hành khách/giờ.
Nhiều ý kiến từ chuyên gia
Sau khi xem xét về Quy hoạch phân khu Khu du lịch sinh thái Bạch Mã, đã có nhiều ý kiến, góp ý từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu ở Huế về bản quy hoạch này. Đa phần các chuyên gia đều khá đồng tình với phương án xây dựng cáp treo.
Sơ đồ vị trí dự án trong định hướng phát triển không gian vùng. Ảnh: Lê Chung
KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, giải pháp cáp treo tại Bạch Mã là tối ưu vì ít tác động môi trường nhất lại có thể tham quan được hệ sinh thái từ trên cao. Tuy nhiên về mật độ xây dựng, theo ông Chính mật độ phân bố các công trình xây dựng trên đỉnh núi như trong bản quy hoạch là quá dày.
Đồng tình với ý kiến của KTS Trần Ngọc Chính, bà Lã Thị Kim Ngân – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia đánh giá khu B quá dày đặc các công trình lưu trú và thương mại nên cần có sự điều tiết quy mô dịch vụ tại đây xuống vùng đệm để tạo kế sinh nhai cho người dân.
Cũng theo bà Ngân, hiện tại bản quy hoạch tổng thể của WATG chỉ nói tổng thể, chưa đi vào chi tiết từng phân khu. Trong đó, bản đồ hiện trạng rất quan trọng, cần phải có xác lập của đơn vị đo đạc và cần thông số hóa các phân khu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa góp ý về Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Ảnh: Lê Chung
Còn theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa – Nguyên Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên – Huế, đề án rất chú ý đến quy hoạch khu B xem đây là "phần cốt lõi của dự án quy hoạch", nhưng lại xem nhẹ việc khai thác khu A ở chân núi Bạch Mã. Hiện tại khu vực này có thể nghiên cứu khai thác để phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Hoa cũng đưa ra đề xuất, ở khu B nên hình thành các phân khu dịch vụ có tính độc đáo và sức hấp dẫn của một khu du lịch sinh thái như vườn phong lan bản địa, công viên hoa ôn đới, khu camping park,.. Việc quy hoạch quá nhiều công trình trên đỉnh Bạch Mã cũng khiến ông Hoa cảm nhận "hơi quá tải".
"Chúng ta đừng bị ám ảnh con số 139 biệt thự của Pháp mà chỉ cần phục hồi những biệt thự độc đáo, vừa đủ cho khách lưu trú. Còn hệ thống cáp treo thứ 2 từ đỉnh Bạch Mã xuống Ngũ Hồ cũng không nên mà có thể chọn những giải pháp khác hợp lý hơn, thân thiện với môi trường hơn như đi xe điện hoặc xe đạp chẳng hạn", ông Hoa góp ý.
Về định hướng quy hoạch thiết kế kiến trúc ở Bạch Mã, ông Hoa cũng góp ý thêm, bản quy hoạch cần có thêm nội dung định hướng rõ hơn. Ví dụ như gắn công trình kiến trúc với cảnh quan, với cây bản địa và những loài hoa ôn đới,.. Cố gắng tạo cho được một nét kiến trúc khác biệt, riêng có của Khu du lịch sinh thái Bạch Mã.