(Toquoc)-"Chính sự tham gia tích cực của người dân đã đem đến nhiều nguồn lợi khi tổ chức lễ hội".
(Toquoc)- Nhiều lễ hội diễn ra cùng với những biến tướng đã khiến dư luận lo ngại về sự lãng phí, về bệnh hình thức… song không thể không kể đến những đóng góp tích cực mà lễ hội đem lại cho xã hội. Điều này thể hiện rõ ở Festival Huế.
|
Ông Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên- Huế (Ảnh: Hà An) |
Một năm, riêng Thừa Thiên- Huế có đến 530 lễ hội. Tuy nhiên, các lễ hội ở địa phương được nhà nước và nhân dân cùng phối hợp tổ chức hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Tổ Quốc về tổ chức lễ hội tại địa phương, ông Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên- Huế cho biết.
+ Huế là địa phương có khá nhiều lễ hội so với các địa phương trong cả nước. Ông có thể đánh giá về những hiệu quả mà lễ hội đem lại cho địa phương?
- Lễ hội, đặc biệt là festival, có ý nghĩa hết sức quan trọng để đem lại cho Huế những giá trị văn hoá có sức thu hút cao và kinh tế phát triển hết sức thuyết phục.
Nhờ các hoạt động lễ hội, các tour của các hãng du lịch lớn trên thế giới đã dần dần đưa khách đến trong các kỳ festival, điều này chứng tỏ rằng, festival Huế có sức thu hút không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Giá trị đem lại đó cũng đã đem lại sự tăng về giá trị tỉ trọng du lịch trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh, từ du lịch và dịch vụ chiếm 38% trong năm 2008, đến 2010, chúng tôi ước đạt 44 % và phấn đấu trong 5 năm tới, du lịch và dịch vụ sẽ đạt con số 48- 49% trong tỉ trọng thu nhập của tỉnh. Điều đó có thể khẳng định festival đã đem lại những nguồn lợi rất lớn cả về giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội.
+ Nguồn lợi đó có đến được với các làng quê trong tỉnh không, thưa ông?
- Chính sự tham gia tích cực của người dân tại các địa phương đã đem đến nhiều nguồn lợi khi tổ chức lễ hội. Từ các lễ hội đó, hình thành nên những điểm tham quan. Ví dụ, từ giai đoạn đầu tổ chức festival, số lượng khách đến các điểm như Phước Tích làng cổ, Chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn…chỉ vài trăm lượt, giờ chúng tôi đã đạt được hàng chục ngàn. Như khu vực Chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn: 20 ngàn lượt khách; làng cổ Phước Tích cũng đã đạt đến 15 ngàn lượt.
+ Theo ông, điều gì là cốt yếu làm nên hiệu quả của hoạt động lễ hội tại địa phương?
- Chúng tôi qua kinh nghiệm của mình, thấy rằng, khác với các địa phương khác, khi mà nhà nước tổ chức lễ hội thì người dân đứng ngoài xem, họ ít tham gia, hoặc khi người dân làm lễ hội thì các cơ quan nhà nước lại nghĩ, thôi thì cái này là của dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ít hơn. Chúng tôi xác định, lễ hội phải hài hòa giữa nhà nước và nhân dân cùng làm, cái nào nhân dân làm thì nhà nước quản lý, định hướng. Vấn đề là làm sao phát huy được sự tham gia tích cực của cộng đồng, chính cộng đồng là những người đã đem những giá trị văn hoá Huế đến tận các vùng mà ở đó có các giá trị văn hoá đang tiềm ẩn như Chợ quê ngày hội, Làng cổ Phước Tích, Thuận An biển gọi: Tháp Chăm Phú Diên…
+ Huế là vùng có tài nguyên phát triển du lịch rất phong phú. Theo ông, sẽ khai thác hình thức nào để phát huy được lợi thế?
- Thiên nhiên và lịch sử đã ban tặng cho Huế sự đa dạng về các sản phẩm du lịch, cả truyền thống và hiện đại, đó là hệ thống các kiến trúc cung đình và lễ hội cung đình.
Thứ hai, Huế cũng là nơi chứa đựng rất nhiều các giá trị văn hoá phi vật thể và các dấu tích văn hoá cổ, điều này cũng làm cho mọi người quan tâm đến các hoạt động. Vấn đề nữa là các sinh thái ở Huế rất đặc biệt, Huế có vùng đầm phá đến 22 ngàn ha, là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, còn rất nhiều các thắng cảnh trải dài trên tất cả các khu vực, các điểm và khu vực miền núi, chính điều này khiến Huế có khả năng phát triển các trung tâm, dịch vụ, du lịch biển, thể thao biển, du lịch các vùng sinh thái, các vùng trung du và miền núi…Đây là những điều mà chúng tôi chú trọng và trong chiến lược những năm tiếp theo Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển du lịch đầm phá và biển. Đây cũng là một chiến lược sẽ kích thích sự tăng trưởng các dịch vụ du lịch trong địa bàn.
+ Du lịch lễ hội có vị trí như thế nào trong chiến lược phát triển du lịch của Huế, thưa ông?
- Du lịch lễ hội được phát huy ở Huế cùng với không gian lịch sử, đây là thế mạnh của Huế. Chúng tôi thống kê được có 530 lễ hội ở Huế, có hơn 100 lễ hội đang được giữ gìn và phát huy. Chính những lễ hội đã được người dân tham gia và chính vì người dân tham gia nên người ta ý thức được, bảo vệ được những tài sản mà họ đang lưu giữ.
Nhờ các hoạt động lễ hội, các tour của các hãng du lịch lớn trên thế giới đã dần dần đưa khách đến trong các kỳ festival (Ảnh: Hà An)
Ở Huế thì bao giờ cũng xác định, bất cứ người dân làm thì các tổ chức xã hội, các tổ chức cơ quan du lịch, các hãng lữ hành đều phải có trách nhiệm đưa khách du lịch về. Nếu người dân làm mà không ai thưởng thức thì không có ý nghĩa gì. Điều này có ý nghĩa tích cực mà chúng tôi thấy rằng, trong thời gian vừa qua, Huế đã làm được. Có những lễ hội mà hoạt động ví dụ như ở Thuận An, hoặc ở làng Sình (làng làm hoa và làng vật), cứ mỗi năm như thế, lượng khách tăng từ 2000- 3000. Cứ mỗi năm như thế, có những lễ hội đã thu hút 20 ngàn người, như thế cho thấy, các lễ hội đã rất hiệu quả, rất hấp dẫn. Chúng tôi đã hình thành nên một lịch, công bố cho các hãng du lịch và báo chí biết rằng, năm 2010, 2011 và 2012… Huế có những lễ hội nào và chính nhờ điều này, báo chí có điều kiện phản ảnh và người du lịch chủ động sắp xếp để đến Huế…
Đây là điều mà chúng tôi chủ động triển khai các hoạt động để 2011 chúng tôi sẽ công bố Năm Du lịch quốc gia ở Huế một cách chủ động và thiết thực hơn.
+ Theo quan sát của chúng tôi, các làng quê tại Huế mà ông kể như Cầu Ngói Thanh Toàn, Phước Tích, Làng Sình…vẫn chưa được đầu tư phát triển giao thông thuận tiện, chưa hình thành các điểm du lịch?
- Ở làng Sình, người ta cũng trưng bày những tác phẩm hướng tới Festival như tranh in, một số các hoạt động làm giấy, hoa… ở Huế có tục thờ cúng đặt hoa giấy, tranh lên bàn thờ…và cũng có nhiều hãng du lịch đặt vấn đề là muốn tìm hiểu về nếp sống làng quê, những nghề thủ công truyền thống, tìm hiểu về văn hoá… những hãng du lịch có đưa khách về và nhân dịp festival, tôi biết thường cứ vài ba ngày là đưa khách về đấy. Đây là hoạt động lúc đầu có thể chưa đông nhưng dần dần sẽ thu hút được khách. Như ở làng cổ Phước Tích, lúc đầu, festival chỉ có vài trăm người, nhưng giờ đã là 15 ngàn người.
Cái gì lúc đầu cũng còn khó khăn nhưng dần dần sẽ phát triển.
Phước Tích có biến chuyển gì? Năm 2009 và 2010 khách rất đông. 2009 chúng tôi có thực hiện tour du lịch ở lại nhà dân (home -stay) để cho mọi người đến đó ở lại thưởng thức. Hình thức này cũng rất phát huy hiệu quả, trong năm nay đã có rất nhiều khách đặt tour này. Chúng tôi thấy rằng, bao giờ, du lịch Huế cũng chậm tĩnh và đi lên chứ nó ít có sự đột biến như một số địa phương khác nhưng cũng rất bền vững.
Chúng tôi yêu cầu các đơn vị thực hiện du lịch chất lượng chứ ko phải là du lịch số lượng. Có khi cứ đưa ào ào khách đến nhưng không hiệu quả. Đưa vài chục khách đến, người ta tự nghiên cứu, tự tham quan…tham gia các hoạt động, từ những người này họ sẽ kéo thêm những người bạn. Nếu chỉ ào ào thì trong những năm tiếp theo họ sẽ không đến.
+ Vâng, xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hà An (thực hiện)