• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Huế nỗ lực giải bài toán di dời dân “sống treo” trên di sản thế giới

Thời sự 09/10/2018 14:59

(Tổ Quốc) - Việc các hộ dân “sống treo” trên Di tích Kinh thành Huế như hiện nay đang gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị nói chung và Khu di sản Huế nói riêng, làm ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, cảnh quan trong di sản.

"Sống treo" trên di sản

Di tích Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và vua Minh Mạng (1805 -1833). Đây là Quần thể di tích có giá trị lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là tài sản văn hóa vô giá của quốc gia và là một trong những kinh đô phong kiến phương Đông còn lưu giữ được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện,.. cần được bảo tồn, tôn tạo phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ di sản, văn hóa.

Huế nỗ lực giải bài toán di dời dân “sống treo” trên di sản thế giới - Ảnh 1.

Hàng nghìn hộ dân đang "sống treo" trên Di tích Kinh thành Huế.

Thế nhưng có một thực tế còn tồn tại nhiều năm qua là Di tích Kinh thành Huế ngoài việc bị xuống cấp theo thời gian do những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu thì còn bị tác động, làm hư hại bởi yếu tố con người do chiến tranh và quá trình hình thành các khu vực dân cư sống trên thượng thành, trong khu vực di tích.

Trong khu vực I của di tích này hiện có rất đông người dân sinh sống do di dân từ vùng nông thôn vào thành thị, di dân do chiến tranh trong giai đoạn 1945 -1975 và gia tăng dân số tự nhiên. Điều này khiến cho di tích đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Để trả lại mặt bằng cho di tích, trong những năm vừa qua tỉnh Thừa Thiên – Huế đã từng bước di dời số dân cư nói trên. Cụ thể, giai đoạn 1996 – 2018 đã có 1.050 hộ dân tại các khu vực di tích như hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng Thành, Eo bầu phía Nam kinh thành,.. được di dời. Tuy nhiên con số này là không mấy khả quan khi sự gia tăng dân số tự nhiên đang tạo áp lực lớn lên các khu vực di tích còn lại chưa được di chuyển dân cư. Số hộ dân "sống treo" trong khu vực I của Di tích Kinh thành Huế đến nay đã lên tới hơn 4.200 hộ.

Huế nỗ lực giải bài toán di dời dân “sống treo” trên di sản thế giới - Ảnh 2.

Người dân dựng nhà và sinh sống trên Thượng Thành nằm trong khu vực I Di tích Kinh thành Huế đã hàng chục năm nay.

Có mặt tại những hộ dân đang sinh sống trong khu vực I của di tích, theo ghi nhận của phóng viên phần lớn đều có hoàn cảnh khá vất vả. Được biết, vì không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa trong khu vực di tích nên nhiều hộ phải sống trong những căn nhà chật hẹp, che chắn tạm bợ. Do hệ thống đường xá không được nâng cấp, không có đường thoát nước nên ở đây trở nên chật chội, nhếch nhác.

Bà Nguyễn Thị Gái (72 tuổi, trú tổ 14, phường Thuận Lộc, TP. Huế) chia sẻ, gia đình bà hiện có 3 thế hệ cùng sinh sống tại Thượng Thành. Trước giải phóng ở Thượng Thành đã có nhiều người lên sinh sống, tuy nhiên sau năm 1975 thì số hộ dân tăng đột biến càng khiến nơi này trở nên chật hẹp hơn.

Khổ nhất là các cháu nhỏ phải sinh hoạt hằng ngày trong ngôi nhà rách nát. Ở đây tới mùa mưa bão, nhiều hộ còn phải lo đi tìm nơi an toàn để trú ngụ qua ngày

Bà Nguyễn Thị Gái- phường Thuận Lộc- TP.Huế

Được biết, không chỉ có bà Gái mà nhiều hộ gia đình khác cũng đang có cùng hoàn cảnh. Nhiều hộ đến nay nhà cửa đã xuống cấp, hư hỏng nhưng vẫn phải chấp nhận sống chung, không dám sửa chữa, xây mới vì lo không biết bao giờ sẽ được di dời. Mà muốn tự di dời thì lại không có đủ điều kiện.

Bài toán nan giải

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc các hộ dân sống trên di tích như hiện nay đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó đáng kể đến là việc gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị nói chung và Khu di sản Huế nói riêng; ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, cảnh quan trong di sản.

Ngoài ra, việc sống tạm bợ của người dân đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội, phát sinh nhiều tệ nạn xấu. Chưa kể, việc có quá nhiều hộ dân sống trên di tích là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích. Thế nhưng để di dời dân cư đang "sống treo" trên di sản này lại là bài toán hết sức nan giải.

Vừa qua, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 26/TB-VPCP ngày 17/1/2018, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành tổ chức khảo sát hiện trạng sử dụng đất và thực trạng đời sống dân cư để đề xuất cơ chế đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để di dời dân cư trình các Bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ. Qua khảo sát, tỉnh đã nhìn nhận ra được nhiều vấn đề.

Huế nỗ lực giải bài toán di dời dân “sống treo” trên di sản thế giới - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ khảo sát và hỏi thăm đời sống của người dân ở khu vực Thượng Thành.

Được biết, phần lớn cộng đồng cư dân đều ủng hộ chủ trương của tỉnh và mong muốn đến ở một nơi tốt hơn. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích lại không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ nên theo quy định hiện hành không được bồi thường. Mặt khác cũng không ít hộ dân điều kiện kinh tế khó khăn, nếu được cấp đất cũng khó xây được nhà. Do đó cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt về bồi thường, tái định cư và kinh phí hỗ trợ di dời của Trung ương để giải quyết sớm, dứt điểm nhằm trả lại nguyên trạng di tích.

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết thêm, theo phương án dự kiến thì sẽ có hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I Di tích Kinh thành Huế được di dời trong giai đoạn 2019 – 2021. Tổng kinh phí cho công việc này là hơn 2.800 tỷ đồng, con số này là quá lớn so với khả năng cân đối của ngân sách địa phương nên tỉnh sẽ đề xuất Trung ương hỗ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư với diện tích khoảng 73 ha tại phường Hương Sơ, TP. Huế. Kinh phí đầu tư cho khu tái định cư khoảng hơn 1.360 tỷ đồng.

Hiện tại, phương án này đã được tỉnh Thừa Thiên – Huế trình lên các Bộ ngành Trung ương và đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm, ủng hộ cao.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ